itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Doanh nhân với báo chí: Cuộc chơi trốn tìm

Doanh nhân với báo chí: Cuộc chơi trốn tìm

Trong một cuộc phỏng vấn

Thường xuyên doanh nhân chủ động tìm đến báo chí để cậy nhờ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và dịch vụ, hay để được bênh vực. Ngược lại, thường xuyên báo chí phải tìm đến doanh nghiệp để lấy thông tin. Tuy nhiên, cái dòng chảy hai chiều này chẳng phải bao giờ cũng êm ả.

Không phải doanh nhân và doanh nghiệp nào cũng sẵng sàng tiếp xúc với báo chí. Có doanh nhân khi nói tới báo chí thì hoặc đùn cho người khác ra tiếp, có khi… bỏ trốn khỏi công ty. Vì sao họ sợ báo chí đến vậy?

Bị bóp hầu bao

Một tờ báo thuộc vào hàng "lớn" ở TP.HCM tự lập “Trang chuyên đề”, sau đó sang sở phụ trách lĩnh vực “trang chuyên đề” này, đề nghị lập hợp đồng thực hiện trang, tổng giá trị hợp đồng lên đến gần tỉ đồng mỗi năm. Sở này chẳng có ý ‎định thành lập chuyên trang, nhưng vì đây là tờ báo lớn của địa phương, nên dành bấm bụng chi và làm “hợp đồng tuyên truyền” trên tờ báo.

Chỉ mới sau một tháng thực hiện chuyên trang, hàng loạt doanh nghiệp đã kêu trời. Hóa ra, mỗi khi viết bài có liên quan đến đơn vị nào, phóng viên phụ trách trang chuyên đề này lại đến đề nghị “hỗ trợ tiền đặt logo”. Nhiều khi DN phải chi 5 đến 10 triệu đồng, không biên nhận, không hóa đơn chứng từ.

Các DN đòi tố cáo, nhưng cũng chính ông giám đốc sở động viên: “Đừng dây với báo chí phiền phức. Thôi chi đi, cho qua chuyện”. Và các “doanh nhân” đành bấm bụng móc hầu bao.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, đã có vài nhà báo phải vào tù với tội danh tống tiền. Giữa năm 2007, Tòa án nhân dân Hà Nội đã đưa ra xét xử Nguyễn Hồng Sơn, nguyên phóng viên báo Diễn đàn Doanh nghiệp. Hồng Sơn bị tuyên phạt 3 năm tù về tội tống tiền DN. Sơn đã vòi 2 DN, trong đó vòi DN đầu tiên 10.000 USD.

Tuy nhiên đó chỉ là những tình huống do phóng viên quá trắng trợn, dựa vào cái lỗi kinh doanh của DN để bắt chẹt, đòi số tiền quá lớn. Còn lại, những cảnh vòi tiền nhỏ nhặt thì rất nhiều, mà không có cơ sở hoặc không đáng để tố cáo phóng viên, không đáng để pháp luật trừng trị, nhưng DN thực đau đầu.

Tiền, tiền và tiền

Tương tự tống tiền, vòi tiền, còn có vài kiểu làm tiền khác, nào là quảng cáo, làm trang chuyên đề, viết sách, bán sách…

Một tình trạng phổ biến tương tự làm tiền, đó là làm quảng cáo. Quảng cáo có vô vàn cách, trong đó hữu hiệu nhất là manh nha biết một DN “có vấn đề” trong kinh doanh, vi phạm pháp luật… vậy là có vài người mang danh “phóng viên” đến đặt vấn đề ký hợp đồng làm quảng cáo.

Cách làm này là tiêu cực, nhưng lại là cách tốt nhất để DN mau chóng thoát khỏi phóng viên. Chính vì vậy, biết là tiêu cực nhưng rất nhiều DN đưa chiêu này ra để hóa giải vấn đề.
Trong một lần phóng viên VietNamNet tác nghiệp phát hiện hàng quá hạn sử dụng trong siêu thị Parkson, người cán bộ quản lý điều hành siêu thị này cũng đề nghị bỏ qua cho chuyện này, bù lại ông sẽ quảng cáo trên báo!

Có lần, một tổng công ty bị đưa sai phạm lên một tờ báo ở TP.HCM nhưng sau đó không thấy đả động đến nữa. Một cán bộ làm việc trong TCT này cho biết đã chi tiền quảng cáo để giải quyết.

Chính những cách xử lý bằng tiền như trên của DN đã thúc đẩy “phóng viên” đi tìm kiếm và vòi tiền .

Câu chuyện chiếc phong bì có lẽ đã cũ, nhưng vẫn mới bởi nó vẫn tồn tại trong lĩnh vực quan hệ báo chí và DN hiện tại. Đến giờ này có thể nói rằng, khó có thể xóa bỏ chiếc phong bì, bởi nó đã trở thành một thông lệ, một chi tiết có thật trong đời sống xã hội và báo chí. Bởi vậy, chỉ còn cách là làm thế nào cho chiếc phong bì mang “sứ mệnh” văn hóa một chút, để giảm đi những tiêu cực trong hoạt động phong bì.

