itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Pháp: vì sao cánh tả thất bại?

Pháp: vì sao cánh tả thất bại?

Xe bị đốt trong đêm bầu cử

Tại sao cánh hữu cứ liên tiếp được đa số dân chúng tin cậy trong khi cánh tả cứ thua? 83,77% tổng số cử tri đã tự nguyện tham gia bỏ phiếu ở vòng hai. Đây là một khác biệt lớn so với năm 2002 là 79,71% và năm 1995 là 79,7%.

“Trận chung kết” năm nay đã thu hút được “khán giả đến sân trở lại”, gần bằng các “kỷ lục” năm 1988 giữa ông Mitterrand và ông Chirac (84,1% cử tri tham gia); năm 1981 giữa ông Mitterrand và ông Giscard d'Estaing (87,3%).

Lá phiếu = Tiếng nói

Nhiều nhà bình luận Pháp giải thích năm nay cử tri Pháp bỏ phiếu đông đảo là do “ý thức công dân cao”. Nghĩa là họ thật sự muốn bày tỏ tiếng nói của họ qua lá phiếu. Người Pháp có một danh từ rất chính xác để chỉ lá phiếu của cử tri: voix (từ nguyên vox) nghĩa là “tiếng nói”. Mỗi lá phiếu của mỗi cử tri chính là tiếng nói của người ấy, bằng không lá phiếu sẽ chỉ là tờ giấy được gọi là phiếu bầu (bulletin de vote) vô tri, vô giác. Lá phiếu là “tiếng nói của người dân” (vox populi). Vậy thì qua các cuộc bầu cử trước, người dân Pháp muốn nói lên điều gì?

Năm 1981, người bình dân, vốn luôn là đa số, quá chán ngán với mấy đời tổng thống cánh hữu cứ lo phục vụ lợi ích nhà giàu và họ hi vọng “đổi đời” với đại diện cánh tả là ông Mitterrand, cuối cùng ông này đã thắng vì những gì ông hứa “cùng tần số” với ước nguyện của họ. Năm 1988, ông Miterrand tiếp tục thắng vì đa số cử tri vẫn còn đang tận hưởng các lợi ích của chính sách cánh tả phục vụ lợi ích giới bình dân.

Đến năm 1995, cử tri cánh hữu lại “vùng dậy”, ông Miterrand “qui tiên”, ông Chirac và cánh hữu thắng vì nền kinh tế Pháp đang suy thoái đòi hỏi phải vực dậy bằng cách kích thích giới chủ nhân. Năm 2002, khi xã hội Pháp đã quá ư là bất ổn, đa số cử tri, khi bỏ phiếu cho cả hai ông Chirac và Le Pen cực hữu cùng vào vòng hai, muốn nói lên ước mong của họ là một nhà nước mạnh, bảo vệ được họ.

Thế còn năm nay?

Thử xét qua một vài “con số biết nói”: 730 chiếc xe hơi tư nhân đã bị đốt trong đêm chủ nhật bầu cử 6-5-2007. Đây vẫn chưa phải là con số cao nhất: trong cuộc khủng hoảng ngoại ô năm 2005, đêm 6-11 đã có đến 1.408 xe bị đốt, đêm 5-11 trước đó là 1.295 xe, đêm 7-11 sau đó 1.173.

Trong tháng tư vừa qua, số “xe hơi bị phá và làm hư hại” (từ ngữ của Bộ Nội vụ Pháp) là 18.432 chiếc, tính ra bình quân mỗi ngày đêm có đến 614 xe bị đốt. Trong một năm qua, tính từ tháng 5-2006 đến tháng 4-2007, tổng số xe bị đốt là 234.960 chiếc, bình quân mỗi ngày đêm là 643 chiếc!

Bảng tổng kết tình hình tội phạm ở Pháp một năm qua, từ tháng 5-2006 đến tháng 4-2007, của Bộ Nội vụ Pháp cho thấy có đến 107 nhóm tội ác khác nhau, nổi bật nhất sau nạn đốt xe là:

- Trộm xe: 152.835 chiếc xe hơi (tư nhân) và 86.571 xe gắn máy bị đánh cắp.

- Ăn trộm nhà tư nhân: 203.319 vụ.

- Ăn trộm thường dân giữa nơi công cộng: 343.388 vụ.

- Đánh đập cố ý gây thương tích: 170.340 vụ.

- Ăn trộm bạo lực phụ nữ giữa chốn công cộng (xe điện ngầm, phố vắng...): 47.835 vụ.

- Phá hoại tài sản tư nhân: 154.277 vụ.

