itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước: Để DN phát triển tự thân

Xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước: Để DN phát triển tự thân

Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm UB KTNN

"Để tạo nên sức mạnh cho một DN, không thể lấy “số cộng” về quy mô để thay thế cho sự phát triển tự thân của DN"- ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế nhà nước nói.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Dung (ảnh) về việc xây dựng các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ông Lê Quốc Dung nói: Vấn đề hình thành các TĐKT hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau.

Tôi cho rằng, bên cạnh tính tích cực của vấn đề, thì có thể thấy rằng ở các nước thông thường việc hình thành TĐKT dựa trên cơ sở nhu cầu tự thân, còn ở nước ta còn nặng về hợp nhất kiểu hành chính, ghép DN này với DN kia, thậm chí đưa cả những DN thua lỗ kéo dài vào TĐKT.

Nói chung nước ngoài người ta không làm như vậy... Để tạo nên sức mạnh cho một DN, để các TĐKT thực sự là “quả đấm thép” của nền kinh tế như mong muốn, không thể lấy “số cộng” về quy mô để thay thế cho sự phát triển tự thân của DN.

Nhiều TĐKT hiện nay có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, như: Dệt may thì bắt đầu bước sang chứng khoán, ngân hàng, Công nghiệp tàu thủy muốn làm hàng không, Điện lực đã làm viễn thông... Ông nghĩ sao?

Cái đó, trước mắt có thể mỗi một TĐKT cho là phù hợp, vì xu hướng thị trường, nhưng rõ ràng khi bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mà “anh” chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị về đội ngũ chuyên môn thì sẽ rất yếu trong cạnh tranh về lâu dài. Việc đăng ký thêm lĩnh vực kinh doanh là đơn giản, nhưng chắc chắn sẽ có những phiền hà chưa lường trước được.

Trong báo cáo trước QH, UBKT đã lưu ý một tình trạng là, đội ngũ cán bộ quản lý và công tác quản trị doanh nghiệp chưa có sự đổi mới rõ nét làm hạn chế hiệu quả cổ phần hoá DNNN.

Vì vậy, Nhà nước cần làm tốt chức năng quy hoạch và “phân bổ” lĩnh vực kinh doanh sao cho phù hợp với sức mạnh thực sự của mỗi TĐKT. Nếu “thả nổi” theo hướng tự phát thì rất dễ đi đến khủng hoảng.

Một vấn đề được quan tâm hiện nay là quản lý đối với các TĐKT và TCty lớn. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định danh sách 19 TĐKT và TCty do Thủ tướng trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, đây là một quyết định có tính cụ thể hóa đầu mối quản lý hơn là có ý nghĩa giải quyết các vướng mắc cụ thể về chủ sở hữu hay rút gọn các khâu quản lý. Vì về thực chất, để có được các quyết định của Thủ tướng thì các bộ, ngành vẫn tham gia vào quá trình soạn thảo, thưa ông?

Hiện nay bản thân các bộ, ngành cũng đang khẩn trương xoá bỏ chủ quản đối với DNNN, để tập trung làm chức năng quản lý nhà nước. Tôi cho rằng nên tạo cho các TĐKT sự độc lập nhất định và chịu sự quản lý theo chức năng của từng bộ, ngành. Ví dụ, Bộ Tài nguyên&Môi trường quản lý về tài nguyên, còn Bộ Tài chính quản lý về thuế...

Dĩ nhiên, tôi được biết còn có ý kiến băn khoăn về việc làm thế nào để tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với loại DN quy mô lớn này.

Nhưng, như tôi đã nói, còn rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề TĐKT, nên như kiến nghị của UBKT là, Chính phủ cần sớm có tổng kết để đánh giá việc thành lập các TĐKT.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành