itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Khai mạc Tuần lễ hành lang kinh tế Đông - Tây tại Đà Nẵng

Khai mạc Tuần lễ hành lang kinh tế Đông - Tây tại Đà Nẵng: Tuyến đường nối hai đại dương

"Tuần lễ EWEC - một hoạt động xúc tiến, quảng bá và giao lưu quốc tế quan trọng của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây - lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng - điểm khởi đầu phía đông của hành lang, đồng thời cũng là một trung tâm kinh tế năng động của Việt Nam".

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã nhấn mạnh như vậy trong lễ khai mạc "Tuần lễ hành lang kinh tế Đông - Tây 2007" (EWEC Week 2007) tối 27/8 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế Đà Nẵng.

Tuyến hành lang khởi đầu từ TP cảng Mawlamyine (Myanmar) đến Maesot, Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan (Thái Lan) rồi vượt qua tỉnh Savanakhet, cửa khẩu Dansavanh (Lào) và điểm cuối là Việt Nam qua các tỉnh, thành Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Hành lang sẽ giúp vùng đông bắc Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trải dài trên 1.450km, EWEC được xem là một thị trường khổng lồ mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang nhắm đến.

Hiện nay hầu như chỉ có ngành du lịch khai thác
tuyến hành lang Đông-Tây.

Ông Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng: "Đây là cơ hội ngàn vàng cho địa phương có hành lang kinh tế đi qua".

Tuần lễ EWEC đang được các chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ tạo "cú hích" mới cho các tỉnh cực đông trên tuyến. Với việc khánh thành cầu Hữu Nghị II trên sông Mêkông, về cơ bản việc xây dựng hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar đã hoàn tất.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết thêm: "Sự kết nối giao thông giữa các tỉnh đầy tiềm năng của 4 nước đã đánh một dấu mốc quan trọng trong hợp tác khu vực. Nhưng biến cả khu vực này thành một khu vực phát triển năng động, hữu nghị, hợp tác, nâng cao đời sống của nhân dân mới là mục tiêu của chúng ta".

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trực tiếp giới thiệu tiềm năng du lịch, kinh tế
của các tỉnh, thành miền Trung với các đại biểu.

Sự ra đời của tuyến hành lang Đông - Tây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang, đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia.

Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu ứng phát triển của EWEC là sự phát triển sôi động của Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển, làm biến đổi một vùng núi biên giới.

Kể từ khi thông tuyến Đông - Tây vào năm 2006, lượng du khách Thái Lan theo tuyến caravan qua cửa khẩu Lao Bảo đổ vào miền Trung tăng đột biến, với 10.000 lượt người. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007, số khách theo tuyến này lại tiếp tục tăng lên con số không ngờ: 17.000 người; trong đó, du khách dừng chân tại Đà Nẵng là 10.000 người.

Tiến sĩ S.Keomixay - Phó tỉnh trưởng tỉnh Xavanakhet, Lào - nhận định: "Con đường xuyên Á thông suốt từ đông sang tây sẽ tạo cơ hội chia đều cho các nước trong tiểu vùng Mêkông mở rộng. Savanakhet có thuận lợi là tâm điểm của con đường, vì thế chúng tôi sẽ mở rộng cửa để đón luồng gió hợp tác trên mọi lĩnh vực từ Thái Lan, Myanmar sang và từ VN tới".

Cầu Hữu nghị 2 trên tuyến hành lang Đông - Tây nối Savanakhet (Lào)
và Mukdahan (Thái Lan).

Về phía chủ nhà Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Trần Văn Minh cho biết: "Ngay từ khi có sáng kiến hành lang kinh tế Đông - Tây, TP đã nhanh chóng góp phần hoàn thiện những kế hoạch do phía VN đảm nhận. Điển hình là hoàn thành hầm đường bộ Hải Vân - một mắt xích quan trọng của toàn tuyến hành lang. Cảng Đà Nẵng - một trọng điểm tiếp xúc với thế giới bên ngoài EWEC - đang trên đường trở thành một cảng quốc tế với nhiều hạng mục được nâng cấp. Các tuyến đường, các công trình và dịch vụ có tính chất phụ trợ cho hành lang cũng đã được hoàn tất, góp phần đẩy nhanh việc thông thương trên EWEC".

Sau lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng đại diện của các đoàn và lãnh đạo TP đã cắt băng khai trương Hội chợ thương mại - du lịch EWEC. Hội chợ với sự tham gia của 200 DN đến từ 10 quốc gia Lào, Thái Lan, Myanmar, Nga, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Pakistan và chủ nhà Việt Nam với gần 300 gian hàng. Miền Trung đang đón một làn gió mới - làn gió hợp tác thổi từ hướng tây đang lan tỏa sang đông.

Diễn đàn đầu tư - thương mại - du lịch EWEC 

Hôm nay (28/8), tại KS Furama, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì Diễn đàn đầu tư - thương mại - du lịch EWEC. Diễn đàn với sự tham gia của bộ trưởng các nước EWEC, tỉnh trưởng các tỉnh trong hành lang EWEC, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản... và gần 400 khách mời trong và ngoài nước.
Diễn đàn sẽ đề xuất chính sách để thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch tại EWEC, tổng quan chính sách hợp tác tiểu vùng của VN, phát triển EWEC trong tổng thể quy hoạch tiểu vùng sông Mêkông, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh EWEC...

Bài, ảnh: Võ Tuấn