itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Trung Quốc: Môi trường đầu tư mới “thử lửa” doanh nghiệp nước ngoài

Trung Quốc: Môi trường đầu tư mới “thử lửa” doanh nghiệp nước ngoài

Trung Quốc không còn muốn đề cao

yếu tố nhân công rẻ.

Sau khi Trung Quốc có những điều chỉnh chính sách về đầu tư nước ngoài (cắt giảm ưu đãi, chỉ khuyến khích các ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn và công nghệ...), nhiều doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài đã “đánh bài chuồn”, để lại không ít nợ nần và tiếng xấu. Dưới đây là bài viết của Tân Hoa xã về vấn đề này.

Một tháng nay, kể từ khi thất nghiệp do nhà máy Hàn Quốc nơi anh làm việc đột ngột đóng cửa, Liu Changyou lang thang khắp các phố xá ở TP Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông).

Từ tỉnh Hắc Long Giang, Liu đến Thanh Đảo làm việc cho Nhà máy sản xuất đồ mỹ nghệ hiện đại ở Quian Tian thuộc quận Chengyang của TP Thanh Đảo, khu vực có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc nhất của thành phố. Nhưng sau khi ăn Tết xong, trở lại nhà máy hồi tháng hai, anh mới biết tin ông sếp người Hàn Quốc của mình đã không còn nữa.

“Cơ quan quản lý lao động ở địa phương cho biết ông sếp của tôi đã qua đời khi ông về ăn Tết ở Hàn Quốc,” Liu nói. Nhưng Liu nghĩ, khả năng ông sếp đã đánh bài chuồn là nhiều hơn bởi vì hiện tượng này từng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp do Hàn Quốc đầu tư vốn sản xuất.

Cánh cửa nhà máy giờ đã đóng chặt và tấm biển “Cho thuê” được trưng ra.

Trường hợp kể trên là một trong nhiều trường hợp xảy ra khi trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc đang xuất hiện nhiều biến động: giá nhân công tăng, thuế tăng và các ưu đãi giảm, đồng tiền có giá hơn và khuyến khích các ngành sản xuất sử dụng nhiều vốn và công nghệ thay vì các ngành sử dụng công nghệ thấp và dựa nhiều vào sức lao động như trước đây.

Trong nhiều trường hợp, các nhà máy đóng cửa, bỏ mặc công nhân, không trả lương. Chỉ riêng ở Thanh Đảo, khoảng hai trăm công ty của Hàn Quốc, hầu hết là công ty nhỏ, đã đột ngột đóng cửa. Khi công nhân đến công ty thì thấy cửa công ty khoá trái và ban lãnh đạo thì biến mất và họ không được trả số tiền lương còn lại.

Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp này đều không chính thức tuyên bố phá sản, chỉ qua một đêm, họ chuồn mất, để lại toàn bộ trang thiết bị. Hoặc như Cục Hợp tác thương mại và kinh tế với nước ngoài (SDFTEC) nói, các nhà đầu tư này đã chọn cách bỏ đi bất bình thường.

“Từ Tết đến nay đã có bốn doanh nghiệp sản xuất đồ mỹ nghệ (gốm) ra đi” ông Li Zhicheng, giám đốc Cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài ở Qiantian nói. “Bốn doanh nghiệp khác cũng đã bỏ đi hồi cuối năm ngoái mà không hề thông báo trước.”

Ông Li kể những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc rút lui. Những năm trước, mỗi năm chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp đóng cửa, nhưng trong vòng chưa đến ba tháng đầu năm nay đã có bốn doanh nghiệp đóng cửa.
“Ông ta còn nợ tôi 1.000 tệ ,” anh Liu kể trong khi đang lướt mạng ở một quán cà phê internet gần nhà máy. Số tiền này tương đương 143USD (khoảng hai triệu đồng Việt Nam).

Liu và hơn 60 đồng nghiệp khác không biết đòi số tiền lương còn bị nợ ở đâu. Sau khi lãnh đạo nhà máy chuồn mất, công nhân đã cùng nhau đi đòi tiền. Cuối cùng, khi cơ quan quản lý lao động ở địa phương vào cuộc, các thiết bị của nhà máy mới được đem phát mại để trả nợ cho công nhân. Liu được nhận lại 1/3 số tiền bị nợ. Ông chủ cho thuê nhà máy còn bị lỗ 200 nghìn tệ (khoảng 28,3 nghìn USD).

Theo Trung tâm phát triển kinh doanh của Hàn Quốc (KBDC) ở Thanh Đảo, phần lớn các doanh nghiệp “bỏ chạy” thuộc lĩnh vực sản xuất đồ gốm (30%), dệt may (15%), đồ da (13%) và và các mặt hàng khác sử dụng nhiều lao động tay chân.

