itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Khủng hoảng chính trị tại Serbia, lỗi tại ai?

Khủng hoảng chính trị tại Serbia, lỗi tại ai?

Tổng thống Serbia, Boris Tadic, đã chính thức giải tán quốc hội hôm 13/3 và kêu gọi bầu cử vào ngày 11/5. Câu hỏi đặt ra là ai là người có lỗi trong cuộc khủng hoảng chính trị mới này?

Thủ tướng Vojislav Kostunica đã thuyết phục nội các nước này từ chức sau khi có sự chia rẽ nội bộ về sự độc lập của Kosovo và tương lai gia nhập EU của Serbia.

Ông Kostunica khăng khăng đòi cắt đứt quan hệ với các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo. Tuy nhiên, các bộ trưởng thuộc đảng Dân chủ do ông Tadic đứng đầu gợi ý rằng nên giải quyết hai vấn đề này một cách riêng biệt. Họ đã kêu gọi quốc hội bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Serbia và tiếp tục các cuộc đàm phán với EU. Kết quả là chính phủ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới. Serbia sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử thứ ba trong chưa đầy 2 năm qua.
Một chi cụt không thể mọc lại. Tuy nhiên, khi pháp sư cố gắng thuyết phục rằng ông ta có phép màu làm việc đó, ông ta tìm thấy một nhóm người sẵn sàng ủng hộ. Ông Kostunica đang trong hoàn cảnh giống như pháp sư này: sau khi Kosovo bị cắt rời khỏi Serbia, ông đang cố nói với thế giới không công nhận sự thật này.
Trong khi đó, những người phản đối Thủ tướng Kostunica đang so sánh ông với cố Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic - người mà ông Kostunica thế chân sau cuộc cách mạng tháng 10/2000. Ông Milosevic thường nói rằng Kosovo quan trọng hơn cả chiếc đầu của chính ông. Sự nghiệp của ông được thúc đẩy bởi tuyên bố rằng Kosovo là trái tim của Serbia. Để giữ Kosovo, ông đã bãi bỏ quyền tự trị của tỉnh này và thiết lập sự quản lý trực tiếp của Belgrade tại đó. Vào thời điểm đó, các lực lượng an ninh của Kosovo chủ yếu là người Serbia.

Để trả đũa, người Albania đã lập nên một chính phủ song hành và tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống của riêng họ - và tất nhiên các cơ quan này không được Belgrade công nhận. Kết quả là Kosovo bắt đầu nhận được viện trợ tài chính từ nước ngoài và vũ khí từ Albania. Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) bất hợp pháp được thành lập vào cuối những năm 1990. Cả cảnh sát Serbia và dân thường Serbia bị giết trong các cuộc xung đột với những chiến binh của KLA. Phản ứng của Belgrade đã làm phương Tây tức giận và dẫn tới việc Nato không kích Serbia năm 1999.

Ông Milosevic đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Serbia một cách hợp pháp song ông không đủ linh hoạt để đưa ra những nhượng bộ và coi thỏa hiệp là một điểm yếu. Vào lúc đó, ông không còn có thực quyền hoặc các đồng minh. Ông muốn dựa vào Mỹ song đối với Mỹ ông vẫn là nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu. Ông đã cố giành sự ủng hộ của Moscow song Nga không muốn tranh cãi với phương Tây về Milosevic. Kết quả là ông Milosevic rơi vào thế đơn thương độc mã.

Ông Kostunica nằm trong số những người Serbia không chịu thỏa hiệp giống như ông Milosevic. Trong tám năm qua, ông đã nắm giữ các chức vụ hàng đầu ở Liên bang Nam Tư cũ và Serbia ngày nay. Tuy nhiên, ngoại trừ việc lên tiếng quyết không nhượng bộ Kosovo, ông chả làm gì khác để giữ tỉnh này trong Serbia.

Trong nhiều năm qua, các thành viên của dòng họ giàu có nhất Serbia - anh em nhà Karic - đã cố thuyết phục nhà chức trách Serbia rằng chỉ có mối liên hệ gần gũi về kinh tế và các liên doanh Albania-Serbia mới có thể lấp được khoảng cách giữa Belgrade và Pristina.

