itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Công lý sẽ chiến thắng

Công lý sẽ chiến thắng

Những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và

có lương tri không làm ngơ trước nỗi đau

mà những nạn nhân của cuộc chiến tranh

Việt Nam. Ảnh: Google

Phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin hôm 22-2 đang bị dư luận phản đối mạnh mẽ bởi đây là phán quyết phi đạo lý và đầy nghịch lý.

Đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về tác động nguy hiểm của chất độc da cam/đi-ô-xin. Trong 10 năm, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 76,9 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó phần lớn là chất độc da cam. Hàng triệu người Việt Nam đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Chính vì vậy, việc các nạn nhân Việt Nam, những người đang ngày đêm đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, đòi 37 công ty hóa chất bồi thường vì cung cấp chất độc da cam/đi-ô-xin cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh là điều hoàn toàn đúng đắn.

Thế nhưng, yêu cầu hợp lý này của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam lại vấp phải phán quyết vô trách nhiệm và phi đạo lý của Tòa án Niu Y-oóc và tiếp đó là phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ. Đơn kháng cáo của các nạn nhân bị bác bằng lập luận rằng, chất độc da cam/đi-ô-xin được sử dụng “nhằm bảo vệ quân đội Mỹ, chứ không phải vũ khí chống dân thường”. Không hiểu quan tòa Mỹ dựa vào đâu mà lại phán quyết đầy nghịch lý như vậy?

Trong suốt chiến dịch quân sự Cánh tay lực điền (Operation Ranch Hand), chất độc da cam/đi-ô-xin được quân đội Mỹ trộn với các loại dầu rải xuống các cánh đồng, sông, rừng đước và các làng mạc đông đúc dân cư. Ngay từ khi đó, trong Bộ Ngoại giao Mỹ, một số viên chức như Rô-dơ Hin-xman, Đại sứ A-vê-ren Ha-ri-man cũng đã lên tiếng phản đối. Họ khẳng định chất độc da cam sẽ làm hủy hoại cuộc sống tại những nơi bị rải và tiêu hủy ruộng đồng của cư dân. Như vậy làm sao có thể cho rằng chất độc da cam/đi-ô-xin không phải vũ khí chống lại dân thường?

Quan tòa Mỹ nói rằng, chất độc da cam/đi-ô-xin được sử dụng là để bảo vệ quân đội Mỹ, thế nhưng, hiện nay tại nước Mỹ có hàng nghìn cựu chiến binh đang phải vật lộn với nhiều căn bệnh quái ác do bị ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin. Trong khi Chính phủ Mỹ vẫn phải đền bù cho cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ 200 đến 2.000USD/người/tháng, thì tòa án Mỹ lại cố tình làm ngơ trước thảm cảnh của hàng triệu nạn nhân Việt Nam.

Luật pháp Mỹ là hệ thống Thông luật tức là phán quyết của tòa án dựa trên các tiền lệ từ các vụ kiện trước đó. Ai cũng biết hồi năm 1984, tòa án Mỹ đã ra phán quyết buộc bảy công ty hóa chất phải bồi thường 180 triệu USD cho các cựu quân nhân Mỹ bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Năm 2006, Tòa án dân sự cấp cao Xơ-un (Hàn Quốc) đã ra phán quyết bắt hai công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường 62 triệu USD cho các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam. Như vậy, không có lý do gì để Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ bác đơn kháng cáo của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ còn đi ngược lại đạo lý bởi nó mở đường cho 37 công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam/đi-ô-xin có thể phủi tay, chối bỏ trách nhiệm đối với những hậu quả hết sức nặng nề mà nhiều người Việt Nam, môi trường Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ đang phải gánh chịu.

Phán quyết này còn đi ngược lại những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm hợp tác với Việt Nam để khắc phục hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin. Năm 2006, Tổng thống Mỹ Bu-sơ và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ra một bản tuyên bố chung khẳng định, vấn đề chất độc da cam/đi-ô-xin là một hậu quả của chiến tranh, đòi hỏi hai bên cùng hành động.

Lẽ phải thuộc về các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và họ đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận cả trong và ngoài nước. Sự ủng hộ này đã lan rộng, trở thành phong trào rộng khắp toàn cầu. Đã có rất nhiều, trong đó có các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, xuống đường sát cánh cùng các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam khi họ sang Mỹ dự phiên tranh tụng. Nhiều nhân sĩ, trí thức và bè bạn quốc tế đã nhiệt tình ủng hộ phong trào lấy chữ ký ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Chắc chắn rằng số lượng những người như vậy sẽ ngày một nhiều thêm và là động lực vô cùng quan trọng cho cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

Bất chấp phán quyết bất công, phi đạo lý của Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ, cuộc đấu tranh ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam đi-ô-xin Việt Nam sẽ còn tiếp tục cho đến khi công lý được thực thi. Đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm đạo lý của chúng ta trước hàng triệu nạn nhân trong đó có người đã chết trong sự dày vò đau đớn của bệnh tật. Lịch sử đã chứng minh, dù sớm hay muộn, công lý sẽ cũng chiến thắng.

Theo Bảo Trung (QĐND)