itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Bầu cử Nga và vai trò của ông Putin

Bầu cử Nga và vai trò của ông Putin

Truyền thông Nga nói bỏ phiếu là trách

nhiệm của cử tri để bày tỏ sự tin tưởng

vào Tổng thống Vladimir Putin

Nhà bình luận thời sự Nga Leonid Radzikhovski viết về cuộc bầu cử nghị viện ngày 2.12.2007 đã tỏ ra ngạc nhiên trước mấy sự việc.

Thứ nhất, theo ông, chính thức mà nói thì cử tri Nga đi bầu các đảng vào Viện Duma, nhưng truyền hình từ bao ngày qua luôn nhắc dân chúng rằng đây không phải là một cuộc bỏ phiếu bình thường, mà là trưng cầu dân ý về tổng thống Vladimir Putin.

Thứ nhì, nếu có ai hỏi tại sao lại phải trưng cầu dân ý khi mà ông Putin đã làm tổng thống thì có ngay người trả lời: Đây là trưng cầu dân ý về chương trình của ông Putin.

Leonid Radzikhovski nói ông chưa hề được nghe về chương trình gì cả.

Hoặc có chăng là một chương trình bày tỏ sự trung thành với tổng thống.

Vẫn quá hai lần?

Trong giới ủng hộ ông Putin vốn đã làm chủ gần hết các mạng truyền thông Nga còn có một cách giải thích khác. Rằng bỏ phiếu chính là để bày tỏ sự tín nhiệm ông Putin ở cương vị 'lãnh tụ quốc gia', kể cả sau khi ông thôi chức tổng thống mùa xuân 2008.

Cho đến sáng thứ Hai 03.12, tin tức nói với gần 98% phiếu được đếm, đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin đã giành 64.1% phiếu trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật.

Cũng vì chuyện đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin chắc chắn thắng cử, nên các bình luận ngay trước khi đóng phòng phiếu chỉ xoay quanh câu hỏi về vai trò tương lai của ông.

Tất cả cũng vì hiến pháp Nga không cho ai liên tục nắm quyền tổng thống quá hai nhiệm kỳ, và bản thân ông Putin đã nói không muốn làm như thế.

Đài Deutsche Welle của Đức tối 02.12 trong bài của Ingo Mannteufel đưa ra ba kịch bản.

"

Một tân tổng thống sẽ do đảng Nước Nga Thống Nhất chỉ định, và ông ta sẽ tuân theo kỷ luật đảng.

Nhà xã hội học Olga Kryshtanovskaya

"

Một là ông Putin, với tư cách lãnh đạo đảng chiếm đa số trong Viện Duma sẽ làm Thủ tướng, hoán chuyển vị trí với một trong những người thân tín.

Theo kịch bản thứ hai, ngay sau bầu cử, ông Putin sẽ nhường chức tổng thống cho thủ tướng Victor Zubkov để trở thành người lãnh đạo khối đa số trong Nghị viện, và để tháng Ba 2008 lại có thể ngay lập tức ra tranh cử tổng thống Nga.

Dù như thế có thể gây tranh cãi với hiến pháp nhưng ít ra về hình thức thì ông Putin cũng có vài tháng không làm tổng thống, tạo ra một sự gián đoạn ngắn.

Một biến thể của kịch bản này là tháng Ba tới, ông Zubkov ra tranh cử và đắc cử tổng thống nhưng sẽ sớm từ nhiệm vì lý do sức khoẻ, để ông Putin quay lại cầm quyền ở Kremlin.

Nhà bình luận Ingo Mannteufel của đài Đức cũng xét đến cả kịch bản thứ ba: Ông Putin sẽ duy trì vai trò 'lãnh tụ quốc gia' và lãnh đạo đảng chiếm đa số trong Duma chứ không phải làm gì khác. Khi cần, ông luôn có thể quay lại làm tổng thống sau một giai đoạn nghỉ ngơi.

Lại giống như xưa?

