itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Những biến cố năm Mão của vị Tổng thống tuổi Tý

Những biến cố năm Mão của vị Tổng thống tuổi Tý

Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ

tuyên thệ nhậm chức Tổng thống và

Phó tổng thống năm 1967.

“Tam Tý vi vương”, Nguyễn Văn Thiệu rất tin tướng và luôn cố tránh những điềm xấu, những ngày tháng xung khắc với lá số tử vi “Tam trùng quý số” của mình. Tuy nhiên, “Giáp Tý kị Ất Mão”, chiến thắng mùa xuân 1975 đã khiến mộng bá vương của Thiệu đổ sụp.

Ngoài việc là người đứng chân lâu nhất trên đỉnh cao quyền lực của Miền Nam trên cương vị một Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu còn được biết đến như một người cực kỳ mê tín. Ông ta sinh vào giờ Tý (nửa đêm) ngày 24/12/1924, tức ngày 28/11 âm lịch, nhằm vào tháng Bính Tý của năm Giáp Tý.

Mạng “Tam Tý” trong phủ đầu rồng

Nguyễn Văn Thiệu quê ở làng Dư Khánh, xã Khánh Hải, quận Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, một vùng cửa biển có cảnh quan khá đẹp của miền Trung. Gia đình Thiệu theo truyền thống Nho học. Ngay từ bé, Thiệu đã tỏ ra là một người đa nghi, thận trọng và chắc chắn trong mọi hành động, dù năng lực, học vấn không lấy gì làm xuất sắc. Học xong lớp 9, Nguyễn Văn Thiệu rời quê vào Sài Gòn học nghề. Pháp chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, hà hơi tiếp sức cho Bảo Đại lập nên cái gọi là Quân đội Quốc gia Việt Nam, Thiệu bèn ghi tên vào học khóa sĩ quan khinh quân đầu tiên và trở thành thiếu úy trong Quân đội Liên hiệp Pháp vào năm 1949.

Đầy tham vọng và quả thật có “quý số”, Nguyễn Văn Thiệu thăng tiến rất nhanh. Năm 1955, khi Pháp rút hoàn toàn khỏi Việt Nam, Quân đội Việt Nam Cộng hòa được thành lập, Nguyễn Văn Thiệu đã đeo lon trung tá, giữ chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt. Không lâu sau đó, ông ta lại được Ngô Đình Diệm thăng hàm đại tá, cất nhắc vào vị trí Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, thay cho Đại tá Woòng A Sáng, một tay chỉ huy thiện chiến nhưng bất trị mà Diệm luôn nghi ngại, tìm cách gạt ra.

Sư đoàn 5 vốn là sư đoàn lính Nùng từ miền Bắc theo chân Pháp vào Nam, nổi tiếng về khả năng chiến đấu và sự lì lợm. Nó cũng là đơn vị nòng cốt để Ngô Đình Diệm lấy quân lập nên những đơn vị đặc biệt khác như dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân. Việc chọn Nguyễn Văn Thiệu để trao gậy Tư lệnh Sư đoàn 5 sau khi đã cơ cấu lại, chứng tỏ Ngô Đình Diệm rất tin cậy và ưu ái đối với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Đáp lại ân sủng, Nguyễn Văn Thiệu đã dự phần... đảo chính dẫn đến cái chết thê thảm của anh em họ Ngô.

Các đơn vị thuộc Sư đoàn 5 chủ yếu đóng ở 3 nơi: Trảng Bom (Đồng Nai), Sông Mao (Bình Thuận) và Bảo Lộc (Lâm Đồng), tất cả đều sát nách Sài Gòn. Trong mắt những kẻ mưu toan đảo chính anh em Diệm – Nhu, Sư đoàn 5 chính là lực lượng đáng chú ý nhất. Khi có sự cố, đó chính là đơn vị có thể điều quân cơ động, nhanh chóng nhất về Sài Gòn, cho dù là để tấn công hay phòng thủ, giải vây.

Nhóm tướng lĩnh đảo chính đã tìm đủ cách để lôi kéo Nguyễn Văn Thiệu tham gia vào âm mưu, chí ít cũng là án binh bất động không can thiệp, để đề phòng bất trắc. Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội, một trong những “công trình sư” chủ chốt của âm mưu đảo chính anh em Diệm - Nhu đã trực tiếp đứng ra lo liệu việc lôi kéo Nguyễn Văn Thiệu.

