itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Robert Bruce Zoellick, ông là ai?

Robert Bruce Zoellick, ông là ai?

Ảnh: info.rsr.ch

Robert Zoellick - một chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, đã được Tổng thống Bush đề cử vào vị trí Chủ tịch ngân hàng Thế giới (World Bank). Zoellick đang chờ để nhận được sự đồng thuận của Ban điều hành World Bank.

Vậy nhân vật này có gì đặc biệt?

Sau khi được Tổng thống Bush đề cử, Zoellick hứa hẹn sẽ giúp World Bank vượt qua được vụ scandal và tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là cuộc chiến chống đói nghèo.

“World Bank đã vượt qua những thời điểm khó khăn và thử thách. Đã có những lời chỉ trích, sự lo lắng và căng thẳng, nhưng tất cả đã qua, và chúng ta phải hướng về tương lai. Những ngày tươi đẹp nhất vẫn còn đang ở phía trước”, Zoellick nói sau lời phát biểu giới thiệu của Tổng thống Bush. “Sự kiện vừa qua đã rõ ràng và có thể hiểu được lý do tại sao lại xảy ra điều đó. Nhưng đó không có nghĩa là chúng ta không có phương pháp cứu chữa”.

Sự tin tưởng

Một số thành viên World Bank đã kêu gọi tiến hành tìm kiếm ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch World Bank không phải là người Mỹ. Vấn đề là chính quyền Bush đã nhanh chóng phản ứng và tìm ra một giải pháp dung hòa.

Chấp nhận lời đề cử, Zoellick, 54 tuổi, ý thức rất rõ về trách nhiệm và những thách thức khi đảm nhiệm vị trí của Wolfowitz: khôi phục niềm tin trong Ban điều hành và các thành viên World Bank, xây dựng lại các giá trị điều hành và uy tín của vị trí Chủ tịch World Bank, và đặc biệt là vị thế của nước Mỹ tại World Bank không được phép suy chuyển.

“Chúng ta cần bước qua lằn ranh quá khứ, bỏ lại những hậu quả sau lưng và cùng nhau hướng đến tương lai”, ông nói.
Tổng thống Bush đã dùng những từ ngữ mỹ miều nhất khi giới thiệu ứng cử viên của mình: “Ông ấy đã học được cách tìm kiếm niềm tin và sự ủng hộ từ những lãnh đạo các quốc gia trên thế giới”. “ Ông ấy thực sự xứng đáng với vị trí Chủ tịch tại World Bank”, Tổng thống Bush nói thêm.

Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi làm Thứ trưởng Ngoại giao trong chính quyền của Tổng thống Bush, từ giữa tháng 02/2005 đến 06/2006, Zoellick là trợ lý đắc lực cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice. Ông cũng đồng thời là cựu Đại diện Thương mại của Mỹ. Hiện tại, sau khi từ bỏ mọi công việc trong chính quyền, Zoellick là chuyên gia phân tích kinh tế và đầu tư ngân hàng của Tập đoàn Goldman Sachs.

Lời chỉ trích

Ảnh: www.msnbc.msn.com

Sự lựa chọn của Tổng thống Mỹ Bush nhanh chóng nhận được những phản ứng trái chiều.

Từ châu Âu, nước Pháp nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới vị Chủ tịch tương lai của World Bank (?). “Ngài Zoellick chắc chắn là người thích hợp với công việc này”, tân Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner nói. “Nhưng ông ấy sẽ phải thiết lập hoặc xây dựng lại sự tin tưởng trong thể chế bởi vì WB đã có một chương đen tối dưới thời Wolfowitz”.
Nhưng, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng trước sự lựa chọn của nước Mỹ. Paul Zeitz, Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu chống bệnh AIDS, cho rằng việc chọn Zoellick vào một vị trí như vậy là sai lầm, một quyết định sai lầm từ gốc rễ.

“Zoellick hiển nhiên là không có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực phát triển kinh tế ở các nước nghèo đói”, ông nói. “Ông ấy là người có những mối quan hệ thân mật với các tập đoàn dược phẩm lớn. Và quan trọng hơn, các hiệp định song phương mà Zoellick từng tham gia đàm phán đã "ngăn chặn" hàng triệu người bệnh trên toàn thế giới tiếp cận các giải pháp cung cấp thuốc chữa bệnh giá rẻ”.

Lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt khi đưa ra ứng cử viên thay thế, Tổng thống Bush dường như đã cố gắng thể hiện sự thân mật trên mức cần thiết với Zoellick, cũng như luôn dành cho nhân vật này những lời biểu dương nồng nhiệt.

“Tôi cám ơn ông ấy bởi những cống hiến đối với người nghèo và sự tận tâm trong công việc vì sự phát triển của World Bank”, ông nói. “Bob Zoellick là sự lựa chọn đúng đắn để kế nhiệm Paul trong công việc quan trọng này”.

Robert Bruce Zoellick, ông là ai?

Sinh ra tại Naperville, Illinois, Zoellick là người gốc Đức. Ngay từ những ngày còn đi học, Zoellick đã thể hiện một khả năng tuyệt vời trong việc thuyết phục đám bạn bỏ phiếu cho cậu trở thành Chủ tịch Hội học sinh hay các câu lạc bộ trong trường. Ông tốt nghiệp trường Luật và nhận bằng Thạc sĩ Chính sách công trường Havard năm 1981.

Dưới thời Tổng thống Bush cha, Zoellick bắt đầu con đường chính trị bằng cách tham gia nhóm cố vấn cho Ngoại trưởng James Baker. Trách nhiệm chính của Zoellick là nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu.

"

Sự kiện vừa qua đã rõ ràng và có thể hiểu được lý do tại sao lại xảy ra điều đó. Nhưng đó không có nghĩa là chúng ta không có phương pháp cứu chữa.

Robert Bruce Zoellick

"

Trong giai đoạn thảo luận về việc thống nhất nước Đức, Zoellick là quan chức cấp cao tham gia nhóm đàm phán 2+4; trợ lý cho Ngoại trưởng Baker trong việc hoạch định chính sách giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh.

Tiếp đó, Zoellick được