Có những cách tặng phong bì rất là lịch sự, văn hóa. Đầu năm, giám đốc công ty mời báo chí thân thiết đến gặp mặt, uống trà và đàm đạo công việc, chia sẻ tâm tư tình cảm. Cuối buổi công ty tặng mỗi phóng viên một chiếc phong bì vài trăm ngàn. Đó là niềm vui trong cuộc sống, là sự sẻ chia ấm áp. Đời làm phóng viên có những chiếc phong bì như thế, thật là ấm lòng.

Thế nhưng cũng có những chiếc phong bì là sự chẳng đặng đừng của DN. Khi phóng viên viết một bản tin gì đó được đăng, mang đến DN để “tặng báo”, các doanh nhân cũng không thể vô tư đến độ lơ đãng!

Hoặc một chi tiết cũng khá phổ biến là sau khi nhà báo đến phỏng vấn xong, trước khi ra về giám đốc trao chiếc phong bì. Có lẽ đây là thói quen khi giám đốc làm việc với các cơ quan đến kiểm tra mình, và cũng làm vậy với báo chí! Trong trường hợp này, những nhà báo thực sự vì thông tin - hoặc là nhà báo thứ thiệt - thường từ chối.

Trốn!

Đã có một sự trùng hợp ngộ nghĩnh xảy ra. Một nữ giám đốc tiếp phóng viên VietNamNet tại phòng làm việc. Cứ một lát lại thấy cô thư ký vào ghé tai vị nữ giám đốc này nói nhỏ câu gì đó. Cuối cùng, vị nữ giám đốc này đành nói với phóng viên: “Anh chờ cho một lát, tôi xuống trả lời để họ đi cho rồi!”. Vị khách ngồi ở phòng khách có xưng danh là phóng viên của một tờ báo.

“Nói có phóng viên liên hệ công tác là tôi lo âu” - Giám đốc một công ty địa ốc bày tỏ. Ông giám đốc này có lần tiếp một “nhà báo”, loanh quanh một hồi “nhà báo” này đặt vấn đề dự án của ông giám đốc vi phạm về giải tỏa mặt bằng. Ông đã khỏa lấp câu chuyện này bằng phong bì.

Vì vậy, rất nhiều công ty, DN, kể các các DN lớn, có kinh nghiệm, vẫn cứ ái ngại khi liên quan đến báo chí. Tổng Giám đốc công ty địa ốc H, một đại gia trong ngành bất động sản ở TP.HCM, là một doanh nhân cởi mở, nhưng tuyệt đối không bao giờ dám tiếp xúc báo chí. Một lần do yêu cầu công việc, phóng viên cần tiếp cận, nhưng cô trợ lý cho TGĐ tên là Hiền đã tìm mọi cách ngăn trở, đến chừng nào phóng viên… bỏ cuộc, mới thôi! Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Bây giờ muốn gặp giám đốc, có khi phải nhờ người quen gọi vào điện thoại di động mới gặp, chứ gọi đến công ty thì sẽ có ngay chiếc hàng rào gồm có lễ tân, thư ký‎, trợ lý…, với muôn ngàn lý do ngăn trở. Phổ biến nhất là lý do “lãnh đạo đi vắng”, “bận họp”, hoặc đề nghị làm văn bản đưa sang, gửi email… Mà văn bản và email thì một đi không trở lại!

***

Quan hệ báo chí - DN là mối quan hệ thực sự cần thiết trong công cuộc khuếch trương kinh tế hiện nay, thế nhưng đáng tiếc là chưa được xây dựng chặt chẽ, thậm chí vẫn còn một khoảng ngăn cách khá rõ. Khoảng cách này một phần do báo chí và doanh nghiệp chưa hiểu nhau, bên cạnh đó không chối cãi vẫn còn có một lực lượng “nhà báo” dỏm không sống bằng sức lao động sáng tạo, mà chỉ chuyên đi nhìn vào hầu bao người khác.

Ngày xưa doanh nhân bị xem như là tội phạm, nay được tôn vinh rồi lại bị xem như cái hầu bao. Cái hầu bao được quá nhiều người ở quá nhiều nơi - trong đó có cả thành phần báo chí, dù số này không nhiều - nhắm vào đó. Vậy nên trong những nỗi sợ của doanh nhân, từ sợ con dấu đỏ, sợ bảo kê, sợ các tổ chức xã hội, có cả nỗi lo sợ báo chí!

Nói như thế để chia sẻ cùng DN, để doanh nhân vào báo chí tìm cách gắn kết hỗ trợ nhau. Bởi trong công cuộc Việt Nam chấn hưng kinh tế và bước ra thế giới hôm nay, không thể thiếu sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của hai lực lượng này.

Đặng Vỹ