itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Bầu cử Mỹ: có Trời mới biết

Bầu cử Mỹ: có Trời mới biết

Ông Giuliani có thể thua trong các

vòng đầu nhưng sẽ vẫn không lo lắng

nếu thắng ở Florida

Đây là cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên kể từ năm 1928 mà trong đó cả tổng thống và phó tổng thống đều không tái tranh cử.

Cựu Thị trưởng New York Rudolph Giuliani (người bên phải) có thể thua trong những kỳ bỏ phiếu nội bộ của Đảng Cộng hòa đương quyền mà không hề hấn gì vì ông tập trung vào Florida.

Đây là cuộc bầu cử Có Trời mới biết.

Không ai biết những ứng viên nào sẽ đại diện cho hai đảng chính, Cộng hòa và Dân chủ, không ai biết chắc chắn khi nào các đảng sẽ chọn ứng viên và không ai biết những vấn đề nào sẽ quyết định kết quả của cuộc đua cuối cùng.

Trên thực tế có hai cuộc bầu cử, một là những cuộc tiến cử ứng viên của các đảng và một là cuộc bầu cử tổng thống toàn quốc.

Tình hình thường có thể thay đổi căn bản trong quá trình vận động bầu cử.

Nếu qúy vị còn nhớ, John Kerry không phải là ứng viên dẫn đầu của Đảng Dân chủ trước cuộc chọn ứng viên nội bộ ở Iowa năm 2004. Tổng thống George W Bush suýt nữa gặp vấn đề tại cuộc bầu chọn của Đảng Cộng hòa ở New Hampshire hồi năm 2000.

Hai ứng viên mải tấn công nhau cũng có thể khiến cho ứng viên thứ ba lọt qua và chiếm cảm tình của cử tri.

Thử thách đầu tiên

Và các cử tri thực sự thích thú với quyền lực mà họ có

Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy một nửa cử tri ở New Hampshire sẽ không quyết định ủng hộ ứng viên nào cho tới tuần trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vào ngày 8 tháng giêng.

Cả hai ứng viên Rudy Giuliani và Hillary Clinton đều đang có những chiến dịch vận động tranh cử vốn có thể làm họ mất mặt.

Lịch tiến cử ứng viên 

  • 3/1 – lowa
  • 5/1 – Wyoming (Cộng hòa)
  • 8/1 – New Hampshire
  • 15/1 – Michigan
  • 19/1 - Nevada, và Nam Carolina (Cộng hòa)
  • 26/1 - Nam Carolina (Dân chủ)
  • 29/1 - Florida

Rudy Giuliani vẫn giữ quan điểm trước đây của ông đó là phụ nữ Mỹ phải có quyền phá thai. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự ủng hộ mà các cử tri bảo thủ ở vùng thôn quê Iowa dành cho ông nhưng nó lại gần với quan điểm của đa số người Mỹ thể hiện qua các thăm dò ý kiến.

Hillary Clinton đã bỏ phiếu ủng hộ cấm vận đối với Iran khi Nhà Trắng có yêu cầu. Đối với các ủng hộ viên phản chiến cánh tả, điều này làm cho họ không hài lòng nhưng đa số người Mỹ có lẽ sẽ ủng hộ bà.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một hoặc cả hai ứng viên đều vượt qua vòng bỏ phiếu ở Iowa và New Hampshire?

Người ta vẫn có thể nghĩ rằng họ sẽ có số phận hẩm hiu giống Howard Dean hồi 2004 - và mọi người sẽ nhanh chóng quên họ vào mùa hè.

Nhưng các ứng viên này có thể sẽ khác. Họ có uy tín trên toàn quốc, có các nhân viên vận động tranh cử trên toàn quốc và có ủng hộ tài chính trên toàn quốc.

Ứng viên thứ ba?

Ông Giuliani có thể thua trong các vòng đầu nhưng nếu ông thắng tại Florida, mọi chuyện sẽ vẫn ổn.

Cũng tương tự, bà Hillary Clinton có thể tập trung vào ngày thứ Ba lớn trong tuần đầu của tháng Hai khi một loạt các bang lớn cùng tổ chức tiến cử ứng viên và người ta đều cho rằng bà sẽ thắng.

Trong số các bang tổ chức tiến cử ứng viên vào ngày thứ Ba lớn có New York, New Jersey, và California. Người ta dự kiến các ứng viên của các đảng chính sẽ được công bố sau ngày này hoặc trong vòng vài tuần sau đó.

Như vậy, tới khoảng tháng Ba có nhiều khả năng chúng ta sẽ được biết ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Cũng có thể là Thị trưởng New York Mike Bloomberg sẽ vào cuộc nếu một số lớn trong các cử tri trung dung của Hoa Kỳ không hài lòng, chẳng hạn với lựa chọn giữa John Edwards và Mike Huckabee.

Mike Bloomberg có thể bỏ ra một tỷ đô la
tiền túi cho cuộc vận động tranh cử này
mà chẳng hề tiếc

Ông Bloomberg không cần phải gây qũy. Ông có thể bỏ ra một tỷ đô la tiền túi cho cuộc vận động tranh cử này mà chẳng hề tiếc.

Cho dù cho tới gần đây về mặt lý thuyết người ta có thể xem ông là người thuộc phe Cộng hòa nhưng ông cùng quan điểm với phe Dân chủ trong nhiều vấn đề và sẽ có được sự ủng hộ của phần lớn cử tri trung tả.

Ông là một chính trị gia nặng ký chứ không phải Ross Perot và ông sẽ chỉ ra tranh cử nếu ông có thể thắng.

Iraq và kinh tế

Nếu ông nhập cuộc - có thể phải tới tận cuối tháng Ba mới có quyết định - ông sẽ tập trung vào năng lực, tài lãnh đạo, đầu óc kinh doanh cộng với việc thức thời và quan tâm tới các vấn đề xã hội.

Mike Bloomberg sẽ là ứng viên vượt lên trên các thành trì của các đảng phái chính trị và thăm dò ý kiến gần đây cho thấy nhiều người Mỹ đang muốn có một ứng viên như vậy.

Còn đối với các vấn đề dư luận quan tâm trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Mười Một, Iraq hiển nhiên là vấn đề quan trọng nhưng liệu nó có nhất thiết ảnh hưởng xấu tới đảng Cộng hòa hay không.

Liệu ''giữ vững đường lối'' ở Iraq có được xem là sáng suốt và quân tử không?

Cũng như vậy, kinh tế sẽ là vấn đề lớn. Nhưng nền kinh tế sẽ như thế nào vào tháng Mười Một tới? Tiếp tục phát triển hay trong thảm cảnh? Liệu giá nhà có tăng lại và những kinh hoàng trên thị trường chứng khoán gần đây chỉ còn là ký ức?

Khác so với trong nhiều cuộc bầu cử trước, năm nay chỉ có Trời mới biết.

Theo Justin Webb (BBC)