itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Vai trò quản lý Nhà nước còn mờ nhạt

Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Vai trò quản lý Nhà nước còn mờ nhạt

Chất lượng hàng hóa thả nổi

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ngày 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa” với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước và đại diện các doanh nghiệp TPHCM.

Chưa phù hợp

Ông Nguyễn Văn Kích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế, Hội Luật gia VN, băn khoăn: Chỉ có nhóm sản phẩm sản xuất công nghiệp mới áp dụng được luật, chứ nhóm sản phẩm sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp rất khó áp dụng. Cụ thể: Yêu cầu nhà sản xuất phải tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng nếu nông dân trồng trọt hoặc chăn nuôi cũng là nhà sản xuất thì làm sao tự công bố chất lượng sản phẩm.

Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TPHCM cũng góp ý: Phải quy định thêm sản phẩm xuất khẩu cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước chứ hiện nay mới chỉ quy định chỉ có sản phẩm sản xuất và sản phẩm nhập khẩu. Điều 5, mục b, khoản 1 nên quy định: “Sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (nhóm sản phẩm có khả năng gây mất an toàn) phải chịu sự quản lý chất lượng do Nhà nước ban hành” chứ không nên để “tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng”.

Đại diện Công ty Cổ phần Kinh Đô cho rằng, việc bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cho người bán hàng, người tiêu dùng được thỏa thuận giữa các bên liên quan hoặc theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài là không hợp lý. Ở các nước, trọng tài kinh tế chỉ tham gia vào tranh chấp giữa các doanh nghiệp chứ không được can thiệp tranh chấp nếu có đối tượng là người tiêu dùng nên việc bồi thường thiệt hại nếu không thỏa thuận được giữa hai bên thì phải theo quyết định của tòa án.

Ông Hoàng Công Sơn, Đội phó Đội 3A, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, đề nghị: Dự án luật nên khẳng định rõ ngành hàng nào mới được tái chế chứ không thể áp dụng chung chung. Chẳng hạn: Việc tái chế xăng dầu từ chỉ số octan 92 nhưng lại được tái chế chỉ còn 86 - 87 là không hợp lý.

Nhiều sản phẩm vẫn nằm ngoài luật

Bà Trương Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, nhận xét: Dự án luật thể hiện sự ôm đồm của cơ quan quản lý Nhà nước. Không đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các Doanh nghiệp khu công nghiệp, ông Trần Thiện Tứ, cho rằng: Trách nhiệm quản lý Nhà nước vẫn là then chốt vì có những lĩnh vực chỉ có Nhà nước mới can thiệp, giải quyết được. Chẳng hạn: Chợ thuốc tây tại TPHCM hoạt động rất “bầy hầy”, bán cả những hóa chất gây chết người. Vậy, vai trò quản lý Nhà nước không thể hiện ở đây thì thể hiện ở đâu? Hiện nay, lương thực - thực phẩm biến đổi gien đang là vấn đề còn bàn cãi trên thế giới, vậy quan điểm của VN như thế nào? Có cho nhập khẩu hay không thì chưa thấy thể hiện trách nhiệm thuộc về bộ, ngành nào quản lý ngành lương thực. Hay Bộ Công Thương chỉ chịu trách nhiệm đối với thiết bị sản xuất là chính mà chưa thấy trách nhiệm đối với công nghệ sản xuất sản phẩm và hàng hóa.

Về công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đại diện Vinamilk đề nghị: Nhà nước nên đầu tư trang thiết bị kiểm nghiệm chứ thực tế có nhiều phòng kiểm nghiệm của Nhà nước còn thua doanh nghiệp thì làm sao bảo đảm chất lượng trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa?!

Mai Vân