itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đầu tư công chưa thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế

Đầu tư công chưa thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế

Cơ cấu đầu tư nhà nước cần thể hiện rõ tính tập trung và ưu tiên vào các lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên Việt Nam đang thực hiện cơ chế phân bổ vốn đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đóng góp vào tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014 diễn ra từ 27 đến 28/9 tại Ninh Bình, TS Vũ Sỹ Cường đã có những nhận định, đánh giá về thực trạng cơ chế phân bổ vốn đầu tư nhà nước hiện nay.

Đầu tư công chưa thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế

Trong giai đoạn 2000-2012, đầu tư cho lĩnh vực kinh tế luôn chiếm trên 77% vốn đầu tư của Nhà nước, đầu tư vào các ngành thuộc lĩnh vực xã hội liên quan đến phát triển con người, đào tạo nguồn lực còn rất hạn chế. Cơ cấu đầu tư công chưa thể hiện rõ được vai trò “bà đỡ” cho nền kinh tế. Bởi lĩnh vực kinh tế cũng là lĩnh vực mà tư nhân có tiềm lực và sẵn sàng đầu tư, trong khi đầu tư vào phát triển nguồn lực con người chưa được quan tâm tương xứng.

Trong suốt giai đoạn từ 1995 – 2013, hai ngành luôn chiếm vị thế đi đầu trong đầu tư nhà nước đó là vận tải, kho bãi, thông tin truyền thông và sản xuất, phân phối điện, khí đốt. Trong khi đó, giáo dục, đào tạo và nông nghiệp lâm nghiệp, thủy sản là các ngành lẽ ra phải được tăng cường đầu tư nhưng lại bị sao nhãng. Trong thời kỳ đổi mới kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nguồn lực và phát huy thế mạnh nông-lâm-nghiệp được coi là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Song cơ cấu đầu tư nhà nước chưa thể hiện được điều này.

Trong điều kiện một quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế như Việt nam, cơ cấu đầu tư nhà nước cần thể hiện rõ tính tập trung và ưu tiên vào các lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên thực tế, Việt Nam đang thực hiện cơ chế phân bổ vốn đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhằm ... đảm bảo sự đồng đều. Đầu tư nhà nước vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đối cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hệ quả tất yếu sẽ dẫn tới tình trạng không đủ vốn, trì trệ, ì ạch và nhiều dự án đầu tư nhà nước “đắp chiếu” vài tháng, thậm chí vài năm.

Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế

TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, để hoàn thiện cơ chế phân bổ đầu tư nhà nước, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, trong đó có hai đại diện điển hình ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Đối với trường hợp của Trung Quốc, tổng đầu tư hình thành tài sản cố định tại nước này đã liên tục tăng và trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ vừa qua. Nguyên nhân chính là do các cấp chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, tỷ lệ đầu tư cao trong một thời gian dài dẫn tới một số hệ quả tiêu cực như làm méo mó quá trình phân bổ nguồn lực, và làm giảm hiệu quả tăng trưởng; tạo động lực cho việc duy trì bong bóng giá.

Những sai lầm trong đầu tư công của Trung Quốc đó là: duy trì tỷ lệ lãi suất thấp trong một thời gian dài; tăng chi ngân sách (kể cả đầu tư công) và thiếu giám sát chi tiêu công một cách chặt chẽ; chưa chú tâm đến việc xây dựng khung pháp lý nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân; quá trình lập kế hoạch ở tầm quốc gia chưa được hài hòa hóa với các kế hoạch phát triển cấp ngành và cấp vùng.

Còn ở Nhật Bản, trong thập kỷ 1970, đầu tư công tăng nhanh hơn so với GDP. Đến những năm 1980, tăng trưởng đầu tư công đã chậm lại. Đầu thập kỷ 1990, đầu tư công gia tăng nhưng kể từ năm 1995, lượng vốn đầu tư có xu hướng giảm dần do áp lực thâm hụt ngân sách.

Các lĩnh vực an sinh xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, từ 40-50% trong tổng đầu tư công. Đứng ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp, chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và bảo tồn đất đai có tỷ trọng tương đối thấp, trung bình khoảng 10%. Theo nguyên tắc của Nhật Bản, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì đầu tư công không được bành trướng và ngược lại, trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng thì đầu tư cần phải thắt chặt. Đầu tư công cho khu vực nông thôn cần được phân bổ nhiều hơn so với khu vực thành thị.

Phải làm quyết liệt từ gốc

Theo TS Vũ Sỹ Cường, quá trình phân bổ và tái cơ cấu đầu tư nhà nước cần phải làm một cách quyết liệt và phải làm “từ gốc”.

Trước hết, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cho quản lý đầu tư công, đồng thời chuẩn hóa quy trình hình thành, phê duyệt, tổ chức triển khai, vận hành duy tu bảo dưỡng một dự án đầu tư công. Một số nội dung hiện có trong khuôn khổ pháp lý hiện nay cũng cần được điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả thực hiện các chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp ở các Bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, nhà nước cần đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển theo hướng ưu tiên các chiến lược hàng đầu nhằm tránh tình trạng nguồn vốn bị phân tán, chồng chéo và kém hiệu quả. Tăng cường công tác thẩm định, đánh giá kết quả kinh tế xã hội của dự án trước khi đầu tư thông qua xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Đồng thời, nhà nước phải đổi mới cơ chế lựa chọn dự án và lập kế hoạch ngân sách, tuân thủ nguyên tắc chỉ phê duyệt dự án nếu như nó có phương án bố trí nguồn vốn đầy đủ và đáng tin cậy; chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư không đúng quy định, bố trí dự án khi chưa cân đối được nguồn vốn

Nhà nước cần thực hiện cơ chế phân cấp trong đầu tư công, bố trí phân bổ vốn theo thẩm quyền quản lý vốn nhằm tránh việc phê duyệt dự án tràn lan. Tuy nhiên, phân cấp nhiều hơn cho các Bộ, ngành và địa phương không có nghĩa là các cơ quan, đơn vị này có thể phê duyệt mọi dự án.

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của các bên hữu quan trong giám sát đầu tư công thông qua việc tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với hoạt động đầu tư công.

Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường kỷ luật trong thực hiện các dự án đầu tư công; tăng cường hiệu quả của việc triển khai dự án và trách nhiệm của các bên liên quan, siết chặt kỷ luật đối với việc điều chỉnh dự án.

Cuối cùng, nhà nước cần phải tăng cường hoạt động kiểm toán và đánh giá sau khi dự án kết thúc để đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của dự án.

Nguyệt Quế

Theo Infonet