itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Năm 2007, năm đột phá của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Kim

Jong Il và Tổng thống Roh Moo-hyun.

Ðánh giá tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong năm 2007, các nhà phân tích chính trị Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhấn mạnh tiến trình này đã đạt được bước đột phá.

Năm 2007, những diễn biến mới quan trọng trên bán đảo Triều Tiên xứng đáng được coi là một trong những điểm sáng trong bức tranh đa sắc mầu của tình hình thế giới vẫn nhiều khủng hoảng, xung đột, nghèo đói...

Cách đây một năm, khi dự báo về năm 2007, các nhà quan sát chính trị đã không giấu được những dự đoán lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và những bất đồng gay gắt giữa Washington và Bình Nhưỡng tại các vòng đàm phán hạt nhân sáu bên. Thế nhưng hiện nay, những chuyến công du con thoi của các quan chức ngoại giao, quân sự của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga để bàn cách giải quyết những vụ thử tên lửa và vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã mang mầu sắc lạc quan hơn cùng với những cái bắt tay tự nguyện và đầy thiện chí.

Ðánh giá tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong năm 2007, các nhà phân tích chính trị Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhấn mạnh tiến trình này đã đạt được bước đột phá. Ðó chính là thái độ tôn trọng quyền hợp tác, phát triển cùng có lợi của Bình Nhưỡng. Các nước tham dự đàm phán sáu bên ở Bắc Kinh đã lần lượt ký tuyên bố chung ngày 13-2, tuyên bố chung ngày 3-10 và đều đã thực hiện biện pháp cụ thể theo nghĩa vụ đã cam kết. Triều Tiên đã chấm dứt hoạt động và niêm phong lò phản ứng hạt nhân chủ chốt Yong Byon và từng bước nới rộng việc gỡ bỏ các cơ sở hạt nhân của mình. Công việc chuyển 8.000 thanh nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân có công suất 5 MW ở Yong Byon đến các hồ nước gần đó đã được dự kiến hoàn tất trong vòng 100 ngày. Với tốc độ tháo dỡ trên, nhiều khả năng Triều Tiên không thể hoàn thành công việc giải giáp trước thời hạn đã cam kết (cuối năm 2007).

Mặc dù vậy, ngày 5-12, Trưởng đoàn Mỹ tham gia đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Ch.Hill đã bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến công tác mới nhất tại CHDCND Triều Tiên. Ông Hill cho biết ông "đã có các cuộc thảo luận rất tốt đẹp với các quan chức Triều Tiên" và "các hoạt động vô hiệu hóa cơ sở hạt nhân tại Triều Tiên đang diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch". Ông Hill coi vấn đề tiến độ chỉ là "vấn đề kỹ thuật" và không lo ngại về việc khó đạt được thời hạn chót.

Quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên đã phần nào được cải thiện, Mỹ thực hiện cam kết về khởi động trình tự đưa Triều Tiên khỏi danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố cũng như thúc đẩy tiến trình chấm dứt "Luật thương mại nước thù địch" đối với Triều Tiên.

Mới đây, lãnh đạo hai bên còn trao đổi thư tín với nhau. Những chuyến đi tới Bình Nhưỡng tấp nập trong thời gian gần đây của các đoàn thanh sát của LHQ và Cơ quan nguyên tử quốc tế (IAEA) được coi là những bằng chứng rõ nét nhất cho thấy đây vẫn là tiêu điểm nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Mặc dù vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa đi đến hồi kết, song với nỗ lực thúc đẩy hợp tác thông qua đối thoại của Nga và Trung Quốc, cùng với dấu hiệu ấm dần trong quan hệ giữa Nhật Bản - Triều Tiên, hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân không phải vượt quá tầm tay.

Triều Tiên đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao với nỗ lực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong cộng đồng quốc tế. Kể từ đầu năm 2007 đến nay, Triều Tiên đã khôi phục hoặc thiết lập quan hệ với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong hợp tác kinh tế. Các hoạt động ngoại giao của Bình Nhưỡng được tăng cường trong bối cảnh vấn đề hạt nhân đang được giải quyết và có nhiều triển vọng thiết lập quan hệ với Mỹ.

Mới đây, Triều Tiên đã khôi phục quan hệ ngoại giao với Myanmar và Nicaragua, đồng thời thiết lập quan hệ với Montenegro, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Swaziland, Cộng hòa Dominicana và Guatemala. Ðoàn đại biểu kinh tế của Chính phủ Mông Cổ và đoàn tìm hiểu đầu tư của Singapore cũng đã tới thăm Triều Tiên. Ðầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã tham gia Hội chợ hàng hóa quốc tế Bình Nhưỡng.

Triều Tiên đã khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác và giao lưu với tất cả các nước tại các ủy ban kinh tế và tài chính của Ðại hội đồng LHQ. Khôi phục kinh tế đang là mục tiêu chính sách mới của Triều Tiên, trong đó, Bình Nhưỡng rất quan tâm tới hợp tác kinh tế và có thể sẽ áp dụng mô hình đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Trong cuộc gặp Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nông Ðức Mạnh ở Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam sau 20 năm đổi mới và nhận lời mời sang thăm Việt Nam.

Năm 2007 đã chứng kiến bước chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên khi lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Tổng thống của Hàn Quốc chọn đường bộ làm cầu nối cho cuộc hội đàm song phương cấp cao.

Tổng thống Roh Moo-hyun bước qua lằn ranh chia cách chỉ trong phút chốc nhưng trên thực tế đó là hơn 50 năm cách trở giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc gặp cấp cao liên Triều lần này là bước cụ thể hóa những tín hiệu cải thiện quan hệ hai miền trong những năm gần đây. Quan hệ thương mại giữa hai bên có bước phát triển vượt bậc.

Mặc dù vẫn tồn tại một số khúc mắc về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, theo ước tính của các chuyên gia, năm 2007 kim ngạch thương mại liên Triều sẽ vượt ngưỡng 1,7 tỷ USD, gấp bốn lần so với năm 2000 khi cuộc gặp cấp cao liên Triều lần thứ nhất được tổ chức. Nhiều chuyến hàng viện trợ trị giá hàng trăm triệu USD từ Hàn Quốc đang hối hả cập cảng Triều Tiên. Các gia đình bị ly tán hồi chiến tranh đã, đang tiếp tục được gặp gỡ. Và, mới đây, tuyến đường sắt vận tải liên Triều chính thức đi vào vận hành... đang mở ra một giai đoạn hòa dịu và hợp tác trên bán đảo Triều Tiên.

Xét về lâu dài, việc thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là xu hướng lịch sử song tiến trình này không phải là luôn luôn diễn biến thuận lợi. Chính vì vậy, có thể khẳng định những thành tựu đạt được năm 2007 trên bán đảo Triều Tiên là bước đột phá tích cực, góp phần xây dựng và củng cố xu thế hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.

Theo Hoàng Liên (Nhân dân)