itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đầu tư các dự án điện BOT: Ách tắc vì nhà đầu tư thích... chỉ định thầu!

Đầu tư các dự án điện BOT: Ách tắc vì nhà đầu tư thích... chỉ định thầu!

Một dự án đầu tư theo phương thức BOT.

Hàng loạt các dự án điện đầu tư theo hình thức kinh doanh - vận hành - chuyển giao (BOT) của nhà đầu tư nước ngoài đã không được cấp phép trong thời gian qua, gây tâm lý khó khăn cho nhà đầu tư.

Trong khi ngành điện đang cần huy động vốn để đầu tư nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng mạnh, hiện tượng này xem ra không bình thường?

Nhà đầu tư không hiểu luật?

Với tốc độ tăng trưởng phụ tải điện được dự báo trong Tổng sơ đồ điện giai đoạn 6 (TSĐ 6) thì phương án cơ sở tăng 17%/năm, nhưng phương án điều hành có thể tăng tới 20%, thậm chí 22%/năm thì mỗi năm ngành điện phải đầu tư khoảng 2.000-3.000MW công suất điện mới. Đến năm 2010, tổng công suất điện trên toàn hệ thống sẽ tăng gấp đôi so với công suất đặt hiện nay (11.200MW).

Ông Tạ Văn Hường - Vụ trưởng Vụ Năng lượng dầu khí (Bộ Công thương) - khẳng định: "Với tốc độ tăng trưởng như vậy, một mình ngành điện sẽ không lo xuể. NĐT trong và ngoài nước đầu tư theo các hình thức BOT, BO, IPP... là sự lựa chọn tối ưu. Đặc biệt phải có sự tham gia của nhà ĐTNN thì mới cáng đáng nổi".

Điều này thể hiện trong TSĐ 6 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì trong 10 năm tới, các dự án BOT sẽ được khuyến khích đầu tư không hạn chế, nhưng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện lực và Luật Đấu thầu. Trong đó, quan trọng nhất là NĐT muốn đầu tư dự án BOT đều phải thông qua đấu thầu, thậm chí đấu thầu quốc tế rộng rãi, chứ không còn cơ chế chỉ định thầu như trước.

Ông Hường cho biết: "Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, rất ít nhà ĐTNN tham gia đấu thầu, mà thường tiếp cận bằng nhiều con đường để được chỉ định thầu. Sau khi có Luật Đấu thầu, hình thức BOT phải tuân thủ luật và các quy định liên quan đến BOT".

Nhiều nhà đầu tư như AES (Hoa Kỳ), CSG (Trung Quốc), Ensham (Australia), Sumitomo (Nhật)... đã bày tỏ ý định tham gia dự án, nhưng đều chờ đợi vì không muốn đấu thầu, phải chăng họ không hiểu luật?

Đấu thầu - con đường ngắn nhất

Cho đến nay vẫn chỉ có 2 dự án BOT nước ngoài đang hoạt động là Nhiệt điện Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3 (KCN Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) do các nhà thầu EDP (Pháp) và BP (Anh) là nhà điều hành. Mới đây, cả hai nhà thầu này đều bày tỏ ý định tiếp tục đầu tư các dự án BOT tại VN. Tuy nhiên, ý định của các nhà đầu tư đều đang chùng lại vì quy định sẽ phải đấu thầu.

Theo các chuyên gia của TĐ Điện lực VN (EVN) từng đàm phán các hợp đồng BOT Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3, thì khó khăn lớn nhất thường gặp phải là hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT. Trong khi giá bán điện mà EVN đang bán đến các hộ tiêu thụ chỉ là 842đ/kWh (giá bán bình quân) thì các dự án BOT đều hét giá "trên trời".

Hai dự án Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 3 đã phải mất khoảng 6 năm trời đàm phán mới đi đến thống nhất về giá mua điện cho cả đời dự án (lần lượt là 4,09 và 4,04 cent/kWh). Ngoài ra là yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ đối với việc chuyển đổi ngoại tệ cho NĐT, các khoản thuế và ưu đãi trong suốt đời dự án.

"Nhưng nếu NĐT tham gia đấu thầu thì sẽ khác, ít nhất các bên không phải mất thời gian đàm phán về giá mua bán điện mà giá điện phải được NĐT tính đến khi bỏ thầu. Việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình tới đây cũng sẽ không loại trừ các dự án BOT", ông Hường cho biết.

Mặc dù khẳng định đấu thầu chính là con đường ngắn nhất để đem lại lợi ích công bằng cho cả hai phía: Chính phủ và NĐT, song ông Hường cũng cho rằng: Một khi đã có quy định rõ ràng mà các NĐT vẫn không "mặn mà" tham gia thì các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu xem phải chăng quy chế đấu thầu còn có điểm nào gây phiền hà cho NĐT?

Trước mắt, chúng tôi đang chuẩn bị phương án để đấu thầu công khai dự án BOT Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hoá, công suất 1.200MW), sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đúng thủ tục đấu thầu, hy vọng sẽ có đông nhà đầu tư quan tâm - ông nói.

Quỳnh Trang