itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Thêm lợi thế xuất khẩu

Thêm lợi thế xuất khẩu

Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam có thể không tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu vào Nhật Bản, một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, nếu không tìm hiểu kỹ đặc tính của thị trường này. Đó là khuyến cáo của ông Koichi Takano, Phó trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.

Nhận xét về thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Bảo, Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật đạt 5,2 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2005 và Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. “Nhật Bản có xu hướng chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam và nhiều DN Nhật đang có kế hoạch thành lập công ty, văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam”, ông Bảo nói và cho biết, các mặt hàng xuất khẩu mà Nhật Bản đang và sẽ có nhu cầu lớn là thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, rau quả tươi và hoa tươi, hàng cơ khí gia dụng, nhựa gia dụng, đặc biệt là xuất khẩu phần mềm (ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có thế mạnh về trình độ nhân lực).
Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật vẫn còn rất “khiêm tốn” (năm 2006 mới đạt xấp xỉ 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản). Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật, ông Koichi cho rằng, DN xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hoá, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như thời gian giao hàng.
Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam lại thiếu thông tin và kinh nghiệm làm ăn với các DN Nhật Bản. Một số DN chưa hiểu về văn hóa, tập quán kinh doanh của Nhật Bản. Các DN Nhật Bản rất coi trọng chữ “tín” trong quan hệ với bạn hàng và thực hiện nghiêm cam kết khi đã ký hợp đồng. “DN Việt Nam có thể tự đánh mất lợi thế cạnh tranh hiện nay nếu không hiểu rõ về thị trường Nhật Bản, về văn hoá kinh doanh của người Nhật”, ông Koichi khuyến cáo.
Theo ông Bảo, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng nhất đối với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Nhật. Thực tế là, tôm và mực xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản đã bị kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với 100% lô hàng, do có dư lượng kháng sinh cao. Việc này đang tác động không tốt đến uy tín ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, làm tăng chi phí và giảm tính cạnh tranh của mặt hàng này tại thị trường Nhật Bản. Ông Bảo khuyến cáo, DN xuất khẩu tôm và mực của Việt Nam cần xem xét, chấn chỉnh lại khâu nuôi trồng, bảo quản và chế biến, nhằm chấm dứt hiện tượng trên. “Nếu tình trạng dư lượng kháng sinh vẫn tái diễn, tôm và mực xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó tìm được chỗ đứng tại thị trường Nhật và quốc gia này có thể cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với thủy sản của Việt Nam”, ông Bảo cảnh báo.
Để tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật, theo ông Bảo, việc tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau là yếu tố quyết định thành công trong quan hệ với công ty Nhật Bản. Mặt khác, đảm bảo quy cách, phẩm chất, số lượng, giá cả và thời gian giao hàng như đã thỏa thuận là những yếu tố quan trọng hàng đầu khác. Ngoài ra, để duy trì quan hệ kinh doanh, cần siết chặt quản lý chất lượng hàng xuất khẩu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng còn giúp sản phẩm được người tiêu dùng Nhật tin tưởng. Trên nhãn hiệu hàng cần kèm theo những thông tin hướng dẫn tiêu dùng để giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong lựa chọn sản phẩm.
“Người tiêu dùng Nhật Bản cũng hay để ý đến biến động giá cả, các mẫu mã mới và rất nhạy cảm với những thay đổi theo mùa. Đặc điểm khí hậu tác động đến khuynh hướng tiêu dùng. Quần áo, đồ dùng trong nhà là những mặt hàng có ảnh hưởng theo mùa. Cùng với yếu tố khí hậu, yếu tố tập quán tiêu dùng cũng phải được quan tâm và tham khảo trong kế hoạch khuếch trương thị trường tại Nhật Bản”, ông Bảo nói và cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đang đàm phán những vòng cuối cùng để ký kết hiệp định thương mại song phương. Theo đó, Nhật Bản sẽ giảm thuế trung bình khoảng 90% cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật.

Theo Đầu Tư