itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Hikifuda – Bán hàng nhờ lòng ái quốc

Hikifuda – Bán hàng nhờ lòng ái quốc

Ra đời vào cuối thế kỷ 19, Hikifuda là hình thức quảng cáo chính thống đầu tiên tại Nhật Bản.

Hikifuda đã đem tới cho các nhà quảng cáo ý tưởng dùng lòng ái quốc để tăng doanh số.

Một chút “quảng cáo” cho hình thức quảng cáo đầu tiên

Lịch sử ghi nhận Hikifuda là dạng quảng cáo in đầu tiên xuất hiện tại Nhật. Hikifuda, còn gọi là những tấm “cạc” được vẽ hình, được sử dụng cho nhiều mục đích quảng cáo khác nhau, từ khai trương một cửa hàng mới hay thông báo một kỳ giảm giá, giúp tăng doanh số cho một nhãn hiệu. Hikifuda được phân phát cho mọi người để truyền tin và thu hút sự chú ý. Không chỉ được phân phát đơn độc, có khi nó còn đính kèm với một cuốn catalogue sản phẩm hay phiếu đăng kí mua hàng. Những dạng Hikifuda có đính kèm được dành riêng chuyển tới cho những khách hàng đặc biệt – khách hàng lâu năm hoặc khách hàng rất giàu có.

Ebisu – Vị thần cai quản sự Thịnh Vượng mặc bộ Âu phục tân thời nhất
và đang rao bán những loại đồng hồ chất lượng cao

Vào năm 1872, hai năm sau khi tờ báo đầu tiên được phát hành tại Nhật Bản, Hikifuda trở nên giống một mẫu quảng cáo in báo như chúng ta thường gặp ngày nay hơn khi nó được đính kèm trong với tờ Tokyo Nichinichi Shimbun.

Ngày nay, Hikifuda là món sưu tập rất được săn đón trên thế giới. Thứ nhất vì tính “đa năng”: nó vừa có giá trị của nghệ thuật vẽ truyền thống Nhật Bản, vừa có giá trị lịch sử - thông tin cho thời kỳ đầu đất nước mặt trời mọc tự do giao thương với bên ngoài và tiến lên các hình thức kinh doanh chuyên nghiệp. Thứ hai là vì tính đa dạng. Không chỉ quảng cáo sản phẩm mà Hikifuda còn được chính chính phủ Nhật sử dụng như một hình thức PR cho đất nước, như các tấm Hikifuda mang thông điệp ủng hộ Nhật trong chiến tranh Nga – Nhật hay khuếch trương hình ảnh sức mạnh quân đội.

Công nghiệp nặng và tàu vận chuyển tân tiến.

Hikifuda đã làm quảng cáo như thế nào?

Một tấm Hikifuda điển hình gồm có hình vẽ có liên quan đến sản phẩm, thông điệp quảng cáo (nếu cần), tên công ty, cửa hiệu và địa chỉ. Nếu khéo léo thì người nghệ sĩ vẽ nên Hikifuda còn có thể chuyển tải cảm xúc vào đó, khiến người xem gợi lên cảm giác thèm muốn dành cho món hàng. Ngày nay, chủ nhân của một vài tấm Hikifuda có từ cuối thế kỷ 19 vẫn đang tiếp tục họat động kinh doanh.

Dịch vụ điện thọai ra đời tại Nhật năm 1890. Bức Hikifuda này vẽ một người
phụ nữ đang cầu xin sự thịnh vượng từ thần Ebisu qua điện thọai

Ban đầu, Hikifuda được làm thủ công theo đơn đặt hàng với tiền công cực đắt. Sau đó, để tăng số lượng in, các xưởng sản xuất Hikifuda đã sử dụng các kỹ thuật in ấn của phương Tây. Tuy nhiên, những nhà buôn nhỏ khó kham nổi cái giá phải trả cho việc thuê thiết kế một mẫu Hikifuda riêng nên những mẫu in sẵn xuất hiện. Những mẫu này được thiết kế với phần giấy trống cho nhà buôn đề tên mặt hàng, cửa hiệu và địa chỉ mình. Những mẫu in sẵn khá thịnh hành là 7 vị thần may mắn, những con vật cầu may, hình ảnh của nước Nhật hiện đại mới (tàu chiến, máy móc …) và các phụ nữ xinh đẹp. Cũng chính vì sử dụng những mẫu in sẵn mà đôi khi thông điệp quảng cáo – hình minh họa trong Hikifuda rất buồn cười và không ăn rơ với nhau. Ví dụ như hình những người thợ nhuộm tuá mồ hôi vì làm việc vất vả lại được dùng quảng cáo cho công ty chuyên cung cấp chả cá!

