itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / “Cởi trói” cho hạt gạo

“Cởi trói” cho hạt gạo

Hàng loạt doanh nghiệp mất quyền xuất khẩu gạo sau khi nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Sau hơn ba năm thực hiện, chính sách này đã không phát huy hiệu quả mà còn làm méo mó thị trường xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng VN cần thay đổi nghị định 109 theo hướng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân để cởi trói cho hạt gạo trước sự thay đổi về cung cầu của thị trường gạo thế giới.

Có hàng nhưng bán không được

Như Tuổi Trẻ ngày 17-9 đã thông tin, dù có chứng nhận gạo chất lượng toàn cầu, có đối tác đặt hàng nhưng Công ty cổ phần Viễn Phú (Cà Mau) vẫn không thể xuất khẩu được do không có giấy phép xuất khẩu gạo theo quy định của nghị định 109.

Ông Võ Minh Khải, giám đốc công ty, cho biết nghị định 109 đã triệt tiêu sự năng động của doanh nghiệp và tạo ra độc quyền trong lưu thông phân phối. “Việc áp dụng các quy định về xuất khẩu gạo đã trói buộc các nhà sản xuất chân chính, đánh mất quá nhiều cơ hội kinh doanh” - ông Khải bức xúc.

Không chỉ doanh nghiệp Viễn Phú mà có tới hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo mất thị trường và cơ hội kinh doanh ngay sau khi nghị định 109 có hiệu lực. Số đầu mối xuất khẩu gạo đã giảm từ 284 năm 2010 xuống còn khoảng 100 doanh nghiệp (đầu năm 2011).

Theo TS Võ Hùng Dũng - giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Cần Thơ, từ khi áp dụng nghị định 109, các doanh nghiệp nhỏ và không đủ điều kiện xuất khẩu phải chuyển qua buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc hoặc ủy thác xuất khẩu cho các doanh nghiệp lớn với mức phí từ 0,5-5 USD/tấn.

“Rất nhiều hợp đồng có giá trị cao nhưng số lượng thấp đã bị hủy bỏ một cách đáng tiếc do các nhà xuất khẩu nhỏ không còn quyền xuất khẩu nữa, trong khi các doanh nghiệp lớn không quan tâm đến hợp đồng vài trăm” - TS Võ Hùng Dũng cho biết.

Việc xây dựng các điều kiện của nghị định này, theo ông Dũng, quá tập trung vào đầu sản xuất. Chẳng hạn, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có một kho chuyên dụng với sức chứa 5.000 tấn lúa và một cơ sở xay xát... đã dẫn đến tình trạng thiếu kho chứa lớn có thể lưu trữ lúa gạo chất lượng dài ngày nhưng lại rất nhiều kho nho nhỏ. Chưa kể việc chạy đua xây kho và hệ thống xay xát sẽ để lại nguy cơ lãng phí khi thời gian tới xuất khẩu gạo sẽ thu hẹp lại.

Con số doanh nghiệp đầu tư kho bãi và xay xát ngày một tăng, có lúc con số xin cấp phép lên tới 200 đơn vị. Như vậy, về cơ bản mục tiêu giảm đầu mối xuất khẩu gạo xuống 100 đơn vị để ổn định thị trường, tăng giá trị xuất khẩu không thực hiện được mà còn gây ra tình trạng lãng phí.

“Hàng loạt nhà máy xay xát, kho chứa mới được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của nghị định 109. Trong thời gian tới khi xuất khẩu gạo thu hẹp lại thì số nhà máy đó đi đâu, hàng ngàn tỉ đồng vốn ngân hàng đổ vào đó sẽ giải quyết thế nào” - ông Dũng thắc mắc.

Mở rộng cho tư nhân

Theo các chuyên gia, thời gian qua VN vẫn tập trung vào các thị trường như Philippines, Indonesia, Malaysia... nhưng bản thân các thị trường này cũng đã có sự thay đổi trong cách thức mua bán.

Thay vì ký hợp đồng giữa các chính phủ như trước, các nước nhập khẩu đã chỉ định doanh nghiệp hoặc giao cho khối tư nhân thực hiện việc mua gạo. Tỉ lệ hợp đồng tập trung cũng giảm từ mức chiếm gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu (năm 2007) xuống còn trên dưới 20% như vài năm gần đây.

Trong khi đó, ngày càng có thêm các nhà cung cấp gạo mới như Campuchia, Myanmar cạnh tranh thị trường gạo cấp thấp với VN. Điều này được minh chứng bằng việc kể từ năm 2011 đến nay, giá xuất khẩu gạo của VN giảm khá mạnh dù tỉ lệ gạo cao cấp, gạo thơm trong cơ cấu xuất khẩu gạo của VN liên tục tăng lên.

Theo TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn chính sách VEPR, ngành xuất khẩu gạo của VN hiện vẫn do các doanh nghiệp nhà nước chiếm vai trò thống lĩnh nên ít tính cạnh tranh, thị trường xuất khẩu không được đa dạng. Trong khi gạo Thái Lan có mặt trên 200 quốc gia thì gạo VN chỉ có một số thị trường nhất định.

Do định hướng xuất khẩu vào các thị trường tập trung và có tính độc quyền cao như thời gian qua dẫn đến việc doanh nghiệp bị động khi tập quán buôn bán gạo thay đổi. Khi tỉ lệ các hợp đồng Chính phủ giảm mạnh thì VN phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

TS Nguyễn Đức Thành cho biết với các chính sách xuất khẩu hiện tại, doanh nghiệp tư nhân trong ngành lúa gạo chỉ phát triển dưới mức trần khi mà lên tới nơi thì rơi xuống chứ không thể nào vượt qua được. Trong khi ngành xuất khẩu cá tra không có các rào cản này nên các doanh nghiệp đã vượt qua biên giới nội địa để tìm tới thị trường thế giới.

“Nếu không mở cửa thị trường ra mà vẫn giữ độc quyền như hiện nay thì doanh nghiệp tư nhân không có động cơ để đầu tư, phát triển và vươn ra thị trường lớn” - ông Thành khẳng định.

Trần Mạnh

tuổi trẻ