Biết viên tư lệnh trẻ là người rất tin vào tướng số, Đỗ Mậu đã đút tiền cho một thầy tử vi tên là Minh Lộc, nhà gần cổng xe lửa đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), kẻ được mệnh danh là “Quỉ Cốc tiên sinh” để tay này chấm tử vi và coi tướng số cho Nguyễn Văn Thiệu, do chính Đỗ Mậu dắt tới. Sau khi thao thao bất tuyệt tán dương “quý số” và “con đường hoạn lộ thênh thang” của Thiệu, thầy “Quỉ Cốc” tỏ ra trầm ngâm lo lắng. Ông ta bảo: “Thầy cầm tinh Giáp Tý, năm Quý Mão (1963) này tất gặp chông gai. Không ai cải được vận mạng của thầy ngoài chính thầy. Thầy phải đích thân đứng ra đẩy bật tảng đá chắn đường mình đi, nếu không thì vận mạng của thầy sẽ bị tảng đá này đè nát”.

Trên toàn miền Nam, kẻ có thể đè bẹp cả vận mạng của ông Đại tá Tư lệnh sư đoàn đầy quyền lực, đang nắm binh hùng tướng mạnh trong tay còn có thể là ai khác ngoài anh em Diệm – Nhu? Thiệu nghe và tin sái cổ. Nhưng để chắc ăn, màn kịch do Đỗ Mậu đạo diễn vẫn chưa chịu hạ màn. “Quỉ Cốc tiên sinh” còn phán thêm: “Đường đã vạch, đã đi là ắt tới. Thầy chớ có nhị tâm mà rước họa vào thân, chết không toàn mạng”. Theo yêu cầu của tay thầy tướng số – mà kỳ thực là yêu cầu của chính Đỗ Mậu – Nguyễn Văn Thiệu đã líu ríu thề độc sẽ theo phe đảo chính, chính thức ký tên vào danh sách những kẻ sẽ nhúng tay vào máu anh em Ngô Đình Diệm.

Ngày 2/11/1963, anh em Diệm – Nhu bị giết chết trong xe bọc thép. Đảo chính thành công, Nguyễn Văn Thiệu được Hội đồng tướng lĩnh phong hàm thiếu tướng. Chỉ hơn một năm sau, năm 1965, Thiệu lại được gắn lon trung tướng. Cũng trong năm đó, nội các Phan Huy Quát đã buộc phải giải tán và trao quyền điều hành chính phủ lại cho Hội đồng tướng lĩnh. Nhờ có sự hậu thuẫn của nhóm tướng trẻ, Thiệu đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo quốc gia, trở thành Quốc trưởng của miền Nam.

Trên cương vị này, ngày 31/10/1966, Nguyễn Văn Thiệu đã đứng chủ tọa, cắt băng khánh thành dinh Độc Lập. Nguyên thủy, nó là dinh Norodom, bị hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai máy bay AD6 ném bom đánh sập vào ngày 27/2/1962. Đầu tháng 7/1962, Ngô Đình Diệm quyết định xây dựng lại dinh còn bản thân ông và gia đình người em Ngô Đình Nhu thì dọn sang sống tạm bên dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP HCM). Dinh Độc Lập xây chưa xong thì đảo chính nổ ra, Ngô Đình Diệm đã không bao giờ còn cơ hội quay lại chốn cũ.

Ngồi vào chiếc ghế quyền lực của kẻ mà bản thân từng dự phần phế truất, ám ảnh về sự trả thù, mối lo sợ bị đảo chính lại trỗi dậy trong lòng Nguyễn Văn Thiệu. Ngay sau khi đắc cử Tổng thống vào năm 1967, ông ta lại cho triệu một thầy địa lý người Hoa vào dinh Độc Lập để chấm phong thủy. Thầy phán: “Dinh được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng, tất phát hưng vượng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1km, rơi vào vị trí Công trường Chiến Sĩ. Chỉ ngặt vì đuôi rồng hay vùng vẫy, không khéo quật lên cả đầu rồng. Cần phải dùng một con rùa lớn yểm đuôi rồng lại, sự nghiệp của Tổng thống mới mong vững như bàn thạch, ngôi vị Tổng thống mới được dài lâu”.