Con diều hâu – biểu tượng của sự dũng cảm, cờ mặt trời của hải quân, sung và tàu chiến
– tất cả chứng minh cho sự chuẩn bị nghiêm túc và kỹ lưỡng của quân đội Nhật

Các nhà buôn không phát rộng rãi Hikifuda đến từng nhà, mà chỉ gửi những tấm “cạc” quảng cáo được làm đẹp đẽ nhất tới những khách hàng quan trọng hay các vị có danh tiếng. Thông tin cần quảng cáo từ những người này sẽ miệng truyền miệng lan rộng khắp nơi. Do vậy, một mẫu thiết kế Hikifuda có thể được nhà buôn sử dụng qua nhiều đợt quảng cáo khác nhau, chỉ cần thay nội dung phần chữ được in, tùy theo mục đích của đợt quảng cáo ấy là gì – tung ra sản phẩm mới hay có mua hàng giảm giá.

Hikifuda và bài học bán hàng nhờ lòng ái quốc

Ngày nay, Hikifuda vẫn tồn tại ở Nhật như một nét văn hóa đặc biệt. Đấy là những nhóm người mặc kimono đi diễu hành khắp phố với những tấm Hikifuda để quảng cáo cho các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ. Điều này có thể thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng vì ý tưởng lạ và cách thể hiện độc đáo, nhưng hiệu quả thì rất mơ hồ. Bởi vì Hikifuda đã hết nhiệm vụ của mình. Trong quảng cáo ngày nay, hình vẽ đã được thay bằng ảnh chụp thể hiện sản phẩm rõ nét và đáng tin cậy hơn. Những thông điệp quảng cáo thô sơ trên Hikifuda như “Dùng sản phẩm này vì nó bền đẹp” đã được thay bằng những lời lẽ khéo léo và hoa mỹ hơn.

Thủy thủ Nhật kéo mũi một tên lính Nga tàn ác để bảo vệ cho những người Triều Tiên,
Trung Quốc và Anh

Nhưng Hikifuda đã đem tới cho các nhà quảng cáo ý tưởng dùng lòng ái quốc để tăng doanh số. Hikifuda là quảng cáo của người Nhật, dành cho dân Nhật, theo một phong cách Nhật. Để tránh trở thành thuộc địa của phương Tây, Nhật đã học tập và hiện đại hóa chính mình. Họ xác định rõ kinh tế chính là nền tảng của sự độc lập vững chắc và lâu dài. Vì vậy, việc chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị là ưu tiên số một. Những tấm Hikifuda do đó vừa mang nét phương Tây, vừa mang nét phương Đông. Nét phương Tây là nó đóng vai trò quảng cáo sản phẩm. Nét phương Đông là Hikifuda đại diện cho sự kiêu hãnh của dân tộc Nhật Bản. Tuy Hikifuda mang vai trò giống như một tờ áp-phích quảng cáo có ở phương Tây, nhưng cái chất phương Tây của nó đã mờ đi dưới lớp vỏ bọc phương Đông “đặc sệt”, từ hình vẽ đến cách thể hiện ngôn từ.

Fukusuke – biểu tượng của sự Thịnh Vượng trong bộ quân phục
đang dẫm lên những tên lính Nga khi chúng vào gây sự với một cửa hàng

Mỗi dân tộc đều có niềm kiêu hãnh riêng. Dù thế giới có trở nên phẳng thì niềm kiêu hãnh ấy cũng không bao giờ suy suyển. Một quảng cáo thành công thì phải nêu bật được nét riêng biệt của từng dân tộc. Bởi vì người mua hàng, cũng là công dân, sẽ dành nhiều cảm tình hơn cho những quảng cáo và phương pháp tiếp thị thật gần gũi và tóat lên niềm kiêu hãnh của đất nước mình. Mặt khác, lồng ghép lòng yêu nước vào quảng cáo cũng là một phương pháp giáo dục rất hay và hiệu quả, khi trẻ em ngày nay mê xem quảng cáo cũng như mê xem họat hình vậy.

Ngọc Bích