Ông Lee Byong Jik, Giám đốc KBDC ở Thanh Đảo, nói, từ năm 2000 đến 2007, đã có 206 doanh nghiệp Hàn Quốc rời Thanh Đảo “theo cách bất bình thường”. Con số này cũng trùng với con số do SDFTEC đưa ra. Theo SDFTEC, chỉ riêng năm ngoái, các nhà đầu tư thuộc 80 doanh nghiệp Hàn Quốc đã rút đi.

Để lại nợ nần và tiếng xấu

Theo các quan chức địa phương, các doanh nghiệp nói trên hầu hết đều kinh doanh chủ yếu dựa trên chi phí thấp.
“Những doanh nghiệp này ngoài việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương ít đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng ở địa phương”, ông Li nói. Ông nhấn mạnh, nhiều nhà đầu tư người Hàn Quốc thuê sẵn nhà xưởng với trang thiết bị, mà hầu hết cũng đã sắp hết hạn khấu hao, có nghĩa là họ chỉ phải đầu tư rất ít. Khi tình hình xấu đi và lãnh đạo doanh nghiệp chuồn mất thì tài sản họ bỏ lại cũng chẳng đủ để trang trải các khoản nợ - nợ lương công nhân, vốn vay ngân hàng và tiền thuê nhà xưởng.

SDFTEC cho biết, nhiều doanh nghiệp trong số này rất nhỏ, vốn đầu tư chỉ từ khoảng 300 nghìn đến 500 nghìn USD, 55% số doanh nghiệp chỉ có chưa đến 50 công nhân.

Nhưng các doanh nghiệp này rút đi để lại nhiều khoản nợ nần và tiếng xấu. 206 doanh nghiệp khi rút khỏi Thanh Đảo đã để lại khoản nợ vay ngân hàng đến 700 triệu tệ (khoảng 99,2 triệu USD, và 160 triệu tệ (gần 22,7 triệu USD) nợ lương của khoảng 26 nghìn công nhân, SDFTEC cho biết.

“Điều này thật sự ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các nhà đầu tư Hàn Quốc,” ông Cho HakRae, Giám đốc Công ty điện tử Cuckoo Thanh Đảo, nói. “Họ có thể ngừng hoạt động theo đúng các trình tự thủ tục hợp lệ thay vì bỏ đi như vậy.”

Thay đổi dồn dập

“Môi trường kinh doanh thay đổi và các nhà đầu tư nhỏ phải đối mặt với những thách thức lớn,” ông Kwang Jae Won, Phó chủ tịch Trung tâm Thương mại Hàn Quốc (KTC) ở Thanh Đảo, nói. Trung tâm này là một bộ phận của Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc. Ông Kwang cho rằng, các chính sách mới về thuế và lao động đã tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ.

Đối với các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, giá nhân công rẻ là yếu tố chính giúp họ tồn tại. Nhưng những năm gần đây, giá nhân công ở Trung Quốc đang tăng lên mặc dù nguồn cung dường như vẫn dư thừa.

Lực lượng lao động giá rẻ gần như là một lợi thế vô địch của Trung Quốc khi nước này mở cửa ra thế giới bên ngoài cuối những năm 1970. Hàng hoá Trung Quốc có sức cạnh tranh về giá cả và các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên, điều kiện sống của công nhân Trung Quốc đã bị tụt hậu so với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế.

Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến đòi hỏi có thu nhập cao hơn của người lao động.

Luật về hợp đồng lao động bắt đầu có hiệu lực từ năm nay. Theo đó, chủ lao động phải đóng bảo hiểm an sinh xã hội cho người lao động và phải trả lương cho người tập sự và người làm thêm giờ.

Trung Quốc đã thay đổi các chính sách về thuế đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2007, Trung Quốc ban hành Luật về thuế thu nhập của doanh nghiệp, chấm dứt hai thập kỷ ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo luật này, thuế suất thu nhập chung cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều là 25%. Trước đây, thuế suất thu nhập đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc là 25%, trong khi thuế suất đối với doanh nghiệp nước ngoài là 15%.

Mặt khác, nhằm giảm tăng trưởng xuất khẩu, nguyên nhân dẫn đến xung đột thương mại, từ hồi tháng bảy năm ngoái, Trung Quốc đã điều chỉnh các chính sách ưu đãi đối với xuất khẩu, bãi bỏ hoặc cắt giảm các ưu đãi đối với một số mặt hàng xuất khẩu.

Những thay đổi này là một phần của chính sách cải tổ nền kinh tế nhưng nó đã có tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp hướng vào xuất khẩu.

