itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Không ngại thách thức WTO nhưng vẫn “ngán” thủ tục hành chính!

Không ngại thách thức WTO nhưng vẫn “ngán” thủ tục hành chính!

Tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2007

Không chỉ thu hút trên 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng và dự kiến tới 16 tỷ USD trong cả năm 2007, mà số lượng DN thành lập theo Luật DN trên toàn lãnh thổ Việt Nam còn tăng nhanh (gần 43.600 doanh nghiệp được thành lập mới trong 10 tháng) với số vốn đăng ký tăng tới mức kỷ lục 343,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 21,4 tỷ USD).

Những con số trên được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2007, chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh của VN đã có bước cải thiện thuyết phục đối với cộng đồng DN.
Một phát hiện khá thú vị là năm nay có sự nhất quán cao trong đánh giá của DN trong nước và nước ngoài, trái với những xu hướng ghi nhận được trong vòng 5 năm qua. Theo các chuyên gia, điều này là do khung pháp lý cho kinh doanh, đầu tư của DN trong nước và nước ngoài đã được thống nhất.
Cũng không giống với kết quả điều tra năm 2006 – khi đa số DN bày tỏ quan ngại về triển vọng của môi trường kinh doanh và những thách thức do việc VN gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) mang lại – theo báo cáo của Ban thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp, sự đánh giá của các DN năm nay lạc quan hơn, cho thấy xu hướng đi lên của môi trường kinh doanh. DN cũng ít bày tỏ lo ngại về những thách thức do việc gia nhập WTO mang lại mà đều nhận thức rõ và chấp nhận tham gia cạnh tranh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 6 lĩnh vực mà DN đánh giá kém nhất, đồng thời là lĩnh vực mà VN cần cải thiện (xếp theo thứ tự từ kém nhất), bao gồm: cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hiệu quả của dịch vụ hành chính, hệ thống thuế và quản lý thuế, nguồn cung lao động có tay nghề chuyên môn cao và môi trường pháp lý.
Trong kết quả điều tra năm nay, DN ngày càng quan tâm sâu sắc đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề và coi đây là yếu tố cản trở đáng kể đối với sự phát triển và tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, sau khi thoát khỏi danh sách các lĩnh vực yếu kém, năm nay, “hiệu quả của dịch vụ hành chính” quay trở lại với bản danh sách đáng buồn này. Sự phục hồi của hàng loạt “giấy phép con” khi ban hành những luật lệ và quy định mới đã khiến cho 43% số DN được điều tra tỏ thái độ phản ứng. Cộng đồng DN cũng tỏ ra hết sức quan tâm đến công tác ngăn chặn và kiểm soát tham nhũng (39%); cải thiện việc soạn thảo và ban hành luật pháp (37%); cải thiện hệ thống giáo dục - đào tạo (37%)...
Đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho rằng, mạng lưới giao thông và năng lượng là hai mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư liên quan đến cơ sở hạ tầng. “Hiện trạng các cảng biển trong nước có thể làm hạn chế các hoạt động đầu tư trong tương lai nếu không được xử lý một cách khoa học và khẩn cấp.
Ngoài ra, trong khi tình trạng thiếu điện ở VN chưa được giải quyết thì những thay đổi trong các quy định về điện đã làm ảnh hưởng đến các dự án điện có vốn FDI cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung”, ông nói.
Về phần mình, các DN trong nước lại tỏ ra đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận quỹ đất cho sản xuất kinh doanh. Ông Lý Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa bình luận: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương không có khả năng chen chân vào các khu, cụm công nghiệp và vẫn đang gặp khó khăn lớn về mặt bằng sản xuất”.

Bên lề diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc:
Đúng là thủ tục hành chính còn phiền hà
- PV: Thưa Bộ trưởng, cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài đã có cảm nhận tích cực về môi trường kinh doanh của VN…
- Bộ trưởng VÕ HỒNG PHÚC: Môi trường đầu tư kinh doanh của VN năm 2007 được đánh giá là có nhiều cải thiện, đặc biệt với việc thực thi nhiều luật mới trong lĩnh vực kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 10 nền kinh tế có triển vọng thu hút đầu tư nhất thế giới theo đánh giá của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD).
- Tuy nhiên, tại diễn đàn, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đã chỉ ra 6 lĩnh vực còn yếu kém, chậm được cải thiện trong nhiều năm qua. Bộ trưởng có bình luận gì?
- Đó là thực tế mà Chính phủ đã có đánh giá và đang tìm cách tháo gỡ dần. Đơn cử như trong lĩnh vực đất đai. Đây là vấn đề rất lớn. Giá đất hiện nay cũng như chi phí để có được mặt bằng sản xuất, đầu tư phát triển vẫn quá cao. Chính phủ sẽ đảm bảo đủ đất để cho nhà đầu tư thuê ổn định bằng cách xây dựng các cụm kinh tế, các khu công nghiệp… Về thủ tục hành chính, Chính phủ đã có những quyết định mạnh mẽ theo hướng phân cấp cho các ngành, các địa phương, nhưng đúng là vẫn còn có những thủ tục phiền hà. Cấp phép xây dựng chẳng hạn.
- Cơ sở hạ tầng yếu kém là nhược điểm được các DN liệt kê hàng đầu. Tuy nhiên, dường như các DN trong nước và nước ngoài chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đầu tư vào lĩnh vực này?
- Chính phủ luôn khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, song cũng phải thấy là không phải NĐT nào cũng đủ điều kiện để làm. Quan điểm của Chính phủ là cần có sự phân loại cụ thể các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Loại có khả năng thu hồi vốn đầu tư thì giao cho nhà đầu tư thực hiện; loại nào khó có khả năng thu hồi vốn thì phải sử dụng vốn ngân sách.

Theo SGGP