Trời chuyển lạnh, đề phòng viêm họng cấp
Hàng năm cứ vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, nguy cơ số người mắc bệnh viêm họng cấp tính càng cao, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già.
Do vi rút, vi khuẩn ký sinh trong cổ họng của người khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh. Vì vậy, mọi người cần trang bị kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời khi gặp căn bệnh này.
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, trong đợt giao mùa bệnh nhân đến khám tại bệnh viện này rất đông.
Trong đó, các trường hợp được chẩn đoán là mắc viêm họng cấp tính chiếm tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt là trẻ em với tỷ lệ khoảng 60% - 70%, chủ yếu là các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, bệnh nhân thường bị viêm mũi, viêm họng, các bác sĩ nói chung là bị viêm họng.
Viêm họng cấp do nhiều nguyên nhân gây ra, được phân thành các nhóm chính là: viêm họng cấp đỏ do vi rút, viêm họng nhiễm trùng cấp tính và viêm họng cấp do các vi khuẩn, xoắn khuẩn đặc hiệu gây nên. Trong đó, nguy hiểm nhất là vi khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm B. Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu trên dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Biểu hiện thông thường của người bệnh khi bị viêm họng cấp tính thường sốt cao, đau đầu, nhức mình mẩy, đau rát họng, một số người có thể nổi hạch ở cổ. Đối với trẻ nhỏ thường có dấu hiệu nôn trớ khi ăn, quấy khóc.
Các triệu chứng của viêm họng cấp thường khá giống với các biểu hiện của bệnh cảm thông thường nên khá nhiều phụ huynh chủ quan không đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Bệnh viêm họng cấp tính không nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, nhưng nếu việc phát hiện và điều trị muộn có thể dẫn đến một số biến chứng nặng nề như: thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận.
Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm họng cấp tính, nhất là giai đoạn chuyển mùa vì sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Cùng với đó là đối tượng người già. Vì vậy, việc trang bị kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời khi gặp căn bệnh này là hết sức cần thiết đối với mọi người.
Theo các bác sĩ, vào lúc thời tiết chuyển lạnh cần ủ ấm cho trẻ nhỏ, tăng cường bổ sung các vitamin tăng sức đề kháng. Khi trẻ sốt cao cần kịp thời cho hạ sốt, không để sốt cao, co giật. Xử lý tại chỗ nên dùng các thuốc bôi vùng họng để giảm đau rát cho các cháu.
Khi thấy có những biểu hiện bất thường như trên mọi người nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.
Theo Thùy Minh / Vnmedia
Tin đã đăng
- Cách chữa dị ứng
- Ăn hạt để bớt béo bụng
- Lao động trí óc, nên ăn gì để khỏe?
- Hóa chất có trong nho, lựu gây vô sinh
- Quả ớt: Vị thuốc giảm đau bị bỏ quên
- 4 loại "thần dược" cần cho bạn mỗi ngày
- Rau, củ nào ít bị 'dính' thuốc bảo vệ thực vật?
- Dinh dưỡng cho người bị mất ngủ
- Lợi ích từ quả khế
- Lợi ích của gừng