itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Lý Quang Diệu: Xã hội chỉ tồn tại nếu có sự công bằng

Lý Quang Diệu: Xã hội chỉ tồn tại nếu có sự công bằng

Cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Cố vấn

Lý Quang Diệu. Ảnh: Corbis

Thế kỷ 21 với Trung Quốc sẽ như thế nào khi trong 3-4 thập kỷ tới, "người khổng lồ" của phương Đông có thể vượt hoặc hơn Mỹ. Tiến bộ của khoa học công nghệ khiến con người phải sững sờ, nhưng suy cho cùng, điều gì là quan trọng nhất? Những vấn đề này tiếp tục được Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu đưa ra những kiến giải của riêng mình.

Thế kỷ 21 và Trung Quốc

* Năm 2008 là tròn 3 thập kỷ đánh dấu sự chuyển đổi của Trung Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế kỷ 20 thành một trong 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Liệu thế kỷ 21 có thuộc về Trung Quốc như thế kỷ 20 từng thuộc về Mỹ hay không?

- Lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng nếu tiếp tục như hiện nay, sự trỗi dậy hòa bình của cường quốc Trung Quốc sẽ thắng thế. Họ xác định rõ là sẽ không thách thức bất cứ một cường quốc nào như Mỹ, EU, Nga, mà sẽ làm bạn với tất cả. Trung Quốc đã gia nhập WTO và mỗi năm họ tăng trưởng ngày càng mạnh hơn. Trong vòng 3-4 thập kỷ tới, GDP của Trung Quốc sẽ ngang ngửa với Mỹ, công nghệ của họ cũng có khả năng bì kịp với Mỹ - vốn từ lâu được coi là siêu cường duy nhất của thế giới và khi ấy, GDP của họ còn vượt qua Mỹ.

Tất cả những điều đó bắt nguồn từ việc họ đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình ở Đài Loan, HongKong và Singapore. Khi Đặng Tiểu Bình tới Singapore, ông rất ngạc nhiên trước những gì mà ông chứng kiến. Ông đã nhìn thấy chúng ta khai thác chủ nghĩa tư bản phương Tây như thế nào và đã mở nhà máy ở tất cả mọi nơi với nhân công rẻ hơn và xuất khẩu hàng hóa ra toàn thế giới. Ông nói địa ngục nở hoa, chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Đó là khi Trung Quốc bắt đầu hình thành nên các đặc khu kinh tế ở quanh các thành phố duyên hải. Họ biết HongKong, Đài Loan và Singapore có thuận lợi là có mối quan hệ gần gũi với phương Tây, tiếp cận công nghệ phương Tây, tri thức, tư bản và lực lượng lao động có trình độ. Giờ đây, với WTO, họ đang ở trên cùng một hướng đi, gửi 250.000 sinh viên ra nước ngoài mỗi năm và dù họ có thể mất 60-70% số du học sinh đó cho các quốc gia khác, họ cũng không quan tâm bởi vì họ biết chắc chắn rằng rất nhiều người trong số đó cuối cùng cũng quay trở lại. Năm này qua năm khác, họ sẽ dần thu hẹp khoảng cách.

* Và tất cả điều này đều diễn ra một cách yên bình ư?

- Tôi có xem loạt phim tài liệu "Sự trỗi dậy của các cường quốc vỹ đại" và tôi rất ngạc nhiên về công việc đầy tính học thuật uyên thâm này do những nhà sử học danh tiếng thực hiện. Một vài cường quốc này đã nổi lên trong lịch sử như thế nào? Nước Bồ Đào Nha tí hon nổi lên như thế nào? Công nghệ hải quân nguyên sơ và đơn giản. Christopher Columbus? Tây Ban Nha? Nước Hà Lan nhỏ bé, Pháp, Anh, hạm đội, đâu là bí quyết? Công nghệ cùng với các chính quyền liên kết người dân vì mục tiêu chung hướng về sự phát triển.

* Trong thời đại truyền thông đại chúng, cùng internet và gần 100 triệu blog, liệu Trung Quốc có tiếp tục đi theo chế độ một đảng nữa không?

- Người Trung Quốc ngày nay tin tưởng lãnh đạo của họ bởi vì họ cho phép tầng lớp thương gia từng một thời bị ghét bỏ nổi lên và phát triển. Đó cũng là động lực học tương tự đã từng tạo ra công ty Đông Ấn và tạo ra một đế chế.

* Vì vậy ông thấy Trung Quốc đang trên đường "đi xuống" tương tự như vậy?

- Tôi nghĩ như vậy. Nhưng họ muốn tránh việc tạo lên một nước Nhật hoặc Đức thời tiền thế chiến thứ 2. Chinh phục lãnh thổ không còn cần thiết như trước đây. Mỹ không cần phải là một nhân tài mới biết được rằng họ đang có số kỹ sư và các nhà khoa học gấp 5 lần Mỹ.

