itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Bá quyền Mỹ: Hiện giờ ra sao?

Bá quyền Mỹ: Hiện giờ ra sao?

Nguồn: haiphongdofa

“Quyền lực và tính hợp pháp là hai trụ cột của bá quyền toàn cầu. Trong cộng đồng quốc tế vô chính phủ, bá quyền “ôn hoà” có được tính hợp pháp khá cao và được chấp nhận tương đối rộng rãi, trở thành sự thay thế tất yếu cho uy quyền và trật tự.”

Bá quyền là gì?

Trong tiếng Trung và cả tiếng Việt, “bá quyền” là một thuật ngữ mang tính chất tiêu cực nhiều hơn. “Bá chủ quyền lực” là cái mà các quốc gia Phương Đông cổ xưa thường hướng tới như một địa vị cao nhất khi đặt mình cạnh các nước láng giềng. Nói cách khác là địa vị thống trị với quân đội mạnh nhất, uy tín ảnh hưởng nhất, các quốc gia khác phải nể sợ nhiều nhất và có khả năng khống chế các quốc gia khác. Một “bá quyền” khiến các nước xung quanh phải phục tùng vô điều kiện trong quan hệ giữa một nhóm nước trong một khu vực nhất định. Và phương thức để giải quyết mối quan hệ giữa các quốc gia là bằng ý chí của bá chủ. Trong khi đó, “bá quyền” theo thuật ngữ phương Tây lại là một khái niệm trung tính: đó là một quốc gia có những ưu thế và ảnh hưởng áp đảo so với các quốc gia khác. Theo nghĩa này, bá quyền có thể coi là “ôn hoà”, là mang tính hợp pháp.

Có ba tiêu chí để đánh giá tính hợp pháp của bá quyền. Thứ nhất, quá trình quyết định các vấn đề quốc tế được thực hiện thông qua cơ chế đa phương, sự nhất trí chung đạt được bởi thương lượng và thuyết phục hơn là áp đặt bởi ý chí của quốc gia bá quyền. Thứ hai, các qui tắc và sự thực thi pháp luật cần phải hợp lý và công bằng, phản ánh thông qua sự bình đẳng và tính có thể áp dụng của Luật pháp Quốc tế đối với tất cả các quốc gia. Thứ ba là bá quyền đó phải mang lại cho cộng đồng Quốc tế những lợi ích chung như hoà bình, an ninh, thương mại tự do, môi trường phát triển, v.v...

Trật tự bá quyền phải vừa kiềm chế, vừa mang lại lợi ích cho các thành viên. Không tồn tại bất cứ trật tự nào không có sự kiềm chế, không có liên minh nào không đi liền với lợi ích. Các thành viên sẽ chống đối, chia rẽ nếu không có sự gắn kết và kiềm chế của bá chủ giành cho họ. Sự kiềm chế công bằng và hợp lý sẽ làm dịu bớt tâm lý và sự chống đối tới mức tối thiểu. Nhưng nếu không có lợi ích, các quốc gia thành viên sẽ khó có thể chấp nhận bị kiềm chế. Và nếu như bá chủ chỉ quan tâm tới lợi ích quốc gia của bản thân mình mà không tính đến hay xâm phạm lợi ích của các thành viên khác thì cũng dẫn tới sự chống đối không thể tránh khỏi của họ. Đây là thứ bá quyền vẫn luôn tồn tại trong tiềm thức của các nhà lãnh đạo nước Mỹ và các quốc gia phương Tây kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II tới tận ngày nay.

Bá quyền Mỹ hiện giờ ra sao?

Sức mạnh quốc gia của Mỹ là vô cùng to lớn, sự thịnh vượng của nước Mỹ nằm trong sự thịnh vượng chung của thế giới. Sự lo lắng về an ninh của riêng nước Mỹ và tập trung quá mức vào Chủ nghĩa Khủng bố hiện nay mà không chú ý tới những mối quan tâm về chính trị của nhân loại thì không thể nào bảo vệ được an ninh của nước Mỹ. Điều đó không phù hợp với nhu cầu thực sự của thế giới đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ. Chừng nào Mỹ chưa kết hợp hài hoà được giữa sức mạnh bá chủ với việc giải quyết các yêu cầu về an ninh của mình thì Mỹ sẽ luôn ở vào tình thế đơn độc và bị tấn công trong một thế giới hỗn loạn. Sức mạnh của Mỹ đã trở thành nhân tố đảm bảo sự ổn định của thế giới. Tuy nhiên xã hội Mỹ khuyến khích xu hướng xã hội hoá trên thế giới, từ đó làm suy yếu chủ quyền quốc gia truyền thống. Sức mạnh của Mỹ và các động lực của xã hội Mỹ có thể hoạt động liên kết với nhau để dần dần xuất hiện một xã hội trên thế giới có lợi ích chung. Còn nếu hai lực lượng này đụng độ với nhau hoặc được sử dụng không tốt có thể đưa thế giới tới tình trạng hỗn loạn và Mỹ bị bao vây.

