itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Năm 2007, tăng trưởng kinh tế 8,5%: Cuộc chạy nước rút

Năm 2007, tăng trưởng kinh tế 8,5%: Cuộc chạy nước rút

Để phấn đấu đạt được mức tăng trưởng GDP 8,5% như Quốc hội đã đề ra, đồng thời với việc kiềm chế lạm phát thấp hơn mức này. Chính phủ và các địa phương cần phải có nỗ lực lớn và giải pháp mạnh

Ngay từ đầu tháng 8/2007, TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định, việc Việt Nam đạt được mức độ tăng trưởng 8 – 8,5% là trong tầm tay. Mới đây, nhìn vào bức tranh kinh tế 8 tháng qua, nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng, với xu thế hiện nay thì khả năng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 8,3%. Như vậy, để phấn đấu đạt được mức tăng trưởng GDP 8,5% như Quốc hội đã đề ra, đồng thời với việc kiềm chế lạm phát thấp hơn mức này, Chính phủ và các địa phương cần phải có nỗ lực lớn và giải pháp mạnh.

Hẫng hụt trong tăng trưởng

Theo TS. Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học Tài chính (Học viện Tài chính), việc chúng ta phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,5%/ năm không chỉ liên quan đến năm 2007 mà còn ảnh hưởng đến cả quá trình dài khi phải thực hiện kế hoạch 5 năm (2006 - 2010). “Nếu năm nay chúng ta không chỉ đạt 8,5%, thì triển vọng tăng trưởng kinh tế của 3 năm sau là tương đối khó khăn” – TS. Ánh nhận định. Còn trong bài viết “Phát triển đất nước: Thực trạng và tương lai”, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng GDP 7 – 8% liên tục trong nhiều năm là một trong những thế mạnh của đất nước. Thế nhưng, đã đến lúc phải nhìn sâu vào những hẫng hụt, những mất cân đối nhiều mặt đang tích tụ lại trong quá trình tăng trưởng này, ví dụ: Giữa tầm nhìn và chiến lược kinh tế đang thực thi, giữa yêu cầu phát triển và năng lực quản lý, giữa cầu và cung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giữa số lượng và chất lượng toàn bộ nền kinh tế, trên hết là giữa những đòi hòi khả năng đáp ứng trong việc phát triển nguồn lực…”.

Nhân đây, cũng cần nhìn lại, trong 3 năm vừa qua, không phải chúng ta (với bình quân 8,13% /năm), mà Campuchia (với 10,5%/năm) mới là quốc gia “về nhì” sau “người khổng lồ” Trung Quốc ở chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP. Còn nếu tính cả chặng đường 6 năm đầu thập niên này, thì “người láng giềng” Tây Nam với 9,12%/năm cũng vượt trội so với chúng ta chỉ đạt 7,62%/năm. Hơn thế, nếu tính cả khu vực Nam Á, “người khổng lồ” Ấn Độ hiện đang giữ vị trí thứ ba trong cuộc đua tốc độ này trong 3 năm qua, bởi GDP bình quân của nước này đã đạt 8,73%/năm, cao hơn nhiều so với nước ta nhờ bứt phá 9,2% liên tục trong 2 năm 2005 và 2006 (năm 2004 cũng tăng 7,8% như của nước ta). Nói tóm lại, vấn đề cơ bản nhất của nền kinh tế nước ta vẫn là tốc độ.

Nhìn lại năm 1986 – năm đầu công cuộc đổi mới – thu nhập bình quân đầu người của ta kém Trung Quốc 200 USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1.950 USD, kém Hàn Quốc 6.940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006, thu nhập của ta kém Trung Quốc 1.100 USD, Thái Lan 2.140 USD, Malaysia 4.520 USD, Hàn Quốc 17.000 USD… Những con số này cho thấy, ta càng chạy như hiện nay thì khoảng cách thu nhập so với những nước này càng rộng ra.

