itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Dinh dưỡng cho trẻ từ sữa mẹ

Dinh dưỡng cho trẻ từ sữa mẹ

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ nhỏ. Không phải bà mẹ nào cũng có đủ nguồn sữa cho con. Hãy học cách giữ đủ nguồn sữa cho con bằng một số chú ý sau, đứa con thân yêu của bạn sẽ không lo thiếu đi nguồn sữa mẹ nữa.

Các cuộc nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ mang lại vô số lợi ích cho cả mẹ và con. Sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất hoàn hảo nhất, cần thiết nhất đối với quá trình phát triển của trẻ về cả thể chất lẫn trí tuệ. Hơn nữa, dòng sữa mẹ còn là một liều vaccine thiên nhiên rất lợi hại, giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ của nhiều căn bệnh truyền nhiễm mà sữa nhân tạo, cho dù cao cấp và đắt tiền đến đâu, cũng không thể nào có được.

Nghiên cứu của trường đại học McGill (Canada) đã chỉ ra rằng các bé được nuôi bằng sữa mẹ sẽ bắt đầu làm các bài kiểm tra IQ tốt hơn các bé chỉ dùng sữa bột khi chúng bước sang tuổi thứ 6

Trong sữa mẹ có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng và các chất có khả năng tăng cường miễn dịch của cơ thể trẻ. Nguồn sữa mẹ rất dồi dào, cung cấp đầy đủ chất, thành phần nước.

Như vậy, không có cớ gì mà không dành cho bé yêu được thưởng thức những dòng sữa non đầu tiên được kết tinh những chất tinh tuý nhất từ cơ thể người mẹ.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinhdưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu;rồi 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba.

Một vài mẹo nhỏ để bạn không bị mất sữa:

Việc bảo vệ bầu sữa mẹ là rất cần thiết để có đủ nguồn sữa cung cấp cho trẻ. Giai đoạn mang thai và cho con bú là giai đoạn bà mẹ có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt. Dinh dưỡng trong giai đoạn này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến đứa con một cách trực tiếp và lâu dài. Nhu cầu dinh dưỡng tăng lên không chỉ về mặt số lượng mà còn có những thay đổi quan trọng về thành phần dinh dưỡng, bên cạnh đó người phụ nữ có những thay đổi về tâm sinh lý có ảnh hưởng trên cách ăn uống.

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất, đảm bảo vệ sinh nhất cho trẻ. Điều đó ai cũng biết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là do sử dụng kháng sinh sau đẻ và ăn uống không đầy đủ... khiến nhiều bà mẹ đã bị thiếu sữa, mất sữa.

Sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú ngay. Việc cho bú sớm sẽ làm tăng bài tiết oxytocin để một mặt kích thích bài xuất sữa, mặt khác giúp co hồi tử cung sau đẻ nhanh hơn. Những kích thích giao cảm mạnh, căng thẳng kéo dài sẽ ức chế bài xuất sữa.

Nhiều bà mẹ sau khi sinh, vì nhiều lý do khác nhau như: do sinh mổ, dùng nhiều kháng sinh, bị viêm tắc tuyến vú, dinh dưỡng không đầy đủ... dẫn đến tình trạng thiếu sữa, mất sữa nên việc nuôi con rất vất vả, tốn kém, trẻ chậm lớn, hay mắc bệnh.

Để cải thiện tình trạng ít sữa ở các bà mẹ, y học cổ truyền có những món ăn, bài thuốc giúp tiết sữa nhiều hơn. Chẳng hạn: dùng móng giò heo 2 chiếc, lạc củ 60g, đậu tương 60g. Hầm nhừ ăn ngày một lần, ăn liền 3-5 ngày; hoặc dùng hạt bí đao 15g bóc vỏ, lấy nhân, dùng vải mỏng gói lại, giã nát, pha với nước sôi, uống khi đói bụng, ngày uống 3 lần sáng - trưa - tối, uống liền trong 3 ngày; lấy quả sung 50g, mít non 40g, đậu xanh 20g, gạo nếp 50g, gạo tẻ ngon 50g, chân giò heo 1 cái, đem nấu nhừ tất cả ăn trong ngày; dùng đậu Hà Lan 30g, một ít miến sợi.

Cho 500ml nước vào nấu, chia làm 3 lần ăn trong ngày; đinh lăng 20-30g, thông thảo 12g, cam thảo dây 6g, đem nấu uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày; lấy quả sộp 15g, bồ công anh 25g, lá mua 10g, đem nấu uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Dùng 3-5 thang; dùng hạt bo bo sao vàng 20g, gạo nếp 20g, móng giò heo 2 cái, đem nấu cháo ăn hằng ngày; đu đủ nấu giò heo cũng là món dân gian thường dùng giúp bà mẹ tăng tiết sữa...

