itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Khi nhà đầu tư nước ngoài lực bất tòng tâm

Khi nhà đầu tư nước ngoài lực bất tòng tâm

Quảng Ngãi đang khá lấn cấn với Dự án Thép Guang Lian. Ảnh: Hà Thanh

Dự án chậm triển khai, chậm làm thủ tục đầu tư, nhà đầu tư lực bất tòng tâm, buộc các địa phương phải dứt khoát “trảm”, hoặc tìm nhà đầu tư thay thế. Đây là động thái cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa chính thức thông báo tới Công ty Hydra Renewable Resources (Canada) về việc chấm dứt hiệu lực Bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa hai bên vào ngày 27/3/2013.

Theo thỏa thuận này, Hydra sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng ở Quảng Ngãi Khu công viên nông nghiệp đô thị và Khu nhà máy năng lượng tái tạo, với vốn đầu tư lên tới trên 600 triệu USD.

Một dự án không hề nhỏ, lại trong một lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư, song Quảng Ngãi đã buộc phải “buông tay”. Lý do là, nhà đầu tư Hydra, sau khi ký MOU, đã không thực hiện các cam kết của mình, trong khi theo thỏa thuận, trong vòng 12 tháng, Hydra phải hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Cuối tháng 3/2014, Hydra trên thực tế đã một lần đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và Quảng Ngãi cũng đã chấp thuận cho nhà đầu tư lùi thời điểm nộp Báo cáo đến ngày 15/5/2014.

Lại một lần nữa quá hạn, ngày 10/6, Hydra tiếp tục có văn bản báo cáo về các thông tin liên quan Dự án, song chưa trình bày được lý do chính đáng về việc chậm triển khai thực hiện Dự án tại Quảng Ngãi. Vì những lý do đó, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định chấm dứt thỏa thuận giữa hai bên.

Một động thái có thể nói là rất dứt khoát của tỉnh này, sau một thời gian dài nhà đầu tư chỉ hứa hẹn mà bê trễ công việc. Và dù dự án mới chỉ là ký kết MOU, chứ chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, song theo các chuyên gia kinh tế, việc Quảng Ngãi cương quyết như vậy cũng góp phần quan trọng làm lành mạnh môi trường đầu tư, dành cơ hội cho nhà đầu tư thực sự có tiềm lực.

Cũng ở Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh này đang khá lấn cấn với Dự án Thép Guang Lian, sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) tuyên bố không theo đuổi Dự án nữa. Dù E-United (Đài Loan) cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư vào dự án này, song việc dự án thép 3 tỷ USD sau nhiều năm triển khai vẫn giậm chân tại chỗ không khỏi khiến dư luận đặt dấu hỏi về việc liệu tập đoàn này có khả năng để đeo đuổi dự án nữa hay không?

Cũng là một động thái cần thiết, khi cuối tuần qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc với E-United để thảo luận về các bước đi tiếp theo của Dự án. Chưa có thông tin liên quan đến cuộc họp này, song một điều rõ ràng, hơn 337 ha đất đã được giao cho chủ đầu tư và nguồn lực quý giá này đâu thể mãi bỏ hoang như vậy? Người dân Quảng Ngãi cũng đã không ít lần bày tỏ sự bức xúc khi dự án chậm triển khai quá lâu.

Cũng liên quan đến các dự án quy mô lớn, tuần trước, UBND tỉnh Phú Yên đã có bước đi quan trọng khi điều chỉnh vốn đầu tư của Dự án NewCity từ 4,3 tỷ USD xuống còn 1 tỷ USD, sau khi dự án này từ năm 2008 không hề được triển khai.

Cùng với giảm quy mô đầu tư, Tập đoàn Sunrise Việt Nam, liên doanh giữa Hyundai Telecom và Hwapyung Holdings (Hàn Quốc) cũng sẽ thay thế NewCity Properties (Brunei) làm nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối. Nhà đầu tư mới sẽ tham gia 70% vốn của Dự án và Tổng giám đốc Sunrise Việt Nam, ông Lee Jung Jun, sẽ thay thế ông Chen Li Hsun, làm người đại diện của Dự án.

Thay tên, đổi chủ, giảm quy mô cũng có thể coi là động thái cần thiết, khi mà nhà đầu tư cũ không đủ năng lực để triển khai một dự án quá lớn, với vốn đầu tư lên tới 4,3 tỷ USD, quy mô 560 ha như vậy.

Trên thực tế, sau nhiều năm thu hút FDI, các địa phương cũng đã nhiều lần phải ra tay với các dự án chậm triển khai. Năm 2008 là năm mà Việt Nam thu hút FDI kỷ lục, với trên 70 tỷ USD, nhưng không ít dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư vào năm đó đã bị rút phép vì nhà đầu tư không triển khai.

Trong khi đó, cũng không thiếu dự án FDI liên tục được các địa phương đưa vào cảnh báo đỏ và thu hồi. Thông tin mới nhất, 9 tháng đầu năm 2014, tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 8 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 86,15 triệu USD. Còn Hà Nội, lũy kế từ trước tới nay, đã có 206 dự án FDI chấm dứt, giải thể hoặc đã được chuyển đổi hình thức, chuyển sang tỉnh, thành phố khác, với tổng vốn đầu tư giảm 1,94 tỷ USD…

Đây là những động thái cần thiết, song theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cần cương quyết hơn nữa trong rà soát và loại bỏ các dự án FDI chậm triển khai. “Không thể để các dự án đăng ký cả tỷ USD không triển khai. Phải nhanh chóng sàng lọc để dành chỗ cho các nhà đầu tư thực sự có tiềm lực”, ông Mại nói.

Thực tế, có những dự án sau nhiều năm triển khai chậm tiến độ, địa phương đã cảnh báo thu hồi, gia hạn nhiều lần, nhưng vẫn không thực hiện việc loại bỏ. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, cán bộ của không ít Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu “loại” thì không biết kéo nhà đầu tư nào vào, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Chưa kể, những phức tạp trong xử lý hậu thu hồi, khi nhà đầu tư đã ít nhiều đầu tư trên khu đất được giao…

Cũng chính vì vậy, một trong những điều được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, đó là các địa phương cần thận trọng hơn trong thẩm định năng lực của chủ đầu tư trước khi trao quyền cho họ.

Theo Hà Nguyễn
Baodautu.vn