itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Rau má (Tích tuyết thảo) có giá trị dưỡng âm và chống lão hóa

Rau má (Tích tuyết thảo) có giá trị dưỡng âm và chống lão hóa

Rau má là một loại rau thông dụng có tác dụng sát trùng giải độc, thanh nhiệt lương huyết. Ngoài ra, rau má cũng là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.

Nói tới rau má, hầu hết nhân dân ta, nhất là vùng nông thôn, ai cũng nhận biết được dễ dàng. Đã từ lâu, nhân dân ta biết dùng rau má làm món rau ăn, thậm chí có thể ăn rau má đến no bụng, hỗ trợ lương thực thiếu vào những ngày giáp hạt thuở xa xưa. Bởi thế ở xứ Thanh thường có câu: Đói thì ăn rau má, chớ đào nghèn núi đá què chân!
Rau má mọc hoang ở khắp nơi, nhiều nhất là ở các bãi cỏ, dọc đường sắt, bờ kênh mương, bãi phù sa ven sông…Hiện nay một vài nơi trồng đại trà rau má để bán làm rau ăn, làm thuốc và nguyên liệu chế biến nước giải khát.
Rau má có vị hơi đắng, thơm, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu viêm, sát trùng, cầm máu…Người ta thu hái loại rau má bánh tẻ, cả lá và dây, rửa sạch, làm món rau sống trong bữa ăn; hoặc có thể giã nát (hoặc xay) vắt lấy nước, bỏ thêm ít đường uống giải nhiệt, giải khát trong những ngày nắng nóng. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40g rau má tươi.

Canh rau má là món ăn được người miền Nam rất ưa chuộng, nhiều người ăn quen đâm nhớ. Tuy nhiên đối với người có tùy vị hư hàn, thường đi đại tiện lỏng thì không nên dùng nhiều vì rau má có tính mát lạnh.

Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má. Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid. Hoạt chất asiaticoside đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao. Người ta cho rằng trong những bệnh nầy, vi khuẩn dược bao phủ bởi một màng ngoài giống như sáp khiến cho hệ kháng nhiểm của cơ thể không thể tiếp cận. Chất asiaticoside trong dịch chiết rau má có thể làm tan lớp màng bao nầy để hệ thống miển dịch của cơ thể tiêu diệt chúng. Nền y học cổ truyền Trung quốc, Ấn Độ cũng như y học dân gian nước ta đều có truyền thống sử dụng rau má làm thuốc hoặc làm thức ăn từ lâu đời. Truyền thuyết Trung quốc có nói đến một võ sư Thái cực quyền tên là Lý thanh Vân sống thọ đến 256 tuổi một phần là do ông thường dùng món rau má. Srilanka cũng có chuyện kể về một vị vua nổi tiếng vào thế kỷ thứ 10 tên là Aruna cũng nhờ vào rau má mà có đủ sinh lực để sống với những 50 phi tần của ông! Những huyền thoại nầy có lẻ đã bắt nguồn từ giá trị dưỡng âm, chống lão hoá và làm tăng cường hệ miển dịch của những hoạt chất có trong rau má. Sau đây là cách chữa một số chứng bệnh bằng rau má:

Sốt, thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới: Mỗi ngày dùng 30-40 g rau má tươi (cả cây) vò nát, vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

Kiết lỵ, lậu nhiệt, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang: Rau má tươi (cả cây) 30-40 g, rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, hòa thêm ít đường uống hằng ngày. Có thể luộc ăn như rau.

Đau bụng, đau lưng khi hành kinh: Rau má hái lúc mới ra hoa, rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 2 thìa cà phê vào buổi sáng.

Chữa mẩn ngứa (nổi mề đay): lấy khoảng 50g rau má tươi, rửa sạch, giã giập (hãm với nước sôi 200ml như hãm chè tươi) uống trong ngày.

Chữa rôm sẩy: Hằng ngày dùng 50g rau má rửa sạch, giã nát vắt lấy nước, thêm ít đường cho dễ uống hoặc ăn rau má tươi trộn với chanh hay giấm.

H.N (tổng hợp)