itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược

Trung Quốc + Ấn Độ = đối tác chiến lược

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh

và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

(Ảnh Chinadaily)

Trong các cuộc hội đàm tuần này tại Bắc Kinh, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hy vọng sẽ tuyên bố một giai đoạn mới trong quan hệ song phương.

Ngày nay, cả hai nước đều nhận thức sâu sắc vị trí đang thay đổi của chính họ trong trật tự quyền lực toàn cầu. Lòng tin của cả hai chính phủ đã bắt đầu mang tới một cam kết mới, hứa hẹn vượt qua sự chú trọng truyền thống vào những vấn đề song phương gây tranh cãi.

Mặc dù phần lớn thế giới đã trở nên sôi động nhờ sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự nổi lên của Ấn Độ cũng như tác động tiềm ẩn của hai nước đối với thế giới - từ vấn đề nóng lên toàn cầu cho tới sự cân bằng quyền lực ở châu Á, Bắc Kinh và New Delhi đã phải hứng chịu gánh nặng từ khuôn khổ hợp tác song phương hẹp trong một thời gian dài.

Chắc chắn, ý tưởng "Trung - Ấn" (’Chindia’) đang làm náo động thế giới, được đề xuất cách đây vài năm ở New Delhi. Về phần mình, trong những năm gần đây, Trung Quốc nhiều lần tái khẳng định mong muốn xây dựng tình hữu nghị chân thành với Ấn Độ.

Bất chấp nguyện vọng về mối quan hệ đối tác chiến lược, sự nghi ngờ lẫn nhau về Tây Tạng, một tranh chấp lãnh thổ khó giải quyết và sự khác biệt quan điểm về Pakistan nằm trong số những vấn đề đang hạn chế phạm vi quan hệ Trung - Ấn trong quá khứ.

Chỉ cho tới hiện tại, với sự thừa nhận miễn cưỡng về sự trỗi dậy của mỗi bên, Trung Quốc và Ấn Độ mới bắt đầu khảo sát chương trình nghị sự mở rộng hơn về hợp tác trong khu vực và quốc tế.

Cho tới gần đây, Trung Quốc từng coi Ấn Độ chỉ đơn thuần là một cường quốc trong khu vực, trong phạm vi một tiểu lục địa. Tồi tệ hơn, giới cầm quyền Trung Quốc còn bị thuyết phục rằng Ấn Độ, với sự hỗn loạn trong nước, sẽ không bao giờ đi đến thống nhất về hành động.

Thay đổi quan niệm

Hơn một thập niên qua, Ấn Độ đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên theo nhiều cách. Ấn Độ không chỉ thách thức hệ thống quốc tế bằng cách tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 5/1998 mà còn đàm phán gia nhập câu lạc bộ hạt nhân thành công thông qua việc nuôi dưỡng mối quan hệ đặc biệt với chính quyền Bush. Tỉ lệ tăng trưởng cao chưa từng có ở Ấn Độ trong những năm gần đây cũng cho Bắc Kinh thấy rõ rằng động lực kinh tế đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ là hiện hữu và hợp logic.

Tài ngoại giao nước lớn thành công của New Delhi, kể cả việc nối lại quan hệ hữu nghị với Washington và Tokyo, khiến Bắc Kinh nhận thức được khả năng Ấn Độ có thể thu hẹp "đất diễn" của Trung Quốc. Khi Ấn Độ tránh xa khỏi người anh em đang xuống dốc Pakistan, chính sách truyền thống của Trung Quốc về việc cân bằng Ấn Độ trong phạm vi tiểu lục địa không thể tiếp tục tồn tại.

Về phần mình, Ấn Độ cũng vững chắc tiến tới những giai đoạn gắn kết chặt chẽ với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngành công nghiệp của Ấn Độ, vốn ban đầu e ngại sự cạnh tranh từ Bắc Kinh, hiện xem Trung Quốc như một tiềm năng kinh tế lớn. Thương mại giữa hai nước đã tăng khoảng một trăm lần, từ con số 300 triệu USD ít ỏi một thập niên trước lên gần 38 tỉ USD năm 2007. Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc hiện dự kiến sẽ đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn cho thương mại song phương.

Trước đây, Ấn Độ từng e ngại những mối ràng buộc giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn. Nhưng nước này hiện đã thích ứng với sự lớn mạnh chắc chắn của Bắc Kinh trong và quanh tiểu lục địa. Đối với giới hoạch định chiến lược của Ấn Độ, câu trả lời không chỉ nằm ở sự tranh chấp tái diễn mà còn trong sự cạnh tranh về những chính sách kinh tế tương lai đối với các nước láng giềng.

