itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Pháp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Pháp đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Các nhà đầu tư Pháp đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhằm giành lại “vị trí số 1” trong Liên minh châu Âu về đầu tư vào Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp (DN) Pháp đang chuẩn bị cho làn sóng đầu tư thứ hai vào Việt Nam với quy mô lớn hơn trước.

Đứng thứ 2 EU về đầu tư vào Việt Nam

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2007, Pháp có 7 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư 58,6 triệu USD. Cũng trong thời gian này cũng có 2 dự án của Pháp xin tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm 1,32 triệu USD. Như vậy tính từ năm 1998 đến hết tháng 7/2007, các nhà đầu tư Pháp có 183 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 2,2 tỷ USD, trong đó vốn đã thực hiện đạt trên 1,1 tỷ USD, chiếm 50% tổng vốn đăng ký, cao hơn so với mức giải ngân trung bình của các dự án FDI tại Việt Nam (trung bình đạt 40%). Với kết quả đó Pháp hiện đứng thứ 9/79 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ hai trong EU, chỉ sau Hà Lan.

Các dự án đầu tư của Pháp hiện có tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, dịch vụ có 71 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD, chiếm 40% về số dự án và 25% về vốn. Lĩnh vực công nghiệp có 81 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 830 triệu USD, chiếm 45% về dự án và 39% tổng vốn đầu tư. Số còn lại đầu tư trong các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án của Pháp hoạt động tại Việt Nam khá hiệu quả. Nhiều DN và thương hiệu của Pháp đã gây dựng được ấn tượng tốt tại thị trường Việt Nam như France Telecom (viễn thông), Sanofi-Synthelabo, Aventis (dược phẩm), Bourbon (siêu thị và nông nghiệp)…

Nhiều doanh nghiệp và thương hiệu của Pháp đã gây dựng được ấn tượng tốt tại thị trường Việt Nam

Bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp, Pháp cũng là nước đứng đầu trong EU liên tục tăng nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp (ODA) cho Việt Nam, với mức năm sau cao hơn năm trước. Hiện Pháp đã cấp cho Việt Nam tổng vốn trên 1,2 tỷ euro để triển khai thực hiện trên 210 dự án ODA tại Việt Nam.

Làn sóng đầu tư thứ hai của Pháp vào Việt Nam

Cách đây không lâu vào tháng 3/2007, tại Diễn đàn thương mại Việt - Pháp được tổ chức tại Hà Nội, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean - Francois Blarel đã khẳng định Pháp sẽ giành lại ngôi vị số một trong Liên minh châu Âu (EU) về đầu tư vào Việt Nam. Ngay sau lời tuyên bố này, mới đây một đoàn doanh nhân hùng hậu, đại diện cho khoảng 20 tập đoàn lớn nhất của Pháp như Accor Group, Lafarge, L’Oreal, Alstom, Natixis, Orange - FT Group, Renaut, Total, Vinci đã có chuyến khảo sát thị trường Việt nam nhằm chuẩn bị cho những dự án đầu tư lớn hơn tại Việt Nam. Ông Frédéric Sanchez, Trưởng đoàn doanh nhân và là Chủ tịch Phân ban Việt Nam của Liên đoàn các DN Pháp (MEDEF), khẳng định, các DN Pháp đang sẵn sàng cho giai đoạn đầu tư thứ hai vào Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực mới như ôtô, mỹ phẩm… sau khi đã khá thành công trong các hạng mục đầu tư ở giai đoạn một như giao thông vận tải, xây dựng…

Trong chuyến khảo sát này đoàn doanh nhân Pháp đã có các cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng và lãnh đạo TP. Hà Nội, TP.HCM để định hình rõ hơn các kế hoạch đầu tư trong giai đoạn hai tại Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở việc khảo sát, các DN còn có các hoạt động riêng và sẵn sàng cho những kế hoạch đầu tư cụ thể trong tương lai. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Tập đoàn viễn thông Orange - FT Group đã bày tỏ mong muốn hợp tác, đầu tư vào các tập đoàn, công ty viễn thông lớn của Việt Nam đang trong quá trình cổ phần hóa. Các tập đoàn trong lĩnh vực giao thông của Pháp cũng xem xét khả năng tham gia vào dự án xây dựng các tuyến Metro ở Hà Nội. Theo ông Sanchez, quá trình cổ phần hóa của các DN nhà nước lớn nhất ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, cơ hội đầu tư còn nhiều nên sự xuất hiện của các tập đoàn Pháp trong thời điểm này không thể xem là “chậm chân” hay lỡ cơ hội.

Tuy đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam qua các đạo luật mới ra đời và quá trình thực hiện các cam kết sau khi gia nhập WTO, nhưng lãnh đạo đoàn DN Pháp cũng cho rằng, để nâng cao tính cạnh tranh thì môi trường đầu tư của Việt Nam cần có những cải thiện mạnh mẽ hơn nữa. “Tuy tốc độ phát triển của Việt Nam nhanh nhưng tốc độ ra quyết định còn quá chậm. Có quá nhiều nhà hoạch định tham gia vào việc ra quyết định. Tôi đã từng làm trưởng đoàn các đoàn kinh tế của Pháp sang Việt Nam đến lần thứ ba nhưng có những dự án cách đây 4-5 năm chúng tôi đã đặt vấn đề rồi nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định nào cụ thể. Việt Nam phải đi nhanh hơn nữa nếu muốn cạnh tranh”, ông Sanchez nói.

Anh Minh