itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ

Châu Âu nín thở trước bầu cử Mỹ

Hai ứng viên của đảng Dân chủ B.

Obama và H. Clinton trong cuộc tranh

luận hôm 15/1. Ảnh: Reuters.

Trái tim của Lục địa Già đang cân nhắc giữa Clinton và Obama. Tuy nhiên, sẽ thật nhầm lẫn nếu cho rằng quan hệ xuyên đại dương sẽ dính một “cú sét ái tình” nếu một người Dân chủ bước vào Nhà Trắng.

“Hoan hô cử tri Mỹ: các bạn tỏ ra ít phân biệt chủng tộc và ít phân biệt giới tính hơn những gì mà người châu Âu e ngại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các bạn vẫn còn khá ngây thơ: giờ hãy cố chọn một vị tổng thống tài năng đi”. Theo tờ The Economist, tuyên bố “có vẻ hạ cố và khinh thường” nói trên đã cho thấy rõ cách mà rất nhiều người châu Âu phản ứng về cuộc chạy đua tay đôi giữa ông Barack Obama và bà Hillary Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ ở đảng Dân chủ năm nay. Bởi từ phía này của Đại Tây Dương, tiến trình bầu cử để tìm người kế nhiệm cho ông George Bush đã khiến dư luận và các nhà bình luận trăn trở.

The Economist nhận xét: “Thật choáng khi thấy rằng nhiều người châu Âu né những ý tưởng chính trị của bà Clinton và của ông Obama, và coi cuộc chiến của hai người này như một phép thử đơn giản về niềm mơ ước của Mỹ”. Đúng vậy, hai ứng cử viên nói trên đại diện cho các giá trị mới mẻ và chứng tỏ họ có xu hướng duy trì quan hệ tốt với châu Âu. Nhưng tờ báo cũng nói rõ, “các ứng cử viên luôn hứa hẹn sẽ chìa tay ra cho các đồng minh của mình và cải thiện hình ảnh của Mỹ trên thế giới”.

“Cảm hứng châu Âu của các ứng cử viên sẽ có thể không sống sót nổi sau khi có kết quả cuối cho thấy người thắng cuộc, dù đó là bà Clinton, ông Obama hay bất cứ ai khác. Người nhận được sự tán đồng của cử tri Mỹ sẽ lãnh đạo trong vai trò là một người Mỹ, bảo vệ cho các lợi ích của Mỹ trên thế giới và chắc chắn sẽ làm thất vọng nhiều nhà quan sát nước ngoài. Người châu Âu sẽ quá ngây thơ khi tưởng tượng ra một kịch bản nào khác”.

Sự ngây thơ này đến từ đâu? Tờ International Herald Tribune giải thích: “Đó không chỉ bởi vì các nước châu Âu vẫn còn quá si mê với siêu cường Mỹ, bất chấp sự phản đối rộng rãi của dân chúng đối với cuộc chiến Iraq - cuộc chiến đã chia rẽ châu lục này sâu sắc”.

Tuy nhiên, tờ nhật báo Mỹ ấn hành tại Paris này nhận xét, chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ đã được bắt đầu trước cả khi xảy ra các vụ tấn công ngày 11/9/2001 và cuộc xâm lược Iraq, tức là có từ thời nhiệm kỳ của phe Dân chủ là ông Bill Clinton. Đây là xu hướng đơn cực hóa. Dù là trong các vấn đề của NATO hay Nghị định thư Kyoto, Washington đều đã ngày càng tỏ ra vượt trội so với châu Âu. Nếu “vị tổng thống tiếp theo của Mỹ không đáp ứng được các mong mỏi của châu Âu, thì đó là bởi vì người châu Âu luôn không biết rõ họ muốn gì trong lĩnh vực đối ngoại hay trong quan hệ với bên kia bờ Đại dương. Chưa lúc nào châu Âu nói chung một giọng”.

Người Mỹ đi bầu và “chúng tôi nín thở”, tác giả Arrigo Levi viết trên tờ nhật báo của Italy La Stampa như vậy. Ông thấy “thật bất công” khi mà “chúng ta không thể có một từ nào khác để nói về những lựa chọn chính trị của Mỹ, dù chúng ta là những công dân thế giới. Giá như đó có thể là một dạng quyền phủ quyết đối với vòng bầu cử sơ bộ và sau đó là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, bởi vì số phận của chúng ta phụ thuộc một phần vào những lựa chọn ấy. Lỗi của ai đây?

Theo ông Levi, lỗi một phần là của châu Âu: “Với sự chín chắn và thận trọng mà chúng ta có, chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát tương lai của mình, nhất là khi có rất nhiều thứ để ta học tập từ Mỹ và thế giới”. “Bởi, dù chúng ta biết, đôi khi biết hơn cả Mỹ, về những gì tốt cho họ và tốt cho thế giới, nhưng chúng ta lại vẫn do dự khi hành động: bởi ta quá ích kỷ, lười biếng, và sợ hãi.”

Đức Đan (theo Courier Internatinal)