itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Dự án Manhattan và nỗi day dứt của một nhà khoa học Mỹ

Dự án Manhattan và nỗi day dứt của một nhà khoa học Mỹ

Nhà khoa học Paul Olum.

Paul Olum nguyên là Hiệu trưởng ÐHTH Oregon, thời trẻ đã tham gia dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử tại Los Alamos. Bài viết trích từ di cảo của ông, ra đời năm 1983 sau cuộc hội họp của các nhà khoa học của Los Alamos, cho biết, ngay từ đầu, ông và các đồng nghiệp đã biết mình đang chế tạo thứ bom có thể phá hủy cả một thành phố, và giết chết hàng trăm ngàn người.

Phòng thí nghiệm Los Alamos mở cửa tháng 4-1943 với nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học cơ bản và kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất bom nguyên tử. Tôi tham gia dự án khi mới 24 tuổi, tốt nghiệp ÐHTH Princeton về toán và vật lý lý thuyết. Cả nhóm chúng tôi hầu hết trong độ tuổi 20, chỉ Robert Oppenheimer, Giám đốc dự án xấp xỉ 40.

Một cộng đồng khoa học khó tin nhất trên thế giới

Los Alamos là vùng biệt lập của bang New Mexico, nằm trên núi, phía bắc Santa Fe. Toàn bộ khu vực được vây kín, có lính gác và kiểm tra an ninh nghiêm ngặt. Chúng tôi thậm chí không được phép kể với bố mẹ, bạn bè nơi chúng tôi sẽ đến. Cha mẹ viết thư cho chúng tôi về địa chỉ ÐHTH Princeton; ở đó có người nhận thư và chuyển đến một địa điểm phù hợp ở Santa Fe, và gửi tiếp cho chúng tôi. Sau này, thư từ cũng được gửi thẳng, song đều bị kiểm duyệt. An ninh nghiêm ngặt nhằm ngăn cản hầu như toàn bộ giao thiệp với thế giới bên ngoài, chỉ trừ thông tin giữa các nhà khoa học. Ngay từ đầu, chúng tôi đã biết mình đang chế tạo thứ bom có thể phá hủy cả một thành phố, và giết chết hàng trăm ngàn người. Chúng tôi họp, thảo luận làm thế nào để tối đa hóa sức mạnh tàn phá hủy diệt của loại vũ khí này mà không biết mình tham gia vào một việc khủng khiếp như thế nào. Chưa bao giờ gọi nó là bom, vì sợ lộ bí mật, chúng tôi thường ám chỉ nó là "máy cải tiến".

Tại đây có một cộng đồng khoa học kỳ lạ nhất, khó tin nhất trên thế giới gồm: Enrico Fermi, Niels Bohr, I.I Rabi, Richard Feynman, Owen Chamberlain, Emilio Segre, Ed Mc Millan - tất cả đều đoạt giải Nobel. Không kể Oppenheimer, Edward Teller, Rudolph Peierls, nhà hóa học nổi tiếng Kistiakowski từ đại học Harvard, Victory Weisskopf, Johnny von Neuman...

Ðể trở thành cộng sự của những bộ óc của thế giới là một trải nghiệm khó tin. Trước khi dự án bắt đầu, chúng tôi chỉ có khoảng 50 người, nhưng con số ngày một gia tăng khi các vấn đề ngày càng phức tạp. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm nghiên cứu: vật lý thực nghiệm, hóa học, vật lý lý thuyết... Trong một nhóm với Victory Weisskopf theo đúng nghĩa một cộng sự của một giáo sư cao cấp, một nhà vật lý tài năng, nhiệt thành, thời gian đầu, việc của tôi là nghĩ ra giải pháp cân bằng tổng thể, dự đoán năng lượng mà quả bom sẽ giải phóng ra...