Các nhà bình luận ngay tại Nga thì có vẻ tin rằng các chuyển biến chính trị nước này dưới thời ông Putin đang có các dấu hiệu trở lại thời Xô Viết, thậm chí thời phong kiến.

Olga Kryshtanovskaya, nhà xã hội học được hãng AP trích lời nói rằng với việc ông Putin chỉ cần nắm chức lãnh tụ đảng cầm quyền, và điều khiển được cả tổng thống và thủ tướng là bước đi giống thời Liên Xô.

Bà nói về mô hình một đảng thống trị:

"Khi ấy, một tổng thống sẽ do đảng Nước Nga Thống Nhất chỉ định, và ông ta sẽ tuân theo kỷ luật đảng".

Một nhà bình luận Nga khác, ông Lev Gudkov thì nói với báo Ba Lan, tờ Gazeta Wyborcza rằng chính trị Nga hiện nay không chỉ mang 'các nét của thời cộng sản, mà cả của thời bảo hoàng'.

Chính vì dân Nga vẫn mong muốn một vị Nga hoàng anh minh, dân tộc chủ nghĩa nên hiện tượng tôn thờ ông Putin mới diễn ra ngay cả ở thế kỷ 21.

Thanh niên Nga cũng ủng hộ tổng thống Putin đông đảo

Theo báo Gazeta Wyborcza trong bài của ký giả Tomasz Bielecki từ Maxcơva thì Kremlin dưới quyền ông Putin đã kéo nước Nga lùi từ một hệ thống dân chủ yếu kém, chưa bén rễ trở lại một thời kỳ độc đoán.

Các nhà lãnh đạo điện Kremlin làm được như thế nhờ bốn yếu tố: tuyên truyền chống Phương Tây đồng thời gợi lại niềm tự hào Liên Xô hoặc Đại Nga, sự thống lĩnh các phương tiện truyền thông lớn nhất, và trấn áp không để những ai muốn làm đối lập thực sự ngóc đầu lên được.

Về mặt kinh tế, thời kỳ ông Putin cầm quyền nước Nga hưởng lợi rất nhiều từ giá dầu khí tăng cao kỳ lục.

Nhờ ngân sách đầy tiền, chính quyền trả lương tốt cho tầng lớp công chức, quân đội, công an và có được sự ủng hộ của họ.

Dù nước Nga không hiện đại hóa được gì vì tăng nguồn thu nhờ khai thác nguyên liệu thô, an sinh xã hội cho nhiều tầng lớp thua thiệt thời Yeltsin được cải thiện.

Hãng AP trích lời một người dân, bà Alla Kosaryeva, 70 tuổi, sống ở St. Petersburg nói rằng bà "bỏ phiếu cho đảng Nước Nga Thống Nhất vì cuộc sống tốt hơn dưới thời ông Putin", và bà không hề muốn 'cách mạng hay thay đổi gì khác'.

Nhưng theo nhà báo Tomasz Bielecki thì chính thời kỳ chập chững vào kinh tế thị trường của ông Yeltsin đã tạo ra nền tảng để Nga khai thác hết mức thế mạnh xuất khẩu và thương mại. Trong khi đó, tuyên truyền của Kremlin luôn dùng hình ảnh bất ổn của thập niên 1990 để hù dọa cử tri.

Còn theo Leonid Radzikhovski thì một điều lạ nữa là ai cũng lên án thời đại Yeltsin trong khi đa số các nhân vật giàu có và đầy quyền lực hiện nay đều vươn lên trong thời kỳ đó.

Ông nói những kẻ kiếm lợi từ tư nhân hóa hồi ấy chẳng hề kêu gọi xét lại việc chia tài sản công hay trả lại cho nhà nước.

Leonid Radzikhovski cũng đặt câu hỏi nếu đảng của Tổng thống Putin hoàn toàn được sự ủng hộ của dân Nga như tuyên truyền của truyền thông nhà nước, và tình hình thật sự ổn định thì vì sao họ phải đả phá quyết liệt vài đảng đối lập nhỏ nhoi?

Như thế, phải chăng Kremlin vẫn lo ngại điều gì?

Theo Nguyễn Giang (BBC)