itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Quan điểm thương hiệu Việt

Quan điểm thương hiệu Việt

Quan điểm 1: Thương hiệu nổi tiếng chưa chắc là mạnh

Thương hiệu mạnh sớm muộn gì cũng sẽ là thương hiệu nổi tiếng nhưng ngược lại thì chưa chắc.

Có nhiều thương hiệu quảng cáo rầm rộ, khuếch trương ầm ĩ (thậm chí gây tai tiếng!) thì ai lại không biết đến, nhưng để mọi người cảm nhận theo hướng mà chủ thương hiệu mong muốn lại là một khoảng cách rất lớn. Con đường đi đến một thương hiệu mạnh cần sự đầu tư dài hơi nhiều công phu mà không thể dùng tiền hay bất kỳ một thế lực nào để mua được. Thấu hiểu khách hàng là điều rất cơ bản mà… ai cũng quên.

Quan điểm 2: Đi từ trong ra ngoài

Phải trở thành thương hiệu mạnh tại Việt Nam trước, sau đó mới bành trướng ra các nước láng giềng Đông Nam Á, rồi châu Á, Úc, Mỹ, Âu… Thực vậy, toàn cầu hoá phải được thực hiện theo một lộ trình mà trong đó, các nước thuộc khu vực ASEAN cần phải tăng cường giao thương, thu hút đầu tư lẫn nhau trước khi nghĩ đến những vùng đất xa xôi hơn. Xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ ngay bên trong nội bộ doanh nghiệp. Ở đó, nhân viên được xem như khách hàng và sự hài lòng, ủng hộ của nhân viên đối với thương hiệu là tiền đồ cho sự ủng hộ của thị trường.

Quan điểm 3: Phải suy nghĩ hiện đại

Đây là cái gốc để xây dựng một thương hiệu mạnh Việt Nam có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, ít ra là ngay tại sân nhà. Không có suy nghĩ hiện đại thì không có một cách xây dựng thương hiệu hiện đại. Một trong những việc mà doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố ngay là kiến thức và sự hiểu biết thấu đáo những gì mà thế giới đang và sẽ quan tâm.

Quan điểm 4: Tầm nhìn quốc tế

Một doanh nghiệp chuyên làm hàng gia công của Việt Nam cũng có thể có một tầm nhìn đẳng cấp quốc tế và cũng có thể trở thành một doanh nghiệp hàng đầu thế giới về gia công một mặt hàng nào đó. Một ví dụ điển hình là nhà thiết kế Sỹ Hoàng dạo gần đây đã thể hiện tầm nhìn quốc tế của mình khi giới thiệu các bộ sưu tập mẫu áo dài Việt Nam có biến tấu để phù hợp “gu” thế giới.

Quan điểm 5: Đánh vào cảm xúc, tình cảm

Trong môi trường kinh doanh hiện nay, các lợi thế về mặt tiện ích của sản phẩm sẽ bị cào bằng rất nhanh do sự sao chép gần như “tức thì” của các đối thủ cạnh tranh. Nói khác đi, cách quảng bá, tiếp thị truyền thống là đánh vào tâm trí khách hàng sẽ mất dần tính hiệu quả để nhường ngôi lại cho một cách làm thâm thuý hơn: đánh vào cảm xúc, tình cảm của người tiêu dùng.

TS. Lý Quý Trung