Cuộc chạy đua nước rút

Để tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, theo TS. Vũ Đình Ánh, Viện Khoa học Tài chính (Học viện tài chính), chúng ta phải xem xét các yếu tố tạo ra tăng trưởng, đó là: năng suất lao động, vốn đầu tư… Trong 8 tháng qua, nhiều sản phẩm công nghiệp vẫn đạt mức tăng mạnh, như: Điều hoà nhiệt độ tăng 70,2%, ô tô các loại tăng 65,5%, máy công cụ tăng 60%, xe máy tăng 28,1%, động cơ điện tăng 26,3%… Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phần giá trị gia tăng lại không tăng nhiều như giá trị sản xuất, làm ảnh hưởng đến GDP nói chung. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2007 tăng trên 19% với giá trị kim ngạch đạt gần 31,2 tỷ USD, nhưng do chủ yếu là hàng gia công và còn phụ thuộc quá nhiều vào giá cả nguyên vật liệu sản xuất, nên hàm lượng giá trị gia tăng không nhiều. Đáng chú ý là, nhập khẩu tuy đã có dấu hiệu tăng chậm lại (tháng 8 giảm 0,4% so với tháng 7), nhưng tính chung cả 8 tháng vẫn ở mức cao (tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ). Vì thế, việc kỳ vọng vào tăng đầu tư được nhiều chuyên gia nhắc tới.

Theo Bộ Tài chính, giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 8 tháng mới chỉ đạt khoảng trên 40% kế hoạch cả năm. Nguyên nhân vẫn là do nhiều dự án vốn lớn nhưng tính khả thi thấp (như dự án Nhà máy DAP Đình Vũ…), dẫn đến giải ngân khó, làm cho nợ xấu trong tín dụng đầu tư có nguy cơ tăng lên trong thời gian tới. Như vậy, theo TS. Võ Trí Thành, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần quan tâm nhiều hơn vấn đề này. Còn theo TS.Vũ Đình Ánh, tăng đầu tư thì nghiễm nhiên GDP sẽ tăng nhưng vấn đề cần đặt ra là, hiệu quả của việc đổ vốn vào đầu tư này như thế nào? TS. Ánh tính toán: “Bây giờ, đầu tư 40% GDP chẳng hạn, hiệu quả đầu tư tăng trưởng là 8%, hệ quả đầu tư là 5%. Nhưng để tăng 9%, anh phải đầu tư đến 45% GDP, còn những mảng khác thì sao? Việc cứ đổ tiền vào đầu tư này còn đẻ ra vấn đề rất nguy hiểm là tạo ra tăng trưởng cho năm nay, nhưng năm sau lấy gì tăng trưởng”.

Nhiều chuyên gia đều có chung một nhận định, những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến mức tăng trưởng cao của Việt Nam chủ yếu là những yếu tố phát triển dài hạn. Trong 8 tháng đầu năm 2007, Việt Nam đã thu hút được thêm 8,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như vậy, số vốn FDI vào Việt Nam đạt bình quân hơn 1 tỷ USD/tháng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo TS.Võ Trí Thành, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cho chúng ta thấy rõ 3 nút cổ chai trong phát triển dài hạn, đó là: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. “Nguồn nhân lực thiếu, đặc biệt nhân lực cao cấp rất thiếu và đáng buồn là, giá nhân lực cao cấp ở Việt Nam còn cao hơn cả Thượng Hải (Trung Quốc). Thêm vào đó, đường xá kém, điện thiếu… đó là sự hẫng hụt ghê gớm. Những cái đó không thể nói trong vòng vài tháng giải quyết xong hết được. Tất nhiên, chúng ta thấy, phải bắt đầu ngay từ bây giờ” - TS. Thành phân tích.

Theo TS.Thành, bên cạnh 3 nút cổ chai kể trên; nguy cơ mất ổn định vĩ mô và đói ở miền Trung vẫn còn rình rập rất rõ, cũng là những yếu tố ảnh hưởng của nền kinh tế. Như vậy, theo ông Thành, nếu giải quyết được 5 vấn đề này, chúng ta không chỉ đạt được mức tăng trưởng 8,5%/ năm mà đó còn là tiền đề rất tốt cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Khương Lực