itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Hồi phục sức khỏe DN là bệ đỡ tăng trưởng

Hồi phục sức khỏe DN là bệ đỡ tăng trưởng

“Tăng trưởng kinh tế dần phục hồi nhưng chưa vững chắc”. Đó là đánh giá chung của các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 2014 và kế hoạch năm 2015. Theo các đại biểu, nếu không có giải pháp đủ mạnh hỗ trợ sự phục hồi hoạt động của các DN thì việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 rất khó khăn.

DN vẫn giải thể hàng loạt

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2014 và nhiệm vụ 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Khó khăn, thách thức là rất lớn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Hàng tháng, đều có kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh, bổ sung”.

Theo đó, 9 tháng đầu năm, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. GDP 9 tháng ước tăng 5,62%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước; CPI tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua, dự kiến cả năm tăng dưới 5%.

Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các DN trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%)…

Chín tháng đầu năm, cả nước có hơn 53.000 DN thành lập mới, giảm 8,7% về số lượng, nhưng tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó, có hơn 48.000 DN (với tổng số vốn đăng ký là 408,15 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.

Thủ tướng cũng chỉ ra nền kinh tế còn nhiều tồn tại như vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Bội chi ngân sách còn cao; Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%), nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%.

Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu còn cao. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Các thị trường lớn như TTCK phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp…

Muốn đẩy GDP, phải tăng sức DN

Xác định mục tiêu lớn phục hồi sức khỏe của DN nhằm tạo đà cho tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo môi trường sản xuất - kinh doanh và đầu tư thuận lợi.

Đồng ý với quan điểm của Chính phủ về ưu tiên nhiệm vụ hỗ trợ DN, nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân tích sâu hơn về thực trạng hoạt động của DN hiện nay. Bởi nếu chỉ nhìn vào thống kê, số lượng DN thành lập mới lớn hơn số lượng bị giải thể, tạm ngừng hoạt động để cho rằng tình hình sản xuất - kinh doanh đã sáng sủa hơn thì hơi đơn giản hóa vấn đề.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP. HCM) cho rằng, so sánh trên mới là con số cơ học, chưa thể hiện nhiều tình trạng thực tế của bối cạnh kinh doanh hiện nay. Bên cạnh đó, đại biểu này đặt vấn đề, phải có thống kê một cách tương đối lượng DN giải thể vì khó khăn khách quan và một lượng không nhỏ DN lập ra để chạy dự án, thậm chí để làm việc mờ ám rồi giải thể sau một vài phi vụ.

“Hiện ta không định lượng được tình trạng và con số DN giải thể ảnh hưởng bao nhiêu đến tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nhận định.

Trong khi đó, theo Đại biểu Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội), có tình trạng DN thành lập mới với số vốn đăng ký tăng lên nhưng lượng vốn thực tế đưa vào nền kinh tế rất hạn chế, mà vẫn trong tình trạng thăm dò, chờ đợi. Đồng thời, các DN đang tồn tại đa số sức khỏe yếu, năng lực tài chính rất thấp và nguy cơ phá sản cao.

Đại biểu Hùng đề xuất, cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn nữa. “Chúng ta điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, nhưng hai chính sách này phải phối hợp hiệu quả hơn để hỗ trợ cho DN”, đại biểu Phạm Huy Hùng nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP. HCM) cho rằng, nền kinh tế cần giải pháp đột phá để phục hồi nhanh hơn chứ không thể cứ “dần phục hồi, dần ổn định” một cách chậm chạp. Theo đại biểu Lịch, khả năng hấp thụ vốn của DN rất hạn chế, cả vốn từ kênh tín dụng, đến kênh đầu tư, thậm chí cả các công trình sử dụng vốn trái phiếu.

“Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng ta kỳ vọng dùng trái phiếu chính phủ để kích cầu, nhưng lại nghẽn về thủ tục, quy trình nên không hấp thụ được. Bây giờ không phải công trình chờ vốn mà là vốn chờ công trình”, đại biểu Trần Du Lịch nói và cho biết, qua tiếp xúc với các ngân hàng, DN trên địa bàn TP. HCM, có khoảng 30% DN vào diện làm ăn tốt, ngân hàng luôn mở “quota” tín dụng, nhưng DN lại không muốn vay, bởi lãi suất trung hạn lên tới 11 - 12%/năm trong khi CPI 9 tháng là hơn 2%. Còn nhóm DN yếu kém, đang vướng nợ, cần tiền, thì một là ngân hàng không dám cho vay, hai là có cho vay cũng với lãi suất cao vì rủi ro cao.

“Để xử lý điểm nghẽn này, cần phải giảm lãi suất trung hạn xuống, qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu. Ta đều biết ngân hàng sống nhờ chênh lệch lãi suất, hiện mức chênh lệch này lên tới 3,5 - 4%, là quá cao, cần phải giảm xuống”, ông Lịch đề xuất.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015

-Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2% so với năm 2014

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2014

-l Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%

-Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%

-Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP

-Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%

Hoàng Duy/ ĐTCK