itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Lao động “nội” và nguy cơ thua trên “sân nhà”

Lao động “nội” và nguy cơ thua trên “sân nhà”

Hướng tới mục tiêu đến năm 2020

đạt tỷ lệ lao động đào tạo nghề là 55%.

Từ nay đến năm 2010 sẽ tăng quy mô dạy nghề bao gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên khoảng 20%/năm, trong đó dạy nghề trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng tăng khoảng 22%/năm, để đến năm 2010 đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 32%.

Đây là một trong những mục tiêu được đưa ra trong đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020” được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
Dạy nghề có chuyển biến, nhưng chậm
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nghiêm Trọng Quý, dạy nghề từ năm 2001 đến nay dần phục hồi. 6 năm qua đã thêm 106 trường dạy nghề ra đời, số trung tâm dạy nghề cũng tăng lên, tổng số cả nước hiện có gần 600 trung tâm cùng cả ngàn cơ sở dạy nghề. Các tỉnh hiện không còn tình trạng trắng trường dạy nghề. Đã có 6,6 triệu người được đào tạo nghề, trong đó chiếm số lớn là dạy nghề ngắn hạn. Số người qua dạy nghề dài hạn là 1,14 triệu.
Xã hội hoá dạy nghề cũng bắt đầu được phát huy, có khoảng 1/3 số cơ sở dạy nghề là ngoài công lập. Nhưng tỉ lệ lao động đã qua đào tạo nghề ở nước ta hiện đang ở mức thấp, trong khi đó các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao như: tin học, tự động hoá, cơ điện tử, chế biến xuất khẩu… đều đòi hỏi lao động qua đào tạo nghề là trên 70%, trong đó trên 35% cần có trình độ trung cấp trở lên. Đạt được mức này thì các doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cho dù mạng lưới cơ sở dạy nghề đang phát triển, nhưng số lượng trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề vẫn còn ít (hiện còn phân nửa số quận, huyện, thị xã chưa có trung tâm dạy nghề), đó là chưa kể quy mô đào tạo nhỏ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề còn nhiều bất cập: giáo trình chậm cập nhật, sửa đổi cho phù hợp thị trường; tỉ lệ giáo viên/học sinh quá ít... đặc biệt là yếu kỹ năng thực hành nghề, ngoại ngữ, tin học ứng dụng...
Các cơ sở cũng chưa bổ sung được các nghề đào tạo mới theo “cầu” từ thị trường và vẫn thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm và cho xuất khẩu lao động. Theo dự báo của ngành lao động, từ nay tới 2020, nếu không có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp thì lao động các nước sẽ đến làm việc ở Việt Nam trong khi lao động Việt Nam không tìm được việc làm.
Cần chuyển mạnh từ “hướng cung” sang “hướng cầu”
Theo ông Quý, với quan điểm chuyển mạnh dạy nghề từ “hướng cung” sang “hướng cầu” của thị trường lao động, gắn dạy nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương và gắn với tạo việc làm của người lao động, đây được coi là bước thay đổi nhận thức cơ bản về đào tạo nghề mà đề án đề cập đến.
Bên cạnh đó, đề án cũng nhấn mạnh tới đổi mới dạy nghề theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá một cách toàn diện, đồng bộ từng mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, phương pháp đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; đồng thời có sự lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tiên tiến của các nước, tạo bước đột phá trong dạy nghề.
Cùng đó, phát triển dạy nghề theo hướng đa dạng hoá cơ sở dạy nghề, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, phương thức và hình thức đào tạo; đảm bảo cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập.
Đề án sẽ hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 55%. Có 300 trường cao đẳng nghề, 350 trường trung cấp nghề, 1.000 trung tâm dạy nghề. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng dạy nghề đạt trình độ tiên tiến của khu vực và một số nghề đạt trình độ tiên tiến của thế giới. 100% nghề có nhu cầu đào tạo được xây dựng tiêu chuẩn đào tạo; giao toàn quyền tự chủ cho các trường trong việc phát triển chương trình dạy nghề và áp dụng chương trình dạy nghề của nước ngoài.
Bên cạnh đó đảm bảo tỷ lệ giáo viên/học sinh là 1/15; 20% giáo viên trong các trường trung cấp nghề, 35% giáo viên trong các trường cao đẳng nghề có trình độ sau đại học; 100% số cán bộ quản lý dạy nghề các cấp được đào tạo nghiệp vụ quản lý về dạy nghề; tăng cường đào tạo giáo viên dạy nghề ở nước ngoài, nhất là trình độ tiến sỹ. 100% cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề được kiểm định chất lượng dạy nghề. 100% nghề được tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động có nhu cầu.
Được biết, để thực hiện các mục tiêu mà dự thảo Đề án đổi mới và triển khai dạy nghề đến năm 2020, Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng 7 dự án chi tiết với kinh phí trên 7.600 tỷ đồng.

Dũng Hiếu