Không chút hoài nghi, Nguyễn Văn Thiệu cho xây dựng lại Công trường Chiến Sĩ, đúng như lời thầy phán. Hồ nước tại công trường được xây mới thành hình bát giác, từ trên cao nhìn xuống giống hệt ô bát giác trên mai rùa. Vị trí của hồ cũng được đặt ngay chính vị trí cửa Khảm Hiểm (sau đổi thành cửa Vọng Khuyết) của thành Gia Định xưa (còn gọi là thành Bát quái hay thành Qui).

Giữa trung tâm hồ nước là một đài tưởng niệm, trên có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội bia ở trên lưng và một cột cao có hình cánh hoa xòe ở phía trên, xem như một chiếc đinh đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại! Cụm công trình này được Nguyễn Văn Thiệu chăm chút, cho sửa đi sửa lại nhiều lần. Năm 1972, Công trường Chiến Sĩ được đổi tên thành Công trường Quốc tế cho đến ngày nay. Tuy nhiên, người dân Sài Gòn vẫn quen gọi đó là hồ Con Rùa, cũng như gọi dinh Độc Lập là Phủ Đầu Rồng, như nhắc nhớ thói quen mê tín trầm trọng của vị Tổng thống cầm tinh Tam Tý.

Huyền thoại núi Đá Chồng

Tháng 3/1971, để chắc thắng, Nguyễn Văn Thiệu đã bày ra trò bầu cử độc diễn ghế tổng thống, bất chấp sự phản đối, tẩy chay mạnh mẽ của sinh viên, học sinh và đa số nhân dân miền Nam. Cưỡng bức và gian lận, ngày 6/3/1971, Thiệu tuyên bố tái đắc cử ghế Tổng thống với tỉ lệ 94,36% số phiếu! Kết quả dối trá này được hợp thức hóa bởi sự công nhận của Tối cao Pháp viện Sài Gòn vào ngày 22/10/1971, chính thức đưa Nguyễn Văn Thiệu, lần thứ hai, ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Không chờ đến tận ngày được công nhận, ngay sau khi tự tuyên bố đắc cử, Nguyễn Văn Thiệu - theo truyền thống Khổng học - đã đưa gia đình về thăm quê, thắp hương mộ tổ và úy lạo dân chúng.

Năm 1951, Thiệu cưới vợ, bà Nguyễn Thị Mai Anh, con gái một gia đình Công giáo toàn tòng ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Do đó, năm 1957, Nguyễn Văn Thiệu được rửa tội và trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, tập quán, truyền thống gia đình thì Nguyễn Văn Thiệu vẫn cố nhớ. Trong chuyến về thăm quê năm 1971, Thiệu đã đến núi Đá Chồng, một ngọn núi nhỏ nằm giữa hai xã Khánh Hải và Văn Hải, ngoại ô thị xã Phan Rang để thắp hương hành lễ tạ ơn ở hai nơi: Trùng Sơn tự trên đỉnh núi và Văn Thánh miếu ở lưng chừng núi.

Trong đoàn người “vinh quy bái tổ”, Tổng thống mới tái đắc cử cũng không quên mang theo cả một thầy địa lý, tử vi thuộc hàng “cao thủ” để chấm “long mạch”, đoán trước việc tương lai nhằm giúp ông giữ yên ngôi vị. Sau khi xem xét kỹ núi non địa thế, thầy phán: “Chóp phía bắc ngọn núi Đá Chồng có một tảng đá rất lớn, hình lưỡi dao, đó chính là vật “yểm mệnh” của Tổng thống. Khi nào tảng Đá Dao đổ thì ngôi Tổng thống của ngài mới có thể đổ”.

Phế tích Văn Thánh miếu trên núi Đá Chồng.