- Buôn bán ma túy: 5.587 vụ.

- Thanh toán giữa các băng đảng: 72 vụ.

Có thể thấy “thủ phạm” là những băng nhóm côn đồ thích quậy phá, đánh người cô thế, giựt dọc, ăn cắp hơn là các băng đảng tội ác có tổ chức (chỉ 72 vụ thanh toán cho cả năm và 5.587 vụ mua bán ma túy)... Lý do của sự bất ổn thì có nhiều, song chủ yếu được qui trách cho dân nhập cư lậu từ Bắc Phi, Đông Âu cũ.

Chính tình hình suy đồi an ninh trật tự xã hội đó đã đưa 53,06% cử tri Pháp kỳ vọng vào cựu bộ trưởng nội vụ Sarkozy là sẽ tìm thấy nơi ông một sự bảo vệ trọn vẹn hơn trong chức vụ tổng thống. Bởi thế, trong diễn văn đầu tiên tối chủ nhật, ông Sarkozy nhắc lại lời hứa: “Tôi sẽ khôi phục uy quyền, đạo đức, sự tôn trọng”.

53,06% cử tri Pháp đó còn kỳ vọng được bảo vệ cả trong một châu Âu mở rộng qua phát biểu đầu tiên của ông Sarkozy sau khi đắc cử: “... Đừng bịt tai giả điếc trước sự giận dữ của dân chúng nay đang xem Liên minh châu Âu không phải như là một sự bảo vệ mà là một con ngựa thành Troie với mọi thứ đe dọa...”. Còn bao nhiêu ước nguyện được bảo vệ khác?

Các đảng cánh tả và yêu cầu đổi mới

Tiếc thay Đảng Xã hội Pháp và cánh tả đã không có được sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với đại đa số cử tri nước mình. Hôm sau thất bại của bà Ségolène Royal, cựu bộ trưởng Dominique Strauss Kahn (viết tắt là DSK) dưới trào thủ tướng Lionel Jospin (Đảng Xã hội) đã phân tích nguyên nhân chính của thất bại này là do “chúng ta đã không rõ ràng khi phát biểu với dân chúng, nên dân chúng đã không thể nào đi theo chúng ta.

Chúng ta nói huyên thuyên về hưu bổng song lại không nói rõ ra được muốn làm đến đâu do lẽ chúng ta không dám đi đến tận cùng của vấn đề. Chúng ta nói với dân chúng sẽ bảo hộ kinh tế song lại không nói rõ sẽ làm thế nào. Đảng Xã hội phải biết mình đang ở đâu. Chính vì thế tôi kêu gọi toàn thể cánh tả hãy đổi mới do lẽ cánh tả chúng ta đang xa vời quá”.

Trên blog của mình, tối chủ nhật 6-5 ông DSK tâm sự: “Tối nay, tôi rất buồn cho nước Pháp và cánh tả. Chúng ta đã thua nặng nề. Tại sao vậy? Đó là do chúng ta đã không đổi mới đủ. Chúng ta đã để cho những ảo giác thắng lợi ru ngủ trong khi đồng bào chúng ta không còn muốn có những giải pháp của quá khứ. Họ thấy rõ rằng cánh tả phải đem đến cho họ một cái gì khác những gì mà chúng ta cứ luôn mồm nói. Người theo cánh tả nay đang trách chúng ta đã không có khả năng đưa cánh tả theo kịp với xã hội của ngày hôm nay”.

Jean-Louis Bianco, người phụ trách toàn bộ chiến dịch tranh cử của bà Ségolène Royal, cũng thừa nhận: “Tôi đồng ý với ông DSK rằng điều mà chúng ta đã không làm chính là một sự đổi mới thật sự”.

Quả thật, cánh tả đã tiếp tục thua nặng nề. Ngoài bà Royal của Đảng Xã hội được 25,87% số phiếu ở vòng một, các ứng cử viên cánh tả khác như Arlette Laguiller (cực tả, ra tranh cử từ năm 1974) 1,33%, Marie - George Buffet (Đảng Cộng sản) 1,93%, Olivier Besancenot (cực tả) khá hơn, được 4,08%.

“Ngôi sao trẻ” của cánh tả Pháp Olivier Besancenot đã phê và tự phê trên blog của mình: “Tôi nghĩ rằng Sarkozy thắng nhờ đã công bố được một sự nhất quán. Thay vì thế, cánh tả lại mất thời giờ theo đuôi cánh hữu. Và khi người ta lẫn lộn không biết đâu là cánh tả, đâu là cánh hữu, thì cánh hữu luôn luôn thắng”.

Danh Đức