itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Doanh nghiệp FDI cần gỡ khó

Doanh nghiệp FDI cần gỡ khó

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Công ty TNHH Samsung Vina tại tỉnh Bắc Ninh

Với tốc độ tăng trưởng cao bình quân 30%/năm, khối doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò tích cực trong sản xuất, xuất khẩu và góp phần tăng trưởng kinh tế. Dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng sự đóng góp về giá trị gia tăng đối với các mặt hàng điện thoại di động, hàng điện tử, sản xuất ô tô… của khối DN FDI chưa nhiều. Phần lớn DN nước ngoài chỉ nhập nguyên phụ liệu rồi lắp ráp, hoàn thiện khâu cuối ở Việt Nam.

Ngày 24-7, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn TP HCM.

Chiếm hơn 67% kim ngạch xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, từ năm 1988 (năm đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực) đến nay, số lượng DN FDI tăng dần qua các năm. Nếu năm 1989, khối DN nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thì đến 6 tháng đầu năm nay, con số đã tăng lên 67,5%. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 132 tỉ USD, thành tích này có sự đóng góp lớn của DN FDI, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến. “Với tốc độ tăng trưởng cao bình quân 30%/năm, khối FDI ngày càng đóng vai trò tích cực trong sản xuất, xuất khẩu và góp phần tăng trưởng kinh tế” - ông Trần Tuấn Anh nhận xét.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương Trần Thanh Hải cho biết tốc độ tăng trưởng cao của khối FDI đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam đảo chiều từ mức thâm hụt lớn chuyển sang thặng dư. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu khoảng 18 tỉ USD nhưng đến năm 2012 chuyển dần sang xuất siêu khoảng 749 triệu USD và duy trì mức xuất siêu đến nay. Sự tham gia của khối DN FDI đang góp phần tạo nên những trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu ở từng vùng, từng địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng với các mặt hàng điện thoại di động, điện tử, máy tính. Tỉnh Vĩnh Phúc là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy với 20/26 DN FDI đầu tư trong lĩnh vực này như Toyota, Honda, Piaggio... Ở phía Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Long An phát triển vùng may mặc, da giày, chế biến gỗ, dây cáp điện.

Theo ông Hải: “Các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu theo vùng của khối DN FDI đang kéo theo chuỗi DN vệ tinh, công nghiệp phụ trợ góp phần chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương”.

Vướng rào cản thuế, hải quan

Nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan đang làm khó các DN FDI đã được nêu ra. Ông Hồ Huy Thế, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Samsung Vina (Tập đoàn Samsung), cho biết Samsung Vina đã được xếp vào dạng DN ưu tiên đặc biệt nhưng từ khi áp dụng hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS (từ cuối tháng 6-2014), DN gặp rất nhiều khó khăn. Ba lần bị cưỡng chế thủ tục hải quan liên quan đến việc nợ thuế dù DN đã chứng minh không phải lỗi do mình nhưng không thể thông quan hàng hóa vì hệ thống cập nhật giữa các đơn vị quá chậm. “Samsung là tập đoàn đa quốc gia nên mọi kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa rất chặt chẽ, được điều hành bởi công ty mẹ. Việc dừng hoạt động thông quan vài ngày không chỉ gây thiệt hại vật chất mà ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN với các đối thủ, ngay trong nội bộ tập đoàn” - ông Thế cho biết và kiến nghị khi áp dụng hệ thống hải quan điện tử, nếu không phải lỗi của DN, ngành hải quan nên có giải pháp khác như cho khai báo hải quan thủ công để hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Minh Sang, đại diện Công ty TNHH Timatex (KCX Linh Trung 2), cho biết ban lãnh đạo công ty đã phải khổ sở suốt 2 tuần để đi “đính chính” thông tin sai lệch đăng trên website của Cục Thuế TP HCM và Tổng cục Thuế . Theo ông Sang, nguyên nhân do vướng vụ kiện với Cục Thuế TP HCM về việc cơ quan này ra quyết định áp dụng thuế nhà thầu chưa đúng đối tượng với công ty (gần 2,8 triệu USD) trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2012, đồng thời đã tiến hành cưỡng chế phong tỏa tài khoản DN và tuyên bố hủy hóa đơn DN đang sử dụng.

“Vụ việc được Tòa Hành chính TP HCM thông báo thụ lý từ ngày 2-4-2014 nhưng đến cuối tháng 4-2014, trên website của Cục Thuế TP HCM, Tổng cục Thuế đều xuất hiện thông tin “DN không còn hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế” đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu của công ty…” - ông Sang bức xúc.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các DN và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các kiến nghị vượt thẩm quyền của bộ, ngành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Chú trọng đến giá trị gia tăng

Dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng sự đóng góp về giá trị gia tăng đối với các mặt hàng điện thoại di động, hàng điện tử, sản xuất ô tô… của khối DN FDI chưa nhiều. Phần lớn DN nước ngoài chỉ nhập nguyên phụ liệu rồi lắp ráp, hoàn thiện khâu cuối ở Việt Nam. Samsung Electronics có 60 DN vệ tinh thì có 45 DN đến từ Hàn Quốc, 10 DN từ các quốc gia khác và chỉ 5 DN nội địa nên việc chuyển giao công nghệ rất hạn chế. Thời gian tới, trong kêu gọi đầu tư, cơ quan quản lý sẽ tính đến yếu tố đóng góp vào giá trị gia tăng của các dự án thay vì chú trọng đến vốn, kim ngạch xuất khẩu.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG/ NLĐ