itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Đà Lạt: Làng hoa tình yêu sẽ chỉ còn trong hoài niệm!

Đà Lạt: Làng hoa tình yêu sẽ chỉ còn trong hoài niệm!

Vạn Thành - làng hoa hồng trù phú và nổi tiếng từ bao đời nay ở thành phố hoa Đà Lạt hiện đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi phần lớn diện tích đất trồng hoa bị qui hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng.

Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, các nông dân Nguyễn Văn Sáu và Vũ Như Lâm đã mang giống hoa hồng về trồng thử nghiệm ở ấp Vạn Thành (phường 5, Đà Lạt).

Bởi loài hoa sứ giả của tình yêu này nhanh chóng thích nghi với vùng đất mới nên nông dân dần dần chuyển đổi diện tích rau sang trồng hoa; đồng thời nhạy bén nhập giống mới, lai tạo giống, ứng dụng công nghệ trồng hoa tiên tiến của Hà Lan, Đài Loan, Nhật Bản…, đặc biệt là công nghệ trồng hoa trong nhà kính. Hiện, hơn 150 ha hoa (gần 70% là hoa hồng) đều được nhà kính hóa, trong đó, nhiều nhà kính có hệ thống chiếu sáng, tưới tiêu tự động.

Nhờ điều kiện đất đai, khí hậu rất thuận lợi và hoa được bán trực tiếp cho các chủ vựa ở Đầm Sen, Hồ Thị Kỷ (TPHCM) cùng một số địa phương khác chứ không qua trung gian nên lợi nhuận thu được khá cao.

“Nếu như ở nhiều nơi, những “cánh đồng” đạt 50 triệu đồng/ha đã được xem là thành công thì tại Vạn Thành, doanh thu từ 300- 500 triệu đồng/ha là chuyện bình thường, một số hộ còn đạt tới 700-800 triệu đồng/ha. Không ít hộ xây biệt thự, sắm xe hơi… từ thu nhập về hoa ” - Chủ tịch Hội Nông dân phường 5 Nguyễn Đức Học khẳng định.

Trồng hoa theo công nghệ cao ở Vạn Thành là một trong những mô hình làm ăn hiệu quả nhất của nông dân Đà Lạt, thế nhưng mười mấy năm qua người dân nơi đây không được làm chủ mảnh đất của mình để yên tâm đầu tư sản xuất.

“Sau nhiều năm khiếu kiện, đến giữa năm 1995, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt mới đồng ý thu hồi đất của Tập đoàn sản xuất cà phê Cam Ly để tổ chức xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng trăm hộ dân.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, chính quyền lại đổi ý, qui hoạch hầu hết diện tích đất của làng hoa để triển khai các dự án xây dựng khu dân cư, khu du lịch Cam Ly – Măng Lin, Savimex…” - Nghệ nhân Bùi Minh Thìn (khu phố trưởng khu phố 6) bức xúc.

Chủ tịch Hội Nông dân phường 5 cũng rất tâm tư: Bỏ đất hoang thì lãng phí, nông dân thiếu đói mà đầu tư làm nhà kính thì quá mạo hiểm, nếu Nhà nước thu hồi đất thì coi như trắng tay.

Để có một nhà kính rộng 1.000 m² phải đầu tư từ 35 - 50 triệu đồng; nếu sử dụng vật liệu ngoại nhập thì giá tăng gấp đôi. Đó là chưa kể chi phí mua cây giống, phân bón, trả công chăm sóc, thu hái…

Trong khi đó, nếu phải tháo gỡ thì giá trị nhà kính chỉ còn là phế liệu. Bởi thế, hiện nhiều nhà kính đã hết thời hạn sử dụng nhưng nông dân chưa dám làm nhà khác để thay thế.

“Không chỉ tay nghề và kho kinh nghiệm quý giá của bao nghệ nhân bị bỏ phí mà hàng trăm nông dân chuyên sống bằng nghề trồng hoa cùng con cái của họ sẽ ra sao? Từ bao đời nay, người dân Vạn Thành chỉ gắn bó với cây rau, cây hoa; tuổi tác đã cao, trình độ văn hóa hạn chế thì làm sao chuyển đổi ngành nghề?” - Chủ tịch UBND phường 5 Trương Thị Hường băn khoăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền địa phương cần xem xét hủy bỏ những quy hoạch bất hợp lý để duy trì sự tồn tại của làng hoa Vạn Thành nhằm gìn giữ nét đẹp của làng hoa, phát triển nghề trồng hoa và duy trì cuộc sống sung túc, ổn định của hàng trăm hộ dân.

Theo Tiền Phong