itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Tạo điều kiện tốt nhất cho thông thương hàng hoá

Tạo điều kiện tốt nhất cho thông thương hàng hoá

Ông Lê Danh Vĩnh

Trước sức ép của xu hướng giá cả hàng hoá tăng mạnh dịp cuối năm, việc điều hành giá cả càng nặng nề hơn. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, một trong những biện pháp quan trọng trong thời điểm này là phải chỉ đạo và tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hoá lưu thông.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc tăng giá tiêu dùng là do cơ cấu sản xuất của nền kinh tế Việt Nam còn lạc hậu và chậm chuyển đổi. Ông bình luận gì về ý kiến này?
Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Cần nhận thức rằng, kinh tế càng phát triển thì cơ cấu sản xuất sẽ càng hoàn thiện hơn. Nếu so sánh với nhiều nước có cùng trình độ trong khu vực thì cơ cấu sản xuất của Việt Nam không có vấn đề gì lớn. Còn nếu so với trước đây thì chúng ta đã có một bước phát triển mạnh. Bằng chứng là đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy “sốc” khi giá tiêu dùng tăng mạnh, mặc dù lý do giải thích điều đó đã được nói nhiều, thưa ông?
Thời điểm này, câu chuyện về giá tiêu dùng đúng là đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người, bởi nó tác động tới đời sống của đa số người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, có nhiều yếu tố khách quan dẫn tới tăng giá tiêu dùng, như tình hình dịch bệnh và thiên tai phức tạp; nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nên chịu nhiều tác động từ những biến động của giá cả thế giới; các sản phẩm đầu vào của nền kinh tế như sắt thép, phân bón, dầu thô... đều có mức giá tăng rất mạnh; vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh...
Việc đánh giá một nền kinh tế phải căn cứ vào nhiều tiêu chí tổng thể, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng. Giá tiêu dùng tăng cao rõ ràng là điều không mong muốn, nhưng cần nhìn nhận nó trong một mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế.
Ông có thể cho biết biện pháp bình ổn giá mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện?
Yếu tố quan trọng là đảm bảo được sự thông thương của hàng hoá, không để mạch lưu thông hàng hoá bị đứt đoạn. Làm tốt điều này sẽ giúp cho hàng hóa được lưu chuyển mạnh, mạch cung - cầu không bị đứt. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về giá cả các mặt hàng trên thị trường sẽ được phối hợp tiến hành rất mạnh mẽ. Hiện nay, Bộ Công thương giữ vai trò đầu mối trong Tổ Điều hành thị trường trong nước. Việc Tổ Điều hành thị trường có những cuộc họp thường xuyên để đánh giá tình hình thị trường sẽ giúp công tác chỉ đạo được sát sao hơn.
Một trong những giải pháp để giảm giá một số mặt hàng trong nước là chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó. Nhưng dường như chính sách này chưa có tác dụng “kéo” giá mặt hàng trong nước xuống. Tại sao vậy, thưa ông?
Thông thường, một chính sách của cơ quan quản lý nhà nước có “độ trễ” so với thực tế. Với chính sách giảm thuế chẳng hạn, doanh nghiệp có thể thực hiện nhập khẩu mặt hàng đó hoặc có thể chưa nhập. Khi có nhu cầu nhập, doanh nghiệp còn phải lên kế hoạch, tính toán lượng nhập, ký hợp đồng cùng các công việc khác. Do đó, dễ nhìn thấy rằng, có thể chưa có ngay mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu, dù chính sách đã được ban hành.

Theo VIR