Vậy, bây giờ cái mà họ cần nhất là gì? Đường xá, đường xe lửa, cơ sở hạ tầng. Họ có mặt ở châu Phi, thế giới A-rập và châu Mỹ Latinh. Ngày nay, Trung Quốc hiện diện ở mọi nơi. Mỹ có thể ở khắp mọi nơi hay không khi đang tập trung vào Iraq? Ở Caribê, Mỹ có 1 đại sứ quán ở Barbados phụ trách 6 quốc đảo nhỏ khác. Còn Trung Quốc, mỗi nơi họ có một đại sứ quán. Và đấy lại là nơi mà Mỹ gọi là sân trước của mình.

Cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu gặp Chủ tịch Trung Quốc
Hồ Cẩm Đào. Ảnh: Corbis

Khoa học công nghệ sẽ vô nghĩa nếu lộn xộn về chính trị

* Nếu không có kiến thức khoa học, sẽ rất khó để bắt kịp với tốc độ phát triển sôi động hơn bao giờ hết của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Từ khả năng mới trong việc tạo ra cuộc sống nhân tạo đến việc tạo ra các siêu máy tính mới ngày càng khả thi, có thể vượt trội hơn so với bộ não của con người trong mọi lĩnh vực, cho tới sự kết hợp của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô và chế tạo người máy. Theo ông, con người sẽ phát triển đến đâu trong thế kỷ 21?

- Tôi chịu! Bởi vì tôi không hiểu, huống hồ là cũng không liên quan. Tôi không làm khoa học sau khi tốt nghiệp trung học, nhưng ít nhất tôi cũng hiểu được thế giới xung quanh mình, từ những nhà độc tài chuyên chế với tham vọng thống trị thế giới tới những gì đang diễn ra đối với các nền dân chủ. Giờ tôi có thể hiểu những bài báo uyên bác không lý giải cho tôi biết vì sao tất cả những điều mới này đang diễn ra. Hàng ngày, tôi học các từ mới, như "dược phẩm sinh học", "sinh vật học" và gửi chúng cho thư ký của tôi giải thích, câu trả lời sẽ đến sau đó, từ Google hoặc từ đâu đó trên internet.

Gần đây, khi tôi ở Riyadh (A-rập Xê-út), tôi có xem một bộ phim tài liệu của BBC. Đó là một cuộc nói chuyện sinh động và hấp dẫn của nhà khoa học nghiên cứu về gen người Craig Ventner. Ông ấy đã nói về toàn bộ lĩnh vực của tương lai này chỉ trong 50 phút một cách phi thường. Tôi sững sờ khi xem đến phần nói về việc kiến tạo một cuộc sống nhân tạo. Nhưng tôi không thể chỉ ra tất cả điều đó có nghĩa là gì và chúng ta sẽ đi tới đâu.

* Không chỉ mình ông, hầu hết các lãnh đạo chính trị trên thế giới ngày nay cũng gặp phải bất lợi đó. Chúng ta đã có 1 tỷ người online trên thế giới, 2 tỷ chiếc điện thoại cho 6,5 tỷ người. Chúng ta có thông tin bình thường cũng như những thông tin đã qua bộ lọc. Chúng ta có video, phòng chat, số lượng blog thì đang nhanh chóng tăng lên tới con số 100 triệu. Điều này cho ông thấy gì về ảnh hưởng của nó đối với chính quyền dân chủ, chế độ độc tài và chủ quyền quốc gia?

- Tôi nghĩ là chủ quyền quốc gia sẽ là vấn đề được bàn bạc trong một thời gian dài bởi vì đó là khuôn khổ cho hoạt động giữa các quốc gia. Một khả năng khác là tình trạng hỗn loạn vô chính phủ trên thế giới. Giả thử có hàng chục quốc gia trải qua tình trạng lộn xộn như đang thấy ở Kenya, lúc ấy, tất cả những thứ về kỹ thuật công nghệ trên thế giới cũng sẽ chẳng có ích nhiều. Nó sẽ lại quay trở lại thời kỳ đồ đá.

* Nhưng ông vừa nói là ông xem phim tài liệu trên BBC, vậy ông có ý tưởng gì về việc tất cả những điều này sẽ đưa đến đâu?

- Tôi không tin lắm về một thời kỳ khai sáng mới. Nhưng khi xem những tiên đoán của tiến sỹ Ventner về nhiên liệu không chứa carbon, tôi tự hỏi mình rằng rồi sau đó sẽ là gì nữa? Mỹ có thể khử muối ở tất cả các đại dương trên thế giới, nhưng sau đó thì sao? Bùng nổ dân số vẫn là vấn đề. Tôi kết luận là chắc chắn có những giới hạn về vật chất và tinh thần đối với những gì loài người có thể làm được trên hành tinh nhỏ này. Quay trở lại lịch sử từ những bộ lạc sơ khai nhất, chúng ta vẫn chưa vượt qua được những phản ứng bản năng.

* Nhưng những gì mà ông xem cũng nói lên rằng bất cứ ai sinh ra thời nay cũng sẽ sống tới 120 tuổi và hữu ích đến gần cuối cuộc đời và trong thế kỷ 22, tuổi thọ của con người có khi còn lên tới 250 tuổi là chuyện bình thường.