"Ðó là sự táng tận lương tâm"

Giữa năm 1945, nghiên cứu dần hoàn tất. Quy mô tới hạn của phản ứng hạt nhân đã được xác định và quá trình khó khăn của việc chế tạo bom đã được giải quyết. Ngày 16-7-1945, tại Almogordo bang New Mexico, việc thử bom (có mã là Trinity) đã được thực hiện. Ðó là một quả bom plutonium. Tôi đã nhìn thấy vụ thử từ xa mấy dặm. Vụ nổ làm che phủ kín bầu trời, và dẫu hoạt động về lý thuyết và đang chứng kiến nó từ xa, chúng tôi cũng tức thời sợ rằng tất cả sẽ bị thổi bay. 21 ngày sau đó, ngày 6-8-1945, một quả bom được thả xuống Hiroshima, lần này là bom uranium. Ngày 9-8, một quả bom uranium khác thả xuống Nagasaki.

Tại sao chúng tôi đã tạo ra một thứ vũ khí kinh khủng như vậy? Tất cả chúng tôi đều trẻ tuổi, chân thành, ngây thơ, chắc chắn không muốn giết ai cả. Chúng tôi chỉ không biết rõ, bao nhiêu người có thể chết, có lẽ khoảng 130.000 trong vụ nổ Hiroshima bởi không có gì đáng ngạc nhiên vì sức công phá của quả bom tương đương với 16.000-18.000 tấn TNT... Quả bom ở Nagasaki ở mức độ nào đó còn mạnh hơn.

Tại sao chúng tôi lại cho phép mình làm một việc tàn khốc như vậy, ngồi trong các văn phòng, hội thảo, làm những thí nghiệm, tính toán, từng bước tạo ra điều ghê rợn này? Nếu tôi phải làm lại thì liệu tôi có thể làm không? Liệu giờ đây tôi có cảm thấy đó là điều xấu xa không? Người Ðức lúc đó đang cố gắng sản xuất bom nguyên tử, và chỉ bắt đầu trước chúng tôi hai năm. Chúng tôi biết có thể chúng sẽ có được nó. Nếu chúng có được nó, có thể lắp vào những đầu đạn rốc két có khả năng bắn xuyên lục địa, chúng có thể giành chiến thắng chắc chắn trong cuộc chiến, giành quyền thống trị thế giới.

Nhưng điều đó lại đặt ra một câu hỏi khác. Mùa xuân năm 1945, chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng người Nhật không có bom. Người Nhật ráo riết tập trung mọi hướng để sản xuất một quả bom nhưng không hy vọng. Tại sao chúng tôi lại không dừng lại mọi chuyện và từ bỏ dự án? Chúng tôi không còn cần đến thứ mà chúng tôi vẫn đang vất vả cố đạt được. Tuy nhiên, tôi không biết ai, không ai trong số các nhà khoa học ở Los Alamos, có thể dám chắc về một quyết định như thế. Khi bạn đang tiến gần đến bước cuối cùng thì rất khó dừng lại. Bạn đang chế tạo bom với mục đích quân sự cho một cuộc chiến mà bạn tham dự và cuộc chiến đó vẫn đang tiếp diễn, và bạn không thể kết thúc nửa vời... Người ta có thể tranh cãi rằng, nếu nó không được chế tạo lúc đó thì nó sẽ được chế tạo sau này. Vào tháng 4-1945, về cơ bản, quả bom đã hoàn thành.

Sau thử nghiệm ở Almogordo là Hiroshima. Tại sao không hề có cuộc thử nghiệm nào nữa? Tại sao lại thả nó xuống một thành phố và giết chết dân ở đó? Liệu người Nhật chưa đủ hoảng loạn và họ đã gần như thất bại hay sao? Nhiều nhà khoa học nghĩ rằng, việc thử tiếp là cách đáng ra phải làm và đã ký tên vào kiến nghị cảnh báo một cuộc thả thử ở nơi nào đó cách xa bất cứ một thành phố nào.

Oppenheimer là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc ném quả bom này xuống một thành phố không có dân ở, phải bảo đảm chắc chắn là mục tiêu quân sự.