Nếu ít sữa, cần tăng, người mẹ ăn cháo gạo nếp nấu với chân giò lợn thêm 12g ý dĩ, 8g thông thảo; hoặc chân giò lợn đen (lợn ỉ) hầm với hoa chuối hột và thông thảo 8g. Nếu sau sinh chậm ra sữa, dùng vỏ mướp và thông thảo mỗi thứ một nắm (60g). Dùng nồi đất, nấu nhỏ lửa, đậy kín, uống thay trà cả ngày. Uống liên tục vài ngày sẽ ra sữa nhiều. Việc sử dụng các cách này tương đối mất nhiều thời gian và việc ăn uống như vậy không được cân đối các chất dinh dưỡng cho người mẹ, có thể làm cho mẹ tăng cân ngoài ý muốn.

Một chế độ dinh dưỡng được coi là hoàn hảo đối với phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú, không thể không kể đến là canxi. Canxi có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của xương và răng của trẻ. Các bà mẹ có thể thu nạp canxi qua các loại thực phẩm như sữa, bơ, sữa chua, các loại sữa gạn kem, cá mòi, đậu phụ.

Lưu ý khi cho con bú

Cho trẻ bú ngay sau khi ăn sáng, trước khi đi làm và buổi chiều ngay khi đi làm về, kể cả tối và đêm. Nếu bà mẹ làm việc gần nhà thì nên bố trí thời gian thích hợp để về nhà cho con bú.

Cố gắng duy trì ít nhất 3 lần bú/ngày cho bé... Có thể vắt sữa để vào bình tiệt trùng, để vào tủ lạnh cho bé khi đi làm, vì sữa mẹ có thể bảo quản trong bình vài giờ ở nhiệt độ bình thường và trong vòng 24 giờ trong tủ lạnh. Khi đi làm về, phải vệ sinh trước khi bế con và cho bú

Các bà mẹ cần lựa chọn thực phẩm và nước uống trong giai đoạn cho con bú

Nước: Nhiều phụ nữ cho rằng cần phải uống thật nhiều nước để có thể cung cấp cho bé nguồn sữa dồi dào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không hoàn toàn đúng. Nhưng bạn vẫn phải đảm bảo lượng nước cơ thể cần để tránh lâm vào tình trạng bị khử nước, rất nguy hại cho sức khỏe của bạn cũng như bé. Hãy bổ sung lượng nước ngay bất cứ khi nào cảm thấy khát, bởi đó chính là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang cần nước.

Ngoài nước lọc bạn có thể uống thêm các loại nước hoa quả, sữa.

Cafein: Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra khi bạn thu nạp một lượng lớn cafein vào trong cơ thể (nhiều hơn ba cốc mỗi ngày), sẽ khiến trẻ khi bú sữa mẹ bị mất ngủ hay rất khó ngủ và đó cũng chính là thủ phạm gây tình trạng khử nước trong cơ thể.

Dị ứng: Các chuyên gia đã chỉ ra những dưỡng chất có trong sữa mẹ được ảnh hưởng trực tiếp bởi những loại thực phẩm người mẹ thu nạp đều đặn qua chế độ ăn uống thường ngày. Cũng có trường hợp cơ thể bé yêu sẽ có những phản ứng lại với những loại thực phẩm mà bạn thu nạp vào cơ thể như các món ăn nhiều gia vị, các món ăn gây chứng đầy hơi hoặc các loại thực phẩm từ bơ sữa.

Những dấu hiệu để nhận biết trẻ bị dị ứng từ nguồn sữa mẹ là xuất hiện chứng tiêu chảy, da bị mẩn đỏ, khô da. Khi thấy bé có những biểu hiện này, cần kiểm tra lại những loại thực phẩm bạn đã ăn uống và nên dừng lại ngay.

Thuốc lá: Trong giai đoạn mang thai cũng như sau khi sinh bạn nên từ bỏ và tránh xa thuốc lá. Trong thuốc lá có chứa chất nicotine gây tác động tiêu cực đến việc sản sinh lượng sữa mẹ. Nguy hiểm hơn, việc hút thuốc hay "nạn nhân" (người hít phải khói thuốc lá) của thuốc lá sẽ khiến bé mắc phải những căn bệnh liên quan đến hô hấp mãn tính hoặc gây nhiễm trùng tai.

Rượu: Uống rượu sẽ khiến các cơ vận động của trẻ chậm phát triển, là nguyên nhân làm bé khó tăng cân. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nếu thật sự không thể bỏ được rượu, mỗi ngày bạn chỉ nên hạn chế sử dụng một ly nhỏ và cần đặc biệt lưu ý không cho bé bú sau 2 giờ bạn uống rượu.

H.N (tổng hợp)