Mỹ có một vị thế chính trị mang ý nghĩa toàn cầu, trước mắt không một quốc gia nào có thể cạnh tranh được. Châu âu có thể là một đối thủ cạnh tranh về kinh tế, những sẽ phải mất một thời gian nữa họ mới trở thành một đối thủ về chính trị được. Nước Nga hiện giờ đã không còn như thời Liên Xô cũ nữa, không còn là đối thủ cạnh tranh cả về kinh tế lẫn chính trị với Mỹ. Trung Quốc, mặc dù thời gian gần đây phát triển khá nhanh, nhưng cũng vẫn chỉ là một nước đang phát triển và vẫn chưa phân định rõ được vị thế của mình trong cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ khu vực Đông Bắc á chứ chưa nói tới Mỹ. Đây là nước có nhiều khả năng cạnh tranh Mỹ nhất trong tương lai, nhưng tương lai đó phải ít nhất là hai thế hệ nữa. Còn ấn Độ, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế 6% - 8% một năm của nước này đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của Quốc tế. Thế nhưng ấn Độ vẫn không được coi như là một quốc gia có hoà bình thực sự. Chỉ khi nào ấn Độ dàn xếp một cách trọn vẹn với Pakistan về vấn đề Kashmir, thì nước này mới có thể phát triển được hết mức tiềm năng kinh tế và địa chính trị để có thể trở thành một cường quốc. Điều này xem ra khó mang tính khả thi vì Pakistan chưa bao giờ chịu kiềm chế những ý đồ riêng “xấu xa” của mình về vấn đề Kashmir. Vì vậy, trên thực tế hiện nay, chưa có một nước nào có thể thay thế được sự bá quyền và vai trò của Mỹ, một nhân tố không thể thiếu được đối với an ninh Quốc tế.

Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra là Mỹ đang phải đối phó với những đe doạ từ các lực lượng yếu hơn Mỹ nhiều. Việc Mỹ quá lo lắng về an ninh của riêng mình có thể dẫn đến bị cô lập trong một thế giới thù địch. Mỹ đang sống trong một thế giới mà ở đó nổi lên các mối quan hệ láng giềng tốt và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Các đế chế trước đây như Anh ở thế kỷ XIX, hoặc Trung Quốc trong các giai đoạn lịch sử khác nhau kéo dài hàng ngàn năm, hoặc La – mã trong vòng 500 năm, không hề bị đe doạ từ bên ngoài. Thế giới mà các đế chế này thống trị lúc đó bị chia cắt thành nhiều bộ phận riêng lẻ. Ngược lại, Mỹ có sức mạnh hùng hậu nhất trên thế giới, nhưng an ninh trong nước lại bị đe doạ nghiêm trọng và Mỹ buộc phải sống trong không khí thường xuyên thiếu an ninh.

Những mối đe doạ bá quyền Mỹ là gì?

Sự bá quyền của Mỹ chỉ là một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong tương lai, tất nhiên không phải là rất gần, nhưng sớm hay muộn thì sự thống trị thế giới của Mỹ rồi cũng sẽ kết thúc. Bởi vậy, bây giờ không phải là quá sớm để Mỹ xác định ra một hình thù của thế giới sau thời kỳ bá quyền của mình. An ninh của nước Mỹ là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại Mỹ, nhưng an ninh của một quốc gia đơn lẻ trong một thế giới vô chính phủ và đầy hỗn loạn như hiện nay lại là một ảo tưởng hoang đường. Kể từ năm 2003, thời gian hai năm sau vụ khủng bố 11/9, sự đoàn kết Quốc tế với Mỹ đã bắt đầu lung lay và chuyển sang những hành động cô lập Mỹ. Những nghi ngờ về động cơ thực sự của Mỹ trong việc sử dụng sức mạnh ngày càng tăng.

Cuộc chiến tranh Iraq chứa đựng nhiều mâu thuẫn nhất. Sức mạnh quân sự của Mỹ đạt được đỉnh cao như thế, nhưng uy tín của Mỹ trên trường Quốc tế cũng chưa bao giờ xuống thấp tới mức như vậy. Biện minh cho việc phát động cuộc chiến tranh chống Iraq đã làm tổn hại vị trí của Mỹ trên thế giới. Mỹ lúc nào cũng hô hào chống khủng bố trong khi bom đạn Mỹ - cái mà Mỹ thường nói là dùng để chống khủng bố thì lại toàn dội vào dân thường Apghanistan và Iraq. Vậy thì Mỹ có khác gì khủng bố? Việc tập trung vào chống khủng bố có thể có sức hấp dẫn về chính trị trong một thời gian ngắn, nhưng việc quá thổi phồng một kẻ thù vô hình, lợi dụng sự lo sợ mờ ảo, vô căn cứ, ở một thời điểm nào đó có thể tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng. Nhưng nếu coi đó là một sách lược lâu dài thì cần phải có một lực lượng thường xuyên và điều đó có thể dẫn đến sự chia rẽ trên bình diện Quốc tế.

Đổng Chu