itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Bệnh “Hả, cái gì?”

Bệnh “Hả, cái gì?”

Ảnh: Dân Trí

Khi mà chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc laptop, USB gài túi trước, tít tít gắn túi sau thì việc máy nghe nhạc Mp3 tràn lan khắp phố phường cũng là chuyện rất bình thường. Thế nhưng, cũng như mọi thiết bị “số” khác, càng hiện đại thì lại càng chứa chấp nhiều nguy cơ, máy Mp3 cũng không là ngoại lệ…

Máy nghe nhạc Mp3 – trào lưu có lành mạnh?

Câu trả lời là có! Hiện tại trên thị trường có rất nhiều chủng loại máy với vô kể màu sắc và kiểu dáng, giá cả lại đa dạng từ siêu “bình dân” năm bảy trăm nghìn chất lượng tầm tầm đến cao cấp vài trăm đô một máy âm thanh mê. Chỉ cần bạn thích, sở hữu một cái máy nghe nhạc Mp3 không phải là điều quá xa vời. Nhưng chuyện nhà nhà xài máy nghe nhạc, người người chuộng Mp3 Player không hẳn chỉ để cộp mác sành điệu. Người ta mua máy MP3 vì chính tính năng nhỏ gọn, dung lượng lớn và có thể mang đi xa dễ dàng của nó. Sẽ là tiện lợi vô cùng cho những “chú ong” quần quật “chạy sô” sáng chính quy, chiều phụ đạo, tối luyện lò… Thời gian dàn trải đều trong lớp , ngoài quán và cả trên đường, còn đâu thời gian mà giải trí, thư giãn. Hay như những người luôn trăm công nghìn việc, giải lao là những lúc ăn trưa, chạy xe đi đường… à Mp3 Player chính là giải pháp. “Tôi nghe nhạc mỗi khi lớp ra chơi hay trên đường đi học, thoải mái hơn hẳn so với việc hơn nửa giờ đồng hồ “lê lết” ngoài đường mà chỉ hứng toàn tiếng xe cộ ồn ào” (P.M.N, cựu học sinh LHP). Một lí do hợp lí không chê vào đâu được!

Con số những 8X với đôi tai vừa nhét cứng headphone vừa tung tẩy shopping, nhồm nhoàm ăn uống hoặc gật gù lái xe đang tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ trong khoảng hơn 10 phút đứng trước cổng trường Trần Đại Nghĩa (Q1), nhóm phóng viên chúng tôi đã đếm được gần chục bạn học sinh vừa đi vừa lúi húi cài tai nghe, khởi động máy! “Mp3 ra đường” quả là một trào lưu đáng được điểm 10+ cho sự tiện lợi. Nhưng liệu có ai đó nhận ra nguy cơ tiềm ẩn trong những cái máy nhìn ngộ ngộ, nghe hay hay đấy không? Hay nói cách khác, đã bao giờ bạn nhận ra mình sẽ phải trả giá bằng chính đôi tai yêu quý của mình không?

Đôi tai – Những nạn nhân đáng thương…

Hãy thử hình dung một cột volume có 15 nấc. Đầu tiên, nấc 8 sẽ là nấc an toàn cho tai. Sau một thời gian, bạn phải vặn lên nấc 9, 10, rồi 11, 12 và cuối cùng đến 15 mà vẫn có cảm giác “Sao bé thế nhỉ?”. Bỏ qua trường hợp Mp3 hay bộ tai nghe bị hỏng, rõ ràng là tai bạn đang gặp nạn. Hậu quả là bạn cứ hồn nhiên tăng nấc volume để rồi sau đó lại tự mình nhăn nhó vì cảm giác đinh tai nhức óc. Đó là chưa kể một số bạn có thói quen đeo headphone trước khi đi ngủ với suy nghĩ “tí nữa sẽ tắt” nhưng kết cục là ngủ quên với cái máy Mp3 nheo nhéo suốt đêm! Vài tuần như vậy, tai bạn sẽ đòi đình công ngay đấy!

… và chân dung một lớp trẻ nghễnh ngãng!

Ai cũng biết cường độ âm thanh quá lớn với thời gian nghe quá lâu sẽ làm tổn thương đôi tai. Bạn sẽ làm gì với đôi tai xuống sức trong một hội trường đông lúc nhúc, còn giảng viên lại chỉ nói nhanh như lướt gió? Bạn sẽ làm gì khi mọi người xung quanh nói chuyện rào rào còn mình lại ú ớ không hiểu chúng nó đang thì thầm cái gì? Bạn sẽ ra sao khi mà tất tật mọi thứ chỉ còn là “hình như cô ấy nói thế này, hình như anh ấy bảo thế kia”, lúc nào cũng chỉ nghe được mang máng (?!). “Tôi đến khổ với anh người yêu nghiện Ipod! Anh ấy đeo nó suốt ngày để rồi một buổi đi chơi tôi phải gào lên như một con điên thì chàng mới quay lại: “Lần sau em phải gọi to hơn chứ!” (K. Chi 20t TPHCM).

Đó là chưa kể giọng nói cũng phải “tăng lượng” để đáp ứng được nhu cầu của một đôi tai giảm thính giác! H. Dũng (18t – NTMK) kể có lần đi xem phim tình cảm, tới đoạn lâm li bi đát mà toàn thể rạp còn nghe được cả câu chuyện của anh chị tít hàng trên cùng đang tâm tình với nhau bằng một volume suýt soát rock show! “Tò mò ngó lại mới thấy là hai đứa bạn nghiện đeo headphone cùng lớp Ngoại ngữ!” Hay như lời tâm sự của A. Hương (cựu hs LHP): “Trước đây ngày nào tôi cũng “chào buổi sáng” với Mp3, chạy xe đi đâu cũng kè kè theo Mp3, tối nằm trên giường cũng ôm Mp3 mà ngủ. Một thời gian sau, đứa bạn thân than phiền rằng dạo này tôi cứ “Hả? Hả? Mày nói cái gì?” quá nhiều. Và mỗi lần nói phone với tôi thì nó phải để ống nghe cách tai cả tấc. Tôi choáng quá liền quyết tâm “cai nghiện” Mp3 cho bằng được!”

Có thể bạn đang cố phản bác rằng đó chỉ là cá biệt nhưng hãy tự kiểm tra xem sau khi đeo headphone khoảng một đến hai tiếng liên tục, bạn có bị cảm giác tai đau như bị kim chích không? Kèm theo đó có thể là chóng mặt, nhức đầu và tê tai nữa. Tình trạng này sẽ “bốc hơi” sau khi tai được phép nghỉ ngơi. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục giả lơ cho đôi tai và cái headphone dính chặt bên nhau thì hẳn thính giác của bạn sẽ khó mà trụ vững.

Kết

Bản thân Mp3 Player không có tội khi chính chúng ta là những người sử dụng chúng. Người ta cũng một thời lên án gắt gao internet nhưng cũng không thể internet ra khỏi cuộc sống hiện đại. Chứng minh tương tự với máy nghe mp3, chúng chỉ thật sự có ích khi bạn biết nghe đúng, nghe đủ và nghe vừa phải. Cái bạn cần nâng niu chính là đôi tai của mình chứ không phải cái máy dăm bảy trăm đô đâu!

Mai Phương