itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Logo mới của ĐH Ngoại thương

Logo mới của Đại học Ngoại thương

Logo mới của ĐH Ngoại thương

Khoảng một tháng trở lại đây, sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội thường xuyên nhìn thấy một logo màu đỏ khá lạ mắt xuất hiện trên chiếc TV đặt ở sảnh nhà B của trường mình.

Theo dự tính, logo này sẽ được dùng thay thế cho logo cũ màu xanh của trường.

Việc đổi logo của Đại học Ngoại thương đã trở thành một đề tài nóng hổi trên các forum của trường và trên blog của một số bạn sinh viên Ngoại thương suốt thời gian vừa qua với nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Cách đây hơn một thập kỷ, logo màu xanh đã ra đời với hình ảnh cánh buồm, cái bút và dòng chữ “Since 1960” nhắc nhớ tới lịch sử truyền thống của trường. Logo này mang nhiều ý nghĩa, gắn liền với chuyên ngành Kinh tế Ngoại thương của trường và tuy không phải là nổi bật nhưng vẫn rất dễ nhận biết so với logo của các trường đại học khác. Tuy vậy theo ý kiến của những người ủng hộ logo mới thì logo cũ này nhiều chi tiết rườm rà và tương đối khó hiểu với những người không học trong trường. Chính vì vậy nhìn thấy và nhận ra logo của trường Ngoại thương thì rất dễ dàng nhưng để tự liên tưởng và vẽ lại được logo này lại không hề đơn giản.

Cách đây một thời gian, Đại học Ngoại thương vừa giành được Cúp vàng Thương hiệu Việt của trang www.thuonghieuviet.com. Có lẽ chính từ sự kiện này mà ban lãnh đạo nhà trường đã càng mong muốn đẩy mạnh thương hiệu Ngoại thương hơn nữa và kết quả là sự ra đời của logo mới. Nhìn chung logo này đơn giản và tạo cảm giác hiện đại hơn với màu đỏ trẻ trung và nét chữ đậm mạnh mẽ nhưng có lẽ chính vì thế mà những người phản đối cho rằng nó không mang truyền thống của Ngoại thương, không gợi được một nét đặc thù của Ngoại thương. Có người còn ví nó như huy hiệu của câu lạc bộ bóng đá nào đó.

Ngoại thương từ lâu đã là một thương hiệu trong con mắt của nhiều nhà tuyển dụng. Điều họ đánh giá cao về sinh viên Ngoại thương không chỉ hoàn toàn là ở khả năng trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu (nghiệp vụ chính trường Ngoại thương đào tạo) mà chính là sự năng động và sáng tạo của một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này.

Chính vì thế mà sinh viên chuyên ngành Kinh tế ngoại thương không chỉ làm trong chuyên ngành của mình, phần lớn họ làm trong những lĩnh vực hoàn toàn khác hẳn. Có thể nói Đại học Ngoại thương đào tạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu nhưng điều mà sinh viên ngoại thương học được trên ghế nhà trường không chỉ là những kiến thức nghiệp vụ đó mà quan trọng hơn họ được học tập và rèn luyện trong một môi trường mang tính cạnh tranh cao cùng với những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt và được tạo nhiều cơ hội tham gia vào những hoạt động ngoại khóa và thực tiễn sôi nổi của trường.

Bên cạnh đó, Đại học Ngoại thương đã và sẽ mở thêm nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau để hướng tới trở thành một trường đại học đa ngành có tầm cỡ lớn, có cả những chuyên ngành hơn như ngành Toán kinh tế (sắp ra mắt). Những chuyên ngành khác của trường cũng ngày một lớn mạnh bên cạnh chuyên ngành Kinh tế ngoại thương truyền thống. Giờ đây, nhắc tới Ngoại thương không thể chỉ nhắc tới nghiệp vụ xuất nhập khẩu.

Như vậy, so với một thập kỷ trước đây thương hiệu Ngoại thương đã khoác lên mình thêm nhiều ý nghĩa mới. Logo cũ gắn với chuyên ngành Kinh tế ngoại thương trước kia đã không còn phù hợp vì vậy cần thiết phải có một logo mới khái quát hơn, không quá gắn liền với nghiệp vụ xuất nhập khẩu thế nhưng dường như logo mới có vẻ như chưa khắc họa được cái gọi là thương hiệu “Ngoại thương”. Với tương lai tự do, mở cửa của thị trường giáo dục đại học Việt Nam thì củng cố và phát triển thương hiệu sẽ là một vấn đề sống còn với không chỉ Đại học Ngoại thương mà bất cứ trường đại học nào của Việt Nam. Vậy thì quay lại với logo cũ? Tiếp tục với logo mới? Hay sáng tạo một logo mới nữa phù hợp hơn? Đây sẽ là bài toán khó cho những người lãnh đạo Đại học Ngoại thương.

Mai Hoàng