itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Tranh cãi về khí thải nhà kính

Tranh cãi về khí thải nhà kính

Giáo sư Richard Somerville là một

trong 200 khoa học gia ký vào tuyên bố

chung kêu gọi có thêm cố gắng để

giảm khí ấm toàn cầu

Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Bali đã bước sang ngày thứ tư với tất cả các nhóm chuẩn bị cho các cuộc đàm phán bắt đầu bắt tay vào việc.

Hoa Kỳ đang chịu nhiều sức ép sau khi Úc ủng hộ chỉ tiêu cắt giảm khí nhà kính từ 25-40% đối với các nước phát triển từ nay đến năm 2020.

Nhưng hôm nay cộng đồng khoa học đưa ra một tuyên bố chung với chữ ký của hơn 200 khoa học gia hàng đầu trên thế giới cảnh báo rằng các nước cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm khí nhà kính.

Đưa ra bản tuyên bố chung hôm nay tại hội nghị, các nhà khoa học nói cần phải hành động ngay tức thời để cắt giảm khí nhà kính và chúng ta chỉ có từ 10-15 năm để làm chuyện đó.

Các nhà khoa học kêu gọi chỉ tiêu cắt giảm phải đạt được ít nhất 50% trong khoảng từ nay đến năm 2050. Các nhà khoa học cảnh báo nếu không hành động ngay bây giờ, nhiều triệu người trên thế giới sẽ bị nguy hiểm vì các đợt nóng, hạn hán, lũ lụt và bão.

Mực nước biển dâng đe dọa các thành phố và khu vực ven biển, nhiều hệ sinh thái và loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Mục tiêu cam go

Một trong các nhà khoa học ký vào bản tuyên bố chung là Giáo sư Richard Somerville, một chuyên gia về khí tượng học thuộc University of California, San Diego.

Giáo sư Richard Somerville nói: "Chúng tôi ủng hộ mọi cố gắng để cắt giảm khí thải nhưng chúng tôi – các nhà khoa học – muốn nói rõ, đây là những vấn đề có thể định lượng được. Ngay cả với Kyoto hiện nay, nếu mọi người ký vào và thực hiện nghiêm túc, chúng ta cũng chỉ giảm được đôi chút mà thôi.

''Chúng ta cần phải cắt giảm nhiều hơn nữa. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng các loại khí thải vẫn đang gia tăng. Tôi đơn cử CO2 trong khoảng từ 1970-2004 đã tăng 80% và vẫn đang tiếp tục tăng".

Các nhà khoa học nói chúng ta đã có kiến thức và công nghệ để làm và thúc giục các nước tại hội nghị hãy đồng ý đưa ra các biện phát tức thời và dứt khoát để cắt giảm khí nhà kính.

Tiến sĩ Harlan Watson nói vẫn còn có
một số bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc
liên quan đến việc giải quyết khí ấm toàn cầu

Nhưng đó chính là mục tiêu cam go tại đây. Các nước đang phát triển muốn các nước công nghiệp phải chịu trách nhiệm nhiều hơn. Các nước công nghiệp thì muốn các nước đang phát triển cũng phải tham gia vào chỉ tiêu định lượng.

Bất đồng quan điểm

Ngay giữa các nước công nghiệp cũng có những bất đồng. Nhật Bản muốn đàm phán cho một giải pháp lâu dài hơn. Nga muốn có chỉ tiêu hợp lý cho các nước đang phát triển. Trung Quốc thì chưa muốn đàm phán cho mục tiêu lâu dài.

Cho đến nay Washington vẫn không muốn các nước công nghiệp phải cam kết các chỉ tiêu bắt buộc. Nhưng Trưởng đoàn Hoa Kỳ tại Bali, tiến sĩ Harlan Watson nói cả hai đề nghị của Nga và Trung Quốc đều có ích cho đàm phán.

Tiến sĩ Harlan Watson nói: "Theo tôi hiểu, quan điểm của Trung Quốc, mà tôi nghĩ nhiều nước cũng đồng ý, là họ muốn các nhóm làm việc trong công ước nên tiếp tục. Về cái tôi gọi tắt là lộ trình Bali, họ muốn công ước khung cần được củng cố thêm nữa. Chúng tôi đã xem xét vài điểm và thấy có ích".

"Chúng tôi nghĩ có những điểm tương đồng ở đây mặc dù có thể có một số bất đồng khi đi vào chi tiết. Nhưng chúng tôi trông đợi có thể làm việc chung với Trung Quốc trong vấn đề này".

Các nước như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và đa số các nước đang phát triển khác muốn những nước công nghiệp phải cắt giảm khí nhà kính nhiều hơn, cũng như duy trì mô hình Kyoto.

Úc vừa mới lên tiếng ủng hộ chỉ tiêu cắt giảm trong khoảng 25-40% đối với các nước phát triển từ nay đến 2020. Vậy là Hoa Kỳ mất một trong không nhiều các đồng minh tại đây.

Thủ tướng Úc, Kevin Rudd, hứa với Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc là ông sẽ tìm cách làm trung gian cho Bắc Kinh với các nước công nghiệp trong các đàm phán về cắt giảm khí nhà kính.

Theo Quốc Vinh (BBC)