itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Nên tăng gấp đôi ngân sách cho TP.HCM

Nên tăng gấp đôi ngân sách cho TP.HCM

Gần đây, dư luận được biết đến các con số không mấy khả quan như: cả nước có hơn 19.000 đề án quy hoạch, tiêu tốn hơn 8.000 tỉ đồng; 178.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp, chiếm tỉ lệ 7,2% - gấp gần bốn lần số lao động không có kỹ năng; chỉ có 19% người dân hài lòng tình hình kinh tế hiện tại.

Những con số nêu trên có liên quan mật thiết với nhau và chúng phản ánh trục trặc trong việc xác định thứ tự ưu tiên và phân bổ nguồn lực ở nước ta khi mục tiêu công bằng được đặt nặng hơn khía cạnh hiệu quả. Những trung tâm phát triển không được dành đủ nguồn lực để phát huy lợi thế tiềm năng.

Mục tiêu của bất kỳ một quốc gia nào cũng là tạo đủ việc làm và sinh kế bền vững cho người dân. Trong đó, việc làm cho lực lượng lao động có kỹ năng là then chốt vì họ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cao đi kèm với việc làm cho lao động phổ thông sẽ nhiều hơn.

Đô thị hóa và công nghiệp hóa là công thức xử lý vấn đề này và là con đường đi đến thịnh vượng. Các quốc gia đã trở nên phát triển, trong giai đoạn đầu họ đã dành nhiều nguồn lực cho những vùng đô thị có khả năng phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm hơn.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore là những điển hình. Trong giai đoạn đầu họ đã dành nguồn lực rất nhiều cho các trung tâm, đặc biệt là các siêu đô thị và sự thần kỳ đã xảy ra. Động lực của các nền kinh tế này chính là các vùng siêu đô thị như Tokyo, Osaka ở Nhật, Seoul và Busan ở Hàn Quốc, Đài Bắc và Cao Hùng ở Đài Loan.

Sự bùng nổ của Trung Quốc trong thời gian qua cũng theo công thức này. Nhờ một nguồn lực rất lớn dành cho các trung tâm mà chỉ trong một thời gian ngắn các đô thị đã trở thành cỗ máy tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Thượng Hải là một ví dụ điển hình. Cho dù chi tiêu ngân sách quốc gia của Trung Quốc thường dưới 20% GDP, nhưng chi tiêu ngân sách của Thượng Hải trong nhiều năm qua lại thường xuyên trên 21% GDP.

Chính quyền Thượng Hải đã chủ động xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ sự phát triển không chỉ riêng mình mà còn tạo động lực cho nền kinh tế Trung Quốc cất cánh. Thượng Hải đã trở thành thành phố có sức cạnh tranh toàn cầu.

Có một sự tương phản rất rõ ở Việt Nam mà đặc biệt là vùng TP.HCM - trung tâm kinh tế, thương mại quan trọng nhất của cả nước. Thay vì được dành nhiều nguồn lực để phát huy tiềm năng và lợi thế nhằm có thể cạnh tranh quốc tế, vùng TP.HCM đang bị vắt kiệt mà hậu quả nhãn tiền là điều ông Lý Quang Diệu chỉ ra cách đây hơn hai thập kỷ: “Vào năm 1975, TP.HCM có thể ganh đua với Bangkok, giờ đây (1992) thành phố này tụt lại về sau hơn 20 năm” giờ đây vẫn mang tính thời sự.

Trong khoảng hai thập kỷ qua, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và hơn 30% ngân sách quốc gia, nhưng TP.HCM chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu.

Tính ra chưa đến 7% GDP, chỉ khoảng 30% của Thượng Hải hay Hong Kong và chỉ bằng một nửa Singapore, trong khi chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam trong cùng giai đoạn lên đến 29% GDP, gấp hai lần Singapore, 1,5 lần Trung Quốc và Hong Kong.

Mức độ phát triển của TP.HCM sẽ như thế nào nếu ngân sách trong hơn hai thập niên qua có được tỉ lệ so với GDP bằng Singapore, tức là gấp đôi con số thực tế?

Những phân tích nêu trên cho thấy Việt Nam cần tính toán lại cách thức phân bổ nguồn lực theo hướng quan tâm hơn khía cạnh hiệu quả.

Cụ thể, đối với những địa phương như TP.HCM, nếu Việt Nam vẫn đặt trọng cho mục tiêu công bằng số cao hơn so với các nước trong khu vực thì cần đảm bảo sao cho ngân sách TP.HCM ít nhất là gấp đôi hiện nay.

Theo HUỲNH THẾ DU

Tuổi trẻ