- Và sau đó thì sao? Không có ý nghĩa gì cả. Điểm 3 và điểm 10 không phải là một khoảng cách tồi. Hướng tới một cuộc đời hữu ích và để lại tương lai cho con cháu. Tô lo rằng tương lai của con cháu chúng ta sẽ không được tốt đẹp như tương lai của chúng ta. Ở Singapore, dân số của chúng tôi giới hạn trong khoảng 4,5 triệu người, trong đó, 3,2 triệu người là công dân nước tôi, còn lại là những người nước ngoài tới đây làm việc. Các nhà quy hoạch đang dự kiến có 6,5 triệu người. Các nhà nhân khẩu học và những nhà quy hoạch có thể hiểu rõ 6,5 triệu người là như thế nào rồi. Tôi nói với họ rằng: "Xem xét và tiến hành chậm thôi. Làm sao có thể thực hiện điều này đối với một quốc đảo nhỏ như chúng ta".

* Nhưng công nghệ nano có thể có phép chúng ta xây dựng những toàn nhà chọc trời cao gấp 2 đến 3 lần so với bây giờ?
- Chắc là chưa khi tôi còn sống.

Chất xám cũng phải cạnh tranh

* Nước ông cũng phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám?

- Đúng thế, chúng tôi đang mất dần khi chất xám chảy sang Mỹ.

* Chứ không phải Trung Quốc ư?

- Không, ở đó họ đang phải cạnh tranh với 1,3 tỷ người Trung Quốc với số người tài khổng lồ. Họ thà tới Mỹ - nơi họ có thể thích nghi, sau đó tới Trung Quốc với một công ty Mỹ. Những người nói tiếng Trung là một phần trong đội ngũ của Mỹ khi cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Và từ đó, họ có thể quay trở lại Singapore với kinh nghiệm đã đưa họ bước lên tới đỉnh của cuộc chơi. Những người muốn sự cạnh tranh ít khắc nghiệt hơn với phong cách sống thoải mái hơn, họ tới Canada và Úc.

* Ông nghĩ mỗi năm Singapore mất đi bao nhiêu nhân tài hàng đầu?

- Chừng 1.000 người mỗi năm, tương đương 4-5% dân số. Nhưng bù vào đó, chúng tôi cũng có những người Trung Quốc và Ấn Độ tới đây để tìm kiếm triển vọng tốt đẹp hơn. Vì vậy về cân bằng, chúng tôi vẫn là người chiến thắng. Nhưng mọi chuyện sẽ khác khi trong 30-40 năm nữa, Trung Quốc sẽ là nơi chứa đựng nhiều triển vọng tốt đẹp hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.

Chủ nghĩa tư bản theo kiểu Mỹ không hiệu quả

* Quan điểm của ông thế nào về tương lai của chủ nghĩa tư bản?

- Với Quỹ thịnh vượng tối cao [SWF-Sovereign Wealth Fund], chúng tôi kiểm tra và quyết định đầu tư tiền vào đâu, vào cổ phiếu, vào trái phiếu hay vào những gì bạn có. Những người quản lý quỹ của chúng tôi được trả lương cao gấp 5 lần lương của tôi. Tại sao thế? Bởi vì họ làm cho quỹ của chúng ta phình ra và chúng ta biết là họ có thể làm chủ trong khối kinh tế tư nhân. Họ giao dịch hàng tỷ đô la mỗi ngày và phải được trả công xứng đáng.

Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh theo kiểu "thắng làm vua" của Mỹ không hiệu quả chừng nào chưa giải quyết được tầng lớp dưới đáy của xã hội. Vì vậy, chúng tôi đứng bên cạnh những người nghèo khổ đó, đảm bảo họ đủ sống, có cơ hội được chăm sóc sức khỏe và những đứa trẻ có bố mẹ nghèo khổ vẫn được hưởng cơ hội giáo dục một cách công bằng. Việc họ cảm thấy mình không bị ruồng bỏ là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi có hệ thống tạo việc làm và có cách thức chân thành để giữ họ làm việc vì chúng tôi không muốn những người lang thang vô công rồi nghề chẳng làm gì cả. Chúng ta cũng trợ cấp nhà để họ có thể mua được. Một xã hội chỉ có thể tồn tại nếu có sự công bằng và hợp lý.

* Vậy kết luận lại thì điều gì khiến ông quan tâm nhất trong 10 năm tới, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt?

- Trước tiên, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn tới mà không được đánh mất nhuệ khí. Afghanistan không thể trở thành một nền dân chủ thành công hoặc trở thành một nhà nước mới bất chấp truyền thống hàng thế kỷ. Tái thiết các xã hội là việc vượt quá khả năng của bất cứ quốc gia nào. Mỹ là một siêu cường có những trách nhiệm toàn cầu, nhưng việc đó không phải là một trong những trách nhiệm của họ.

Theo Nguyễn Dung / VietNamNet