itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Gỡ “nút thắt” lúa hè thu

Gỡ “nút thắt” lúa hè thu

Trong bối cảnh thị trường gạo thế giới phân cực và cạnh tranh khá gay gắt, lúa hè thu – vụ có diện tích lớn và quan trọng thứ 2 sau vụ đông xuân ở vùng ĐBSCL bắt đầu thu hoạch, tình hình này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa của bà con nông dân, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ tháng 7 và 8 sắp tới?

Sức ép từ Ấn Độ và Thái Lan

Theo dự báo của các tổ chức chuyên ngành, hầu như những quốc gia trồng lúa đều được mùa nên tổng sản lượng lương thực trong năm nay sẽ tăng thêm 3% và lượng tồn kho ở các nước sẽ tăng thêm 8% so với năm 2011. Nhiều nhất là Ấn Độ - trên 65 triệu tấn lương thực, trong đó gạo đạt khoảng 32 đến 33 triệu tấn. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, giao dịch gạo thị trường thế giới hiện nay hình thành 3 khung giá rõ nét, trong đó khung giá thấp nhất gồm các nước Ấn Độ và Myanmar.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2012, giá gạo 2 nước này giảm khá sâu. Gạo 25% tấm của Ấn Độ từ 410 USD/tấn xuống còn 350 - 360 USD/tấn, gạo Myanmar từ 340 còn 325 USD/tấn. Loại gạo 5% tấm từ 450 USD/tấn xuống còn 390 USD/tấn. Sự việc này được cho là do đồng rupi của Ấn Độ bị mất giá, mùa vụ lại trúng, cộng với việc tồn kho đang rất lớn nên cần bán bớt để có thể mua vào lượng gạo mới thay thế.

Khung giá trung bình là gạo của Việt Nam (VN) và Pakistan (trước đây thuộc nhóm gạo giá thấp). Hiện nay, gạo 25% tấm của VN bị gạo Ấn Độ cạnh tranh quyết liệt, nhất là tại thị trường châu Phi, gạo VN hầu như không bán được, chỉ có thể bán gạo cấp cao và gạo thơm.

Lợi dụng tình huống này có không ít doanh nghiệp (DN) Trung Quốc (TQ) đã hủy hợp đồng nhập khẩu khoảng 48.000 tấn gạo VN tính từ đầu năm đến nay hoặc tìm cách giảm giá khi gạo VN đã đến cảng TQ với lý do chất lượng không đảm bảo, không đúng thời gian giao hàng...

Song song đó, cũng có DNTQ yêu cầu DNVN trộn gạo 5% tấm vào gạo thơm khi giao hàng, nhưng việc làm này đã bị VFA cực lực bác bỏ và chỉ đạo DNVN không được làm theo yêu cầu của DNTQ. Dù làm như vậy, DNVN có thể lời thêm 1/3 giá trị nhưng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi người tiêu dùng TQ nhận ra, gạo VN lúc đó bị tai tiếng sẽ rất khó thâm nhập sâu như hiện nay.

“Nút thắt” rơi vào tháng 7 và 8

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT dự báo, việc xuất khẩu gạo năm nay có thể giảm hơn 1 triệu tấn so với năm 2011 nếu thị trường không có những chuyển động có lợi cho người bán mà vẫn tiếp tục khó khăn như hiện nay. Năm 2012 lượng gạo xuất khẩu của VN chỉ đạt khoảng 6,2 triệu tấn so với 7,2 triệu tấn của năm 2011. Theo Bộ NN-PTNT, dù nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên ở một số thị trường như TQ, Malaysia hay các nước châu Phi như Senegal, Bờ Biển Ngà... nhưng thị trường truyền thống có lợi thế như Philippines, Indonesia thời điểm này lại giảm nhập khẩu khá nhiều lượng gạo từ VN. VFA cho biết, lượng gạo đã ký hợp đồng cho đến nay khoảng 5 triệu tấn, đã giao 2,7 triệu tấn gạo. Dự kiến 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu được khoảng 3,3 triệu tấn. Như vậy còn 2,3 triệu tấn gạo phải giao thời gian tới.

Ông Trương Thanh Phong cho biết, tháng 6 này các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 400.000ha trong số hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu gieo sạ. Thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 7 và 8. Đây sẽ là thời điểm căng thẳng, là “nút thắt” cần giải quyết của vụ hè thu và cả năm nay.

Dự kiến cả vụ sẽ thu hoạch khoảng 8,6 triệu tấn lúa, trong đó có hơn 5 triệu tấn lúa hàng hóa (khoảng 2,5 triệu tấn gạo) dành cho xuất khẩu. Vụ thu đông với khoảng 680.000ha dự kiến thu hoạch vào tháng 11 với 3,3 triệu tấn lúa. Như vậy có khoảng 11,7 triệu tấn lúa phải thu hoạch, trong đó khoảng 3,5 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Lúa thu-đông với chất lượng cao không phải quá lo về thị trường, nhưng lúa hè thu chất lượng thấp sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ nên phải có giải pháp tình huống và kịp thời, bởi không thể tiêu thụ ngay mà chỉ có thể tiêu thụ dần kèm với lúa chất lượng cao của vụ đông xuân còn lại và gạo thu đông thu hoạch sau đó.

Vì vậy, VFA vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính về tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu và kiến nghị 3 vấn đề là sớm công bố giá thành sản xuất lúa hè thu 2012; tiếp tục gia hạn vốn vay mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ vụ đông xuân của 98 doanh nghiệp theo lãi suất thỏa thuận (hiện còn khoảng 900.000 tấn); cần sớm có chính sách về việc tiêu thụ lúa hè thu, khi thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu đang đến gần.

Công Phiên