Công ty sản xuất nhạc cụ Sejung ở Thanh Đảo là một thí dụ. Là một công ty lớn của Hàn Quốc, sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm của Sejung chủ yếu là để xuất khẩu. Tổng giám đốc Nan Fanzhu nói, doanh nghiệp của ông cảm nhận rõ rệt về tác động của các chính sách mới.

Ông Nan kể, sau khi Luật về hợp đồng lao động có hiệu lực, công ty đã thu nhỏ quy mô lao động của mình từ 5.000 xuống còn 2.000 để giảm chi phí. Trong khi đó, luật thuế suất thu nhập mới đã khiến công ty của ông phải mất thêm 10% thuế thu nhập.

Hơn nữa, ưu đãi về thuế xuất khẩu đối với những sản phẩm sử dụng nhiều lao động, trong đó có mặt hàng nhạc cụ, dệt may và đồ chơi, đã bị cắt giảm. Ông Nan cho biết, trước đây, mặt hàng đàn piano và đàn guitar được cắt giảm thuế xuất khẩu 17% , nay chỉ còn được giảm 13%.

Do các yếu tố kể trên và do đồng nhân dân tệ có giá (tăng 14% giá trị so với đồng USD kể từ năm 2005), lợi nhuận biên của công ty Sejung đã giảm từ 10% vào năm 2004 xuống còn 0,3% hiện nay.

Theo ông Nan, các doanh nghiệp nhỏ của nước ngoài sẽ phải chuyển đến Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác do không thích nghi được với môi trường kinh doanh mới ở Trung Quốc.

Theo ông Piao Jianyi, một nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), “95% các công ty do Hàn Quốc đầu tư vốn là các công ty sử dụng nhiều lao động và tiêu thụ nhiều năng lượng do dùng công nghệ thấp.” Ông Piao nói, những ngành sản xuất đã đi vào buổi xế chiều này không thể tồn tại ở Hàn Quốc nên mới phải chuyển đến Trung Quốc. Giờ đây, các doanh nghiệp đó phải chuyển chỗ một lần nữa.

Ông Cho Hak Rae thuộc Công ty Điện tử Cuckoo ở Hàn Quốc nói, từ năm 2004, công ty của ông ở Trung Quốc bắt đầu làm ăn thua lỗ. Công ty mẹ ban đầu lên kế hoạch xây một vài cơ sở sản xuất hỗ trợ và một trụ sở đi kèm ở Trung Quốc. Nhưng do môi trường đầu tư thay đổi, kế hoạch này sẽ được chuyển sang các nước Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.

Rút thảm đỏ đối với các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp

Vào buổi bình minh của thời kỳ mở cửa, đó là năm 1978, đầu tư nước ngoài là cực kỳ cần thiết cho phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Một loạt các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế và đất, được đưa ra để mời chào các nhà đầu tư nước ngoài. Các ngành sản xuất vào lúc suy thoái ở Hàn Quốc đổ về Trung Quốc, nơi họ có thể tăng lợi nhuận. Họ không hề nghĩ đến việc hoàn thiện hay đổi mới cách quản lý, điều hành. Bởi vậy, khi môi trường đầu tư thay đổi, họ đã bị thiệt hại, ông Piao nói.

“Mọi chi phí sản xuất sẽ đều tăng về lâu dài trong thời gian tới,” ông Sang Baichuan, giáo sư ĐH Ngoại thương, nói. Theo ông, giá nhân công và giá đất rẻ đã cản trở sự phát triển của các ngành sản xuất.

Trung Quốc đang muốn tiến lên các nấc thang mới của ngành công nghiệp, ông Sang nói, và chẳng có gì là ngạc nhiên khi các ngành sản xuất đang ở buổi xế chiều sẽ bị chuyển sang các nước kém phát triển hơn. Theo ông Sang, đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc sẽ có sự thay đổi về cơ cấu.

Trong cuốn sách mới nhất về triển vọng đầu tư nước ngoài, do Bộ Thương mại xuất bản năm 2007, Trung Quốc khẳng định không khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các ngành sản xuất truyền thống và các ngành hướng vào xuất khẩu.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đang thay đổi mạnh. Cơ quan Thống kê Quốc gia của nước này cho biết, FDI thực tế đi vào sử dụng đạt 11,2 tỷ USD, tăng 109% so với năm trước.

Tuy nhiên, con số các doanh nghiệp nước ngoài mới đã giảm. Trong tháng 1 năm nay, có 2.918 doanh nghiệp nước ngoài được thành lập, giảm 13,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tiền đầu tư hơn, nhưng số công ty đầu tư ít đi, có nghĩa là vốn đầu tư trung bình của mỗi công ty đã tăng lên.

Theo Nhân Dân