Núi đã tồn tại hàng triệu triệu năm mà không đổ thì không có lý do gì để đổ trong giới hạn ngắn ngủi của một đời người? Lời phán truyền chỉ là sự xu nịnh. Nhưng, quá mê tín, Nguyễn Văn Thiệu vẫn tin. Ngọn Đá Dao đứng chênh vênh nhìn về phía đông bắc, hướng thôn Dư Khánh, quê Thiệu. Ngay trước mặt nó còn có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau, dân gian gọi là tảng đá Mặt Quỷ. Thầy lại phán thêm: “Tổng thống cầm tinh Giáp Tý. Nếu vượt qua được năm kị Ất Mão 1975 thì mệnh đế vương sẽ vững như bàn thạch núi Đá Chồng...”.

Nghe lời “thầy”, Nguyễn Văn Thiệu đã tìm cách “ém” long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ. Ông ta ra lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công, án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu.

Công trình hoàn tất, một trung đội biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ Văn Thánh miếu và ngọn Đá Dao, bởi Thiệu luôn nơm nớp lo sợ quân Giải phóng ở núi Cà Đú và các rặng núi lân cận sẽ tràn về phá tan núi Đá Chồng - nơi có “lá bùa hộ mệnh”. Tiếp đó, một sân bay dã chiến dành đáp trực thăng và cầu cảng Ninh Chữ cũng được gấp rút xây dựng, nằm cách núi Đá Chồng chỉ non 1km.

Đón Nguyễn Văn thiệu, các bô lão địa phương đã khuyên ông Tổng thống vừa đắc cử nên đại xá tù nhân và làm những việc có lợi cho dân sinh. Nguyễn Văn Thiệu chỉ nghe theo một nửa. Ông ta cho xây chợ ở Bình Sơn, bệnh xá ở Ninh Chữ, và rải nhựa tuyến đường nối từ cảng Ninh Chữ về Phan Rang... Tiếp đó, Thiệu lại đưa thêm khá đông dân di cư của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về định cư rải rác quanh xã Khánh Hải tạo thành tấm lá chắn cho nơi chôn rau cắt rốn của mình... Trong khi đó, việc đại xá tù nhân, Nguyễn Văn Thiệu không hề màng tới.

Tháng 1/1975, quân Giải phóng đánh chiếm Phước Long, “biến cố Ất Mão” như lời thầy tử vi phán cho đời Thiệu đã bắt đầu. Đúng lúc Thiệu đang ký đơn xin từ chức của tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh quân đoàn III, vùng III chiến thuật thì ông ta nhận được hung tin: Ngọn Đá Dao bị đổ. Đêm đó, trời không mưa, nhưng đột nhiên dân quanh vùng nghe một tiếng sét lớn. Từ lưng chừng núi, ngọn Đá Dao vỡ đôi lăn lông lốc xuống, đánh vỡ ba hòn đá Mặt Quỷ và lăn xuống chân núi... Lòng đầy hoang mang, Thiệu cố trấn an tinh thần bằng lời giải thích: “Không phải sét đánh mà là Việt Cộng đặt chất nổ để phá Đá Dao”.

Tiếp theo, tiết Kinh trập (sâu nở) mùa xuân năm 1975, toàn vùng Văn Sơn, Bình Sơn, Khánh Hải, Ninh Chữ đột nhiên xảy ra một trận thiên địch lớn chưa từng thấy. Hàng đàn sâu các loại xuất hiện dày đặc, quét hết đợt này, đợt khác lại xuất hiện. Làng Bình Sơn trồng rất nhiều những cây keo. Dân cho rằng, sâu từ trên cây keo xuất hiện, liền hè nhau đốn trụi các rặng keo trong làng. Vẫn không ăn thua, sâu vẫn tiếp tục xuất hiện, nhiều vô kể.

Tại núi Đá Chồng, sau lưng Văn Thánh miếu, trong các hốc đá của hòn Đá Dao bị vỡ, sâu và bọ hung cũng xuất hiện lũ lượt. Chúng túa ra, bò hàng đàn qua lộ và nối nhau mất hút ra phía biển. Trước hiện tượng thiên địch kỳ lạ ấy, đám ngụy quân trong vùng tỏ ra hết sức hoang mang lo sợ, trong khi dân chúng thì kháo nhau: vận ông Thiệu đã hết!

Ngày 2/4/1975, Nha Trang giải phóng, ngụy quân cuống cuồng kéo nhau theo quốc lộ 1 chạy về phía Phan Rang. Để ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng, địch cho giật sập cầu Du Long. Theo đề xuất của tướng Fredrich C.Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn ngày 28/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến Phan Rang để chặn bước tiến của quân Giải phóng hòng cứu vãn tình thế.

Vùng Ninh Hải, Phan Rang, quê hương Thiệu trở thành tuyến phòng thủ cho cơ đồ đang thoi thóp của ông ta. Thiệu ra lệnh sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Quân khu II vào Quân khu III (ngụy), lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III, cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, đại bản doanh đặt tại sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Quân lực cho phòng tuyến tử thủ này được tăng cường tối đa.

Ngoài các đơn vị có sẵn, Thiệu còn tăng cường cho phòng tuyến Phan Rang thêm Lữ đoàn 2 dù, Lữ đoàn 3 biệt động quân, Sư đoàn Không quân số 6 với 100 máy bay các loại và 1 tiểu đoàn pháo. Tổng cộng, trên khắp mặt trận mới mở thuộc 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thiệu đã ném vào canh bạc cuối cùng hơn 75.000 quân các loại. Được hà hơi tiếp sức, ngụy quân ở Phan Rang vẫn bình chân như vại, không hay biết rằng vận mệnh của chúng đang đổ sụp và không thể cưỡng.

Ngày 8/4/1975, trong khi dinh Độc Lập của Thiệu ở Sài Gòn bị phi công Nguyễn Thành Trung đánh sập thì cách đó hơn 370km, tại mặt trận Du Long, quận Ninh Hải, Ninh Thuận, Trung tá Vũ Quốc Bảo, chỉ huy biệt động quân vẫn ra trận với bộ quân phục ủi cứng ly gắn đầy mề đay và đôi ủng đánh xi bóng lộn (?!).

Đó chỉ là sự lên gân giãy chết cuối cùng. Chỉ một tuần sau đó, sức tiến công vũ bão của Cách mạng đã đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.665 ngụy quân, 11 xe tăng, thiết giáp và 51 máy bay nguyên vẹn. Ngày 16/4/1975, tại xóm Dừa, phường Đô Vinh (Tháp Chàm) Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn III ngụy gồm Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và toàn bộ sĩ quan tùy tùng đã bị bắt gọn trên 3 chiếc xe bọc thép.

Trước đó, ngày 13/4/1975, trước khi cướp tàu tại cầu cảng Ninh Chữ để chạy trốn ra biển, Thiếu úy Nguyễn Vạng, kẻ chỉ huy trung đội lính bảo vệ núi Đá Chồng đã bắn chết người cai quản Văn Thánh miếu, rồi cùng lính tráng xô vào đập nát các bệ thờ, cạy cả mái ngói để “tìm vàng ông Thiệu giấu”. Chốn kỳ vọng của Nguyễn Văn Thiệu hóa thành sân khấu thảm kịch!

Có thể nói sự sụp đổ của Nguyễn Văn Thiệu đã bắt đầu ngay chính tại quê hương của ông ta - nơi Thiệu đã đổ bao nhiêu tâm huyết, niềm tin để yểm “bùa” và xây chiến lũy cơ đồ. Ngày 26/4/1975, từ sân bay Thành Sơn vừa giải phóng, phi đội 5 chiếc A-37 do Nguyễn Thành Trung chỉ huy đã giội bom xuống Sài Gòn. Trước đó 5 ngày, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngậm ngùi lên đài đọc lời từ chức, thú nhận sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn và chính bản thân ông ta, để rồi sau đó chạy ra nước ngoài sống hết những năm còn lại trong kiếp lưu vong không Tổ quốc.

Ước nguyện và lá số “làm vua vĩnh cửu” của Nguyễn Văn Thiệu đã không linh nghiệm, dù vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã cố sức để xếp đặt ở cả hai cõi âm dương. Cái duy nhất Nguyễn Văn Thiệu để lại được trên quê hương của ông ta chỉ là một “huyền thoại” về núi Đá Chồng, “huyền thoại” về sự sụp đổ

Theo Nguyễn Hồng Lam (ANTG)