Tướng G. George Marshall đã nói một cuộc đánh chiếm các hòn đảo Nhật Bản sẽ gây ra tổn thất từ 500.000 đến một triệu người Mỹ, và giới quân sự tin rằng nếu không ném bom thì nhiều người hơn nữa sẽ chết trong một cuộc đánh chiếm. Chúng tôi chỉ có ba quả bom trong mùa hè 1945. Một cho thử nghiệm tại Trinity và hai quả cho Hiroshima và Nagasaki. Tôi còn nghĩ rất lung rằng, ném quả bom xuống Nagasaki ba ngày sau khi ném bom Hiroshima là sự táng tận lương tâm. Người Nhật chắc chắn không có thời gian để hồi phục; không có thời gian để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra ở Hiroshima đang trong hỗn loạn. Không có lý do gì trên trái đất để người Mỹ không thể nói với người Nhật rằng, chúng tôi có nhiều hơn những thứ đang có này và chúng tôi sẽ cho các anh thời hạn hai tuần để đầu hàng...

Mùa đông hạt nhân và mối đe dọa lơ lửng

Ðó là những điều chúng tôi tiếp tục nghĩ về nó 40 năm sau. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi... Ngoài mối đe dọa đó ra, và thậm chí còn căng thẳng hơn, là những nghiên cứu "mùa đông hạt nhân" mới đây. Một nhóm đông đảo các nhà khoa học hàng đầu đã đi tới kết luận rằng, thậm chí một cuộc tấn công hạt nhân hiện đại có thể gây ra một lớp mây khổng lồ trên trái đất che phủ cả mặt trời và tạo ra "một mùa đông hạt nhân" chắc chắn sẽ hủy diệt toàn bộ cuộc sống trên trái đất- từ con người tới động thực vật.

Ðiều này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và Donale Kennedy Hiệu trưởng Ðại học Stanford, một nhà nghiên cứu sinh vật nổi tiếng là một trong những nhà lãnh đạo đã tổ chức một hội nghị chuyên đề lần đầu được công bố kết luận này. Chúng ta phải đối mặt với khả năng hủy diệt loài người, chứ không chỉ là sự hủy diệt giữa hai quốc gia lớn. Phi hạt nhân không có nghĩa là chúng ta chỉ đơn giản loại trừ hạt nhân ở mọi nơi và chấm dứt sản xuất nó mà trước hết phải dừng mọi cuộc thử nghiệm bom hạt nhân, ngừng phát triển các vũ khí mới và sản xuất vũ khí.

Ngày 15-4-1983, là dịp kỷ niệm 40 năm ngày mở cửa phòng thí nghiệm ở Los Alamos, một cuộc hội họp đã được tổ chức. Chỉ có một số người cũ trong những ngày đầu tiên của Dự án Manhattan, khoảng 100 người gì đó được mời quay lại. Chúng tôi đã nói chuyện về sự kiện đó và thấy khó có thể quay lại hội nghị của những người bạn cũ chỉ để kỷ niệm việc chế tạo quả bom sau này đã trở thành bom kinh khủng như ngày nay.

Ðiều tôi làm là gọi một số bạn bè và các nhà khoa học từ những ngày đầu và nói với họ: "Chúng ta không thể quay lại chỉ để kỷ niệm. Chúng ta phải làm điều gì đó". Tôi đã soạn thảo một đệ trình, một tuyên bố của những nhà khoa học từng khởi sự dự án ở Los Alamos kêu gọi kết thúc cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và cam kết song phương Mỹ - Liên Xô với vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tôi đem bản tuyên bố đó đến Los Alamos, nhưng những người phụ trách phòng thí nghiệm thậm chí không để cho tôi phát biểu từ chỗ ghế ngồi, nơi tôi cầm đơn kiến nghị xin chữ ký mọi người. Một số bạn bè và tôi đã chuyền lá đơn thuần túy mang tính cá nhân đó trong cuộc họp và tại lễ tổng kết.

Có 70 người ký, hầu hết là những nhà khoa học hàng đầu từng làm việc ở Los Alamos và cả một số người dự họp nhưng không phải tất cả. Năm người ký tên đã từng đoạt giải Nobel, nhiều người trong số họ là những học giả hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học. Tuy không thể dẫn ra đây toàn bộ bản kiến nghị, song một câu trong đó thôi cũng chỉ ra tâm trạng sâu sắc của chúng tôi:

"Chúng tôi kinh hoàng trước mức độ vũ trang hạt nhân của các quốc gia hiện nay và chúng tôi thực sự khiếp sợ về tương lai của nhân loại".

Song Hà lược dịch - Theo mạng Tin tức lịch sử