itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Tập đoàn kinh tế và khoảng trống pháp lý

Tập đoàn kinh tế và khoảng trống pháp lý

Tuyên bố gần đây của một tập đoàn chuyên về tàu bè hàng hải rằng họ đang có ý định thành lập nhà máy bia đã khiến dư luận một lần nữa dấy lên câu hỏi về sự đa dạng hóa chức năng hoạt động của các tập đoàn kinh tế.

Ngay bản thân các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cũng chưa thống nhất liệu đó có phải là xu hướng phát triển đúng không!
Cơ hội và năng lực
Trong số hơn 230 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn Hà Nội và Tp.HCM, số công ty đơn thuần kinh doanh trong lĩnh vực của mình, không đầu tư tài chính hay bất động sản, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trào lưu đầu tư tài chính và kinh doanh bất động sản đang ngày càng mở rộng và được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tập đoàn.
Các tập đoàn từ dầu khí, điện lực, viễn thông, đến công nghiệp tàu thủy, đường sắt, hàng hải, hàng không... đều đã có các công ty trực thuộc, các bộ phận kinh doanh những lĩnh vực ngoài ngành nghề. Công ty tài chính, công ty bất động sản, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư... xuất hiện nhan nhản và trở thành mốt. Như thể tập đoàn kinh tế mà không có công ty đầu tư thì không phải là tập đoàn vậy!
Không phải ngẫu nhiên việc đa dạng hóa kinh doanh lại được các tập đoàn, tổng công ty quan tâm. “Việc chúng ta gia nhập WTO, mở cửa kinh tế, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới là cơ hội làm ăn lớn và doanh nghiệp không thể không tận dụng. Hơn nữa cơ hội này không thể kéo dài mãi mãi. Đa dạng hóa hoạt động là chiến lược phát triển thích hợp, tất yếu”, ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) nhận xét.
BIDV đang tham gia vào hàng loạt dự án khổng lồ, và mới nhất là công ty cho thuê máy bay. Sự đa dạng hóa kinh doanh của BIDV hoàn toàn dễ hiểu vì đó là con đường cho ngân hàng này tài trợ vốn, đưa vốn ra hiệu quả.
Phải khẳng định cơ hội kinh doanh sau khi Việt Nam vào WTO là có, là vô cùng lớn và không thể không tận dụng. Nhưng cũng chính cơ hội đó đặt ra hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất: sự đa dạng hóa hoạt động mang tính chất đầu cơ, rủi ro cao như tài chính, bất động sản và năng lực, trình độ quản trị của các tập đoàn. Thứ hai, nhu cầu phát triển thực tế của các tập đoàn hay doanh nghiệp đang trên đà chuyển thành tập đoàn và khả năng giám sát, quản lý của Nhà nước.
Ở vấn đề thứ nhất, một số tập đoàn cho biết họ có đủ năng lực và trình độ để mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực mới. Đề cập đến việc thành lập ngân hàng dầu khí, một lãnh đạo PetroVietnam nói: “Đây không phải là lĩnh vực mới với chúng tôi. Chúng tôi đã có công ty tài chính từ những năm trước. Chúng tôi đã từng đầu tư ra nước ngoài. Chúng tôi cũng sẵn sàng thuê chuyên gia điều hành nước ngoài nếu cần thiết”.

Tuy nhiên, đa dạng hóa kinh doanh đòi hỏi những điều kiện bổ trợ mạnh. Chẳng hạn ngành nghề kinh doanh chủ yếu tập đoàn đó đã đảm bảo có lợi nhuận ổn định chưa? Nhân lực cho lĩnh vực mới có đủ không? Phân bổ nguồn lực không đúng tầm và không đúng chuyên môn là rủi ro mà không ít tập đoàn đã nhìn thấy.
Vốn để khai sinh một ngân hàng không khó tìm, nhưng tìm đủ nguồn nhân lực gồm lãnh đạo và nhân viên với hàng trăm con người để kinh doanh một ngành nghề nhạy cảm, chuyên sâu với những chuẩn mực khắt khe như ngân hàng thì khó, nếu không muốn nói là rất khó.
Nhà nước có theo kịp?
Ở vấn đề thứ hai: sự giám sát, quản lý của Nhà nước đối với các tập đoàn cho đến nay vẫn chưa thể hiện rõ. Chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể tập đoàn kinh tế hoạt động ra sao, quy mô thế nào.
“Nhà nước cần ban hành những chuẩn mực, tiêu chí đánh giá hiệu quả, mức tăng trưởng của các loại hình tập đoàn. Người chủ sở hữu các tập đoàn quy mô hiện nay chính là Nhà nước và phải có một khung pháp lý để Nhà nước giám sát một cách chính xác hoạt động của họ”, ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận xét.
Song ở một góc độ khác, ông cũng nhấn mạnh việc giám sát của Nhà nước cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ của tập đoàn trong kinh doanh. Mọi sự giám sát bỏ qua nguyên tắc này sẽ dẫn đến sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp.
Việc giám sát các tập đoàn chắc chắn sẽ phức tạp hơn nhiều so với doanh nghiệp bởi tầm cỡ của nó. Ở đây có thể phân biệt rõ hai loại tập đoàn. Những tập đoàn chuyển đổi tự nhiên từ các doanh nghiệp, tổng công ty lên có bề sâu hoạt động, có kinh nghiệm, có bước tiếp nối, xây dựng trên cơ sở tự chủ, được khơi nguồn từ cơ chế đổi mới cổ phần hóa, phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó là những tập đoàn do Nhà nước tạo dựng để trở thành hạt nhân chủ lực của nền kinh tế. Họ được Nhà nước tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, ưu ái về cơ chế... nghĩa là có ưu thế để phát triển. Tuy nhiên, không phải mọi pháp nhân mới, có nhiều ưu thế là đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường để tồn tại, để làm gốc rễ cho những tác nhân khác.
Nói ngắn gọn thì nền tảng pháp lý cho hoạt động tập đoàn đang là khoảng trống. Vì thế sẽ không thuyết phục khi đưa ra dự báo về sự phát triển của một trào lưu như tập đoàn.
Rõ ràng, Nhà nước và chính các doanh nghiệp phải đi sâu hơn vào bản chất tập đoàn, vì nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể ngăn cản được sự đa dạng hóa một cách vô lối hoặc khuyến khích các tập đoàn mở rộng hoạt động mà thiếu đánh giá năng lực mọi mặt của họ. Cả hai cách tiếp cận riêng lẻ đó cho đến giờ đều chưa phù hợp.

(Theo TBKTSG)