Trong lúc tiềm năng kinh tế và quân sự đang lên, Ấn Độ hiện tự tin hơn về việc gia tăng thanh thế tại những nơi từng được coi là sân sau của Trung Quốc như Đông Á và Đông Nam Á.

Quan hệ đối tác chiến lược

Căn cứ vào gánh nặng của quá khứ, ông Singh và ông Hồ chắc chắn sẽ tập trung chú ý vào chương trình nghị sự cũ. Trong tuyên bố chung của họ, hai bên nhiều khả năng sẽ xem xét lại những tiến triển cho tới hiện tại về tranh chấp lãnh thổ và tái khẳng định cam kết chính trị về một giải pháp sớm.

Nhờ đường biên giới ổn định và luồng gió mới trong quan hệ song phương, hai lãnh đạo dự kiến sẽ tập trung vào việc xây dựng hợp tác, hướng tới một chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu rộng lớn hơn.

Một yếu tố trong mối quan hệ chiến lược Trung - Ấn được cho là sự tái trấn an lẫn nhau rằng họ sẽ không tạo nên nguy hiểm an ninh cho phía bên kia. Trước chuyến công du 3 ngày tới Bắc Kinh, Tiến sĩ Singh một lần nữa khẳng định rằng Ấn Độ sẽ không gia nhập bất kỳ liên minh nào nhằm kiềm chế Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh đã thừa nhận ra nguy cơ từ việc đẩy Ấn Độ về phía Mỹ và tầm quan trọng của việc khuyến khích New Delhi có quan điểm ít căng thẳng hơn về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thứ hai, Ấn Độ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh tới lợi ích chung trong sự ổn định của khu vực tại những tiểu vùng khác nhau của châu Á. Viễn cảnh về việc một nhà nước sụp đổ ở Pakistan sẽ tác động đến tình hình an ninh của đất nước họ, dường như sẽ tạo động lực để ông Singh và ông Hồ trao đổi quan điểm về khủng hoảng cơ cấu sâu rộng tại quốc gia láng giềng phía tây rất quan trọng của Ấn Độ. Dù còn quá sớm để bàn về sự hợp tác Trung - Ấn trong việc ổn định tình hình Pakistan, quan hệ đã được cải thiện đáng kể giữa New Delhi và Islamabad bắt đầu làm tam giác truyền thống Ấn Độ - Trung Quốc - Pakistan trở nên năng động hơn.

Vượt ra ngoài tiểu lục địa, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải nỗ lực hòa hợp các quan điểm của họ tại các khu vực Trung Á, Đông Nam Á và Đông Á. Tấ cả những dấu hiệu đều chỉ ra rằng ở cả hai chính phủ hiện đang tồn tại quyết tâm chính trị mới nhằm khởi động một cuộc đối thoại nghiêm túc về các nước láng giềng chung.

Thứ ba, khi lợi ích quốc gia của họ đã hướng ra toàn cầu, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu chạm trán nhau ở những khu vực khác nhau trên thế giới. Tiến sĩ Singh và ông Hồ hiện nhận ra tầm quan trọng của việc hạn chế đến mức tối thiểu khả năng xảy ra xung đột trong tương lai và gia tăng tối đa triển vọng hợp tác lớn hơn về hàng loạt lĩnh vực, từ các cuộc hội đàm thương mại toàn cầu tới chủ nghĩa khủng bố quốc tế, từ sự phát triển của châu Phi tới an ninh năng lượng.

Khi hai lãnh đạo bắt đầu bàn luận về một chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu có ý nghĩa hơn, những người theo chủ nghĩa hoài nghi khắp thế giới sẽ tìm kiếm bất kỳ động thái nào về một vấn đề có thể che phủ tương lai của mối quan hệ Trung - Ấn - sự không rõ ràng của Trung Quốc về thỏa thuận hạt nhân giữa Ấn Độ và Mỹ.

Trong chuyến viếng thăm của ông Singh lần này, một dấu hiệu dứt khoát từ giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ không phản đối việc áp dụng sáng kiến hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn và thậm chí có thể sẵn sàng tiến tới hợp tác năng lượng nguyên tử với Ấn Độ, có thể thay đổi căn bản những nghi ngại hiện hữu về Trung Quốc và mở đường cho mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa hai cường quốc châu Á.

Thanh Bình/ VietNamNet (Theo Straits Times)