itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Hậu quả của vụ ám sát bà Bhutto

Hậu quả của vụ ám sát bà Bhutto

Bà Bhutto trước đó đã thoát chết trong

cuộc tấn công vào ngày 18/10

Vụ ám sát bà Benazir Bhutto là một đòn giáng nghiêm trọng và có khả năng gây nhiều tổn hại tới hi vọng của quốc tế về chuyện khôi phục ổn định cho Pakistan.

Nguy cơ Pakistan bùng nổ một lần nữa lại gia tăng.

Đây là một trở ngại nữa cho “cuộc chiến chống khủng bố” của Hoa Kỳ, vốn coi việc khôi phục dân chủ tại Pakistan là giải pháp thay thế để tránh xa chủ nghĩa quân sự và chủ nghĩa khủng bố - là một phần trong chiến lược của họ tại khu vực này.

Chiến lược của Hoa Kỳ giờ đây đang bị rủi ro nghiêm trọng.

Đòn giáng trước bầu cử

Cái chết của bà Benazir Bhutto xảy ra chỉ chưa đầy hai tuần trước cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào ngày 8 tháng Giêng năm 2008.

Quyết định của bà Bhutto tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử - cho dù có hai cuộc tấn công tự sát nhắm vào đoàn xe của bà ngay sau khi bà trở về Pakistan ngày 18/10 - rõ ràng là một quyết định dũng cảm.

Tuy nhiên, chiến dịch của bà Bhutto có lẽ đã đánh giá thấp quyết tâm của những kẻ muốn át sát bà.

Bản thân bà Bhutto lên án những kẻ Hồi giáo cực đoan đã thực hiện vụ tấn công đầu tiên.

Khả năng gây tổn thất với chiến lược tàn bạo của các dân quân một lần nữa lại được chứng minh.

Câu hỏi về Afghanistan

Cho tới trước vụ ám sát, mục tiêu lên kế hoạch tạo ra một nhà nước Pakistan ổn định vẫn được coi là theo đúng tiến độ.

Tổng thống Pervez Musharraf đã cho phép cả bà Bhutto lẫn một cựu Thủ tướng khác là ông Nawaz Sharif được trở về, và bản thân ông Musharraf đã từ chức lãnh đạo quân đội và giờ đây được coi như một Tổng thống dân sự.

Ông Musharraf đã ấn định ngày bầu cử Quốc hội và bỏ đi tình trạng khẩn cấp tại Pakistan.

Bà Bhutto là lãnh đạo có sức cuốn hút và được
hi vọng sẽ góp phần mang lại sự ổn định cho Pakistan

Người ta đã hi vọng rằng đời sống chính trị sẽ được tái tục và cuộc đối đầu giữa quân đội với các dân quân Hồi giáo rồi sẽ giảm bớt đi.

Việc chấm dứt cuộc xung đột này là hết sức quan trọng không chỉ cho sự ổn định trong tương lai của Pakistan mà còn cho tương lai của Afhghanistan nữa.

Chính từ Pakistan mà các dân quân Taleban mới có khả năng thực hiện cuộc chiến của họ chống chính phủ Afghanistan và các đồng minh Nato.

Nếu Tổng thống Musharraf và quân đội Pakistan quyết định rằng cách tiếp cận theo lối dân chủ thế này là không khả dĩ thì họ có thể từ bỏ và quân đội sẽ lại thiết lập chế độ quân quản, vốn xảy ra rất thường xuyên tại Pakistan trước đây.

Nói như thế cũng không có nghĩa là bà Bhutto được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho mọi vấn đề của Pakistan. Khi còn tại vị, bà Bhutto bị một số người cho là có tính áp đảo và đôi khi còn là nhân vật gây chia rẽ.

Tuy nhiên, bà là một lãnh đạo có sức cuốn hút trong giai đoạn quan trọng hiện nay, và bà có khả năng mang lại cho Pakistan những biện pháp để thay đổi cách thức của họ lâu nay.

Theo Paul Reynolds (BBC)