Trong năm 2002, Bogoljub Karic đã tiến hành một nhiệm vụ bất khả thi. Ông tổ chức một cuộc gặp giữa các thương nhân Serbia và Albania. Cuộc gặp này đã thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa hai bên phát triển mạnh mẽ, đảm bảo quyền tự do di chuyển của người Serbia ở Kosovo và cho phép Belgrade, Pristina tiến hành các cuộc đàm phán chung về gia nhập EU.

Tuy nhiên, mùa đông năm ngoái, Belgrade đã kêu gọi người Serbia tẩy chay các cuộc bầu cử quốc hội ở Kosovo bất chấp sự thật rằng khoảng 400.000 người Serbia, với quyền bỏ phiếu, sống ở Kosovo hoặc có quyền tị nạn ở Serbia. Khoảng 700.000 người Albania đã tham gia vào cuộc tổng tuyển cử này và đảng của Tổng thống Hacim Taci đã giành được 280.000 phiếu bầu. Rõ ràng là người Serbia có thể đã có một nhóm mạnh trong quốc hội Kosovo và có tiếng nói không kém gì người Albania trong việc quyết định số phận của tỉnh này nếu họ tham gia bỏ phiếu. Thật không may là người Serbia ở Kosovo đã đánh mất cơ hội quý giá đó.

Thủ tướng Kostunica và lãnh đạo Tomislav Nikolic của đảng Cấp tiến Serbia thích tổ chức các cuộc mít tinh hơn và hô vang câu thần chú của họ - ’’Chúng ta sẽ không để mất Kosovo’’. Người Serbia đã tin họ và suýt nữa thì bầu ông Nikolic làm tổng thống.

Tổng thống Tadic và Ngoại trưởng Vuk Jeremic cũng đang nói rằng họ không chấp nhận sự độc lập của Kosovo. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đó chỉ là sự an dân mà thôi vì nếu không các cử tri sẽ quay lưng lại với chính phủ.

Tuy nhiên, sự thật là từ lâu Serbia đã không còn cơ hội thuyết phục người Kosovo về tương lai của một cuộc sống chung tốt đẹp. Nền kinh tế của Serbia đã bị Nato hủy hoại, không có tiềm lực để trợ giúp tài chính cho người Albania ở Kosovo. Ngay cả cộng đồng người Serbia thiểu số ở Kosovo cũng sống rất đạm bạc và không thể rời các trại tị nạn để trở về nhà. Belgrade không thể đưa ra bất kỳ một trợ giúp xã hội nào cho người Kosovo hoặc tài trợ cho các chương trình giáo dục hoặc y tế. Lính gìn giữ hòa bình Nato vẫn đảm nhiệm về quốc phòng của Kosovo.

Trong lúc này, EU vẫn đang nhử Serbia - công nhận độc lập của Kosovo, dẫn độ các tội phạm quân đội tới tòa án Hague và Serbia sẽ nhận được phần thưởng. Đây là chính sách của EU trong 9 năm qua. Đây là cách xã hội Serbia phải trả giá cho các sai lầm của các nhà lãnh đạo nước này.
Các cuộc bầu cử sớm vào tháng 5 có thể thay đổi tình hình này như thế nào? Mọi người mệt mỏi với ông Kostunica bướng bỉnh, người chẳng thể đạt được bất kỳ điều gì. Chắc ông không còn là thủ tướng. Chiến thắng của đảng Cấp tiến sẽ làm EU xa lánh Belgrade và khi đó những người ủng hộ sự hợp nhất của Serbia vào châu Âu sẽ chẳng có tương lai nào trong những năm tới. Trong trường hợp ngược lại, phương Tây sẽ trợ giúp kinh tế thực sự cho Belgrade. Dù gì đi nữa thì tương lai của Serbia vẫn gắn chặt với châu Âu.

Theo Minh Sơn / VietNamNet