itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / VN nhấn mạnh đến Công ước Luật biển

VN nhấn mạnh đến Công ước Luật biển

Việt Nam nhấn mạnh đến Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc trong bước đi ngoại giao đáp lại các động thái của Trung Quốc về Biển Đông.

Theo Thông tấn xã Việt Nam hôm nay 11.12, Đại sứ Hoàng Chí Trung của Việt Nam phát biểu hôm qua tại diễn đàn LHQ ở New York rằng:

"Việt Nam ủng hộ việc trao đổi quan điểm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác theo các điều khoản của Công ước 1982".

Vẫn theo lời ông Trung, Phó Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, được trích dẫn thì căn cứ vào tinh thần của Công ước này, "Việt Nam đã cùng Trung Quốc và các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông".

Những phát biểu này được đưa ra cùng thời gian có các cuộc biểu tình của thanh niên ở Hà Nội và TPHCM phản đối việc Trung Quốc lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý các quần đảo mà Việt Nam và một số nước khác nữa cũng nêu chủ quyền.

Hôm 11.12, Trung Quốc tuyên bố rằng các cuộc biểu tình ở Việt Nam cuối tuần qua làm tổn hại quan hệ Việt - Trung.

Trong một cách giải thích khác với 'tình hữu nghị' chung chung như trước, phía Việt Nam đã đặt vấn đề về "vai trò của biển và đại dương đối với sự tồn tại của các quốc gia có biển,"

Vẫn Đại sứ Hoàng Chí Trung được trích dẫn đã nói "đại dương và biển đang ngày càng có ý nghĩa sống còn đối với sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của các quốc gia."

Cần một trật tự chung

Sự thay đổi trong cách nói này còn thấy trên báo chí Việt Nam, đặc biệt là sau khi Chiến lược Biển được thảo luận ở các cấp cao trong Đảng Cộng sản và nhà nước từ một thời gian trước.

Chẳng hạn như báo Tuổi Trẻ 8.12 có bài phân tích bối cảnh chính trị-quân sự trong vùng biển Đông Nam Á và sức mạnh của Trung Quốc.

Bài của tác giả Hữu Nghị trích quan điểm của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về nhu cầu có một trật tự khu vực:

“Nếu không có luật pháp và trật tự quốc tế, cá lớn sẽ nuốt cá bé, cá bé sẽ nuốt tôm tép, chúng tôi sẽ không tồn tại nổi.”

Còn Đại sứ Hoàng Chí Trung hôm 10.12 thì cho rằng Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) đã "tạo ra trật tự quốc tế trên biển và đại dương, góp phần tăng cường hoà bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia".

Như vậy, một trật tự chung là điều Việt Nam đang hướng tới rất có thể vì các thỏa thuận, đàm phán song phương- vốn là một chiến lược của Trung Quốc- đã không đem lại lợi ích gì cho Việt Nam.

Giới quan sát tại Hà Nội cho BBC hay rằng một "thông lệ" đã xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc là trong lúc, hoặc ngay sau khi có các chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam, phía Trung Quốc liền có các động thái trên biển khiến Việt Nam lo ngại.

Các nhà quan sát Phương Tây cũng nhận định rằng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa được đảng Cộng sản Trung Quốc khơi dậy chỉ nhắm vào Hoa Kỳ và Phương Tây trên mặt trận kinh tế, thì có nguy cơ nhằm ngay vào các nước láng giềng như Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam về mặt an ninh và lãnh thổ.

Theo BBC