itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Giới tính / Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: SOS

Mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: SOS

Trong những năm gần đây, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang ngày càng rơi vào mức báo động. Nếu cách đây 10 năm, tỉ lệ chênh lệch giới tính ở Việt Nam chỉ ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới là cứ 100 bé gái thì có 105-107 bé trai, nay tỉ lệ chênh lệch giới tính đã ở mức 110 bé trai/100 bé gái.

36 tỉnh, thành có tỉ lệ chênh lệch vượt trội

Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Dân số, Gia đình và Trẻ em năm 2005 về tình trạng giới tính khi sinh tại 6 tỉnh: Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Nai và Cần Thơ thì tỉ lệ giới tính của trẻ khi sinh trong thời kỳ 5 năm (1999-2003) tại những tỉnh này là 115,6 bé trai/100 bé gái. Tỉ lệ này cao hơn tỉ số tự nhiên của trẻ khi sinh, trung bình 104-106 bé trai/100 bé gái, là tỉ lệ được coi là cân bằng đối với bất kỳ quốc gia nào.

Năm 2007, một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Phát triển xã hội được thực hiện trên cả nước cho thấy, tỉ lệ giới tính khi sinh đã có sự chênh lệch đáng kể. Có tới 16 tỉnh, thành có tỉ lệ giới tính khi sinh từ 115 - 128 bé trai/100 bé gái; ở 20 tỉnh, thành khác là 111- 120 bé trai/100 bé gái. Cụ thể, tại Kiên Giang, cứ 125 bé trai thì có 100 bé gái; tại Sóc Trăng là 124 bé trai/100 bé gái; tại Bắc Ninh là 123 bé trai/100 bé gái; tại Hà Tây là 112 bé trai/100 bé gái; tại Bình Định 107 bé trai/100 bé gái…

Nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh

Nguyên nhân chính vẫn là quan niệm trọng nam khinh nữ của những bậc làm cha, làm mẹ. Phần lớn những người này lại chịu áp lực từ chính những bậc phụ huynh của mình. Vì thế, nhiều phụ nữ, khi mang thai đến tháng thứ 4, thứ 5, nếu kết quả siêu âm là con gái, họ sẵn sàng phá bỏ để… đợi lần sau. Cũng có nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn không có khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm, nên vô tư sinh tiếp con thứ 4, thứ 5 cho đến khi có con trai mới chịu dừng.

Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn xuất hiện cả trong suy nghĩ của những người là Đảng viên, cán bộ nhà nước, những người đang sinh sống ở những thành phố lớn… Họ cố tình hiểu sai tinh thần của Pháp lệnh dân số: “Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và thời điểm sinh con” (Điều 10) và Điều 4 của Pháp lệnh Dân số quy định nên sinh ít con nhưng không nói rõ số lượng là bao nhiêu. Vì thế, nhiều cặp vợ chồng muốn có con trai hoặc thích có nhiều con nên dù đã “có nếp, có tẻ” vẫn tiếp tục sinh thêm con.

Trẻ em nam sẽ ngày càng nhiều hơn trẻ em nữ. Nguồn: nguoiviensu.vietnamnet.vn

Với mong muốn có con trai, nhiều cặp vợ chồng đã thực hiện theo sách vở hoặc đến các bác sĩ tư để được tư vấn, hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho có kết quả. Tất cả những phương pháp này đều chưa được một nghiên cứu chính thức nào khẳng định nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên ở vài người đã khiến không ít các cặp vợ chồng tin tưởng và làm theo. Báo chí từng phản ánh, rất nhiều cặp vợ chồng làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, sách vở nhưng không thành, dẫn đến nhiều bi kịch dở khóc dở cười.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là việc hệ thống ủy ban dân số các tỉnh bị giải thể và sáp nhập cùng với ngành y tế khiến việc tuyên truyền, vận động kế hoạch hóa gia đình kém hiệu quả; Sinh con do tin đồn năm tốt, năm đẹp…

Hệ quả của sự chênh lệch giới tính

Nhiều chuyên gia cảnh báo, với đà tăng dân số và sự chênh lệch giới tính ngày càng cao như hiện nay, trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn.

Thứ nhất là tình trạng gia tăng dân số quá nhanh do nhu cầu có con trai, sự phân bố dân cư giữa các vùng chênh lệch lớn sẽ xảy ra tình trạng có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động, từ đó dẫn đến sự di dân kéo về các tỉnh, thành phố lớn.

Thứ hai là sự chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ, cùng với xu hướng lấy chồng ngoại ở nhiều tỉnh miền Tây, nạn buôn phụ nữ sang Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc… trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu cô dâu”, kéo theo việc gia tăng của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm.

Thứ ba là sự mất cân bằng giới tính sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong vấn đề tìm kiếm bạn tình và hôn nhân. Nhiều nam giới sẽ bị mất quyền làm chồng, làm cha.

Một số giải pháp khẩn thiết

Để đảm bảo sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên, cần phổ biến và làm rõ quy định của Pháp lệnh dân số về việc sinh con thứ ba; Quy định nghiêm và chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố giới tính thai nhi tại các bệnh viện cũng như phòng khám tư; Xử nghiêm các Đảng viên, CB-CNV cố tình sinh con thứ ba; Tăng cường tuyên truyền về các chính sách kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên và các biện pháp tránh thai… nhất là ở những vùng sâu, vùng xa và khó khăn…

 

Không chỉ có tỉ lệ chênh lệch giới tính cao, mà tỉ lệ tăng dân số ở Việt Nam cũng đang ở mức báo động. Trong vòng 85 năm qua, dân số Việt nam đã tăng 5,3 lần, trong khi dân số thế giới chỉ tăng khoảng 3,6 lần. Mật độ dân số tại Việt Nam cao gấp 6-7 lần so với mật độ dân số chuẩn do các nhà khoa học của Liên hợp quốc đưa ra và cao gấp 2 lần so với quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Điều này sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân, đặt Việt Nam trước nguy cơ tăng khoảng cách tụt hậu so với thế giới.

Hải Ninh