itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B+ của Việt Nam

Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B+ của Việt Nam

Hôm 11/5, tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm các khoản vay bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam ở “B+”. Triển vọng cho cả hai đều là “ổn định”, nguồn ngoại tệ ngắn hạn IDR ở mức B, hãng tin Reuters cho hay.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Fitch, ông Art Woo, cho biết, quyết định trên cho thấy Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc nỗ lực khắc phục tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô diễn ra trong hai năm 2010 và 2011.

Tuy nhiên, theo ông Art Woo, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều dấu hiệu đi vào ổn định như lạm phát suy giảm…, song việc tái cơ cấu khu vực ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cần được đẩy mạnh hơn để củng cố mức tín nhiệm của Việt Nam.

Theo Fitch, kể từ khi tiến hành các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 vào tháng 2/2011, Việt Nam đã đạt được bước tiến rất lớn trong việc kiềm chế lạm phát leo thang.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với mức 23% trong tháng 8/2011. Tổ chức định mức tín nhiệm này dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ vào khoảng 10% trong 2012, thấp hơn nhiều so với năm 2011.

Nghị quyết 11 cũng giúp cán cân tài khoản vãng lai thặng dư 0,2% GDP trong năm 2011, trái với mức thâm hụt 4% trong năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục ở mức cao, đạt 7,4 tỷ USD trong năm 2011 (khoảng 6% GDP).

Những yếu tố này đã mang lại sự cải thiện cho cán cân thanh toán cũng như dự trữ ngoại hối. Kết quả thành công của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cùng các động lực của nền kinh tế là các yếu tố đã tác động tích cực đến xếp hạng tín nhiệm.

Dự trữ ngoại hối chính thức của Việt Nam (không bao gồm vàng) đã tăng từ 12 tỷ USD vào cuối năm 2010 lên 14,1 tỷ USD vào cuối tháng 11/2011. Fitch ước tính dự trữ có thể đạt 16-17 tỷ USD vào cuối tháng 3/2012, tương đương 1,8 tháng nhập khẩu.

Sự gia tăng trong lĩnh vực dự trữ ngoại hối này của Việt Nam cũng là một yếu tố cho thấy tình hình ổn định của nền kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán, cho dù mức dự trữ dưới 2 tháng nhập khẩu là tương đối thấp so với các quốc gia khu vực.

Theo Fitch, kinh tế Việt Nam đầu năm nay đã giảm tốc, với tăng trưởng GDP thực quý 1/2012 đạt 4%, thấp hơn so vói mức 6,1% trong quý cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã giải thích lý do Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất bớt 1% trong tháng 3 và tháng 4.

Fitch tin tưởng rằng, việc hạ lãi suất này của Ngân hàng Nhà nước không phải là đi ngược với các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 11, mà là một sự ứng phó về mặt chính sách thích hợp trước sự giảm tốc của nền kinh tế và sự hạ nhiệt của lạm phát.

Theo Fitch, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam vẫn là yếu tố tác động tiêu cực đến xếp bậc tín nhiệm quốc gia. Tỷ lệ nợ/GDP cao của lĩnh vực tư nhân đã đặt ra nguy cơ tiềm tàng đối với ổn định tài chính vĩ mô. Hiện nguồn vốn của hệ thống ngân hàng còn thấp và chất lượng tài sản đang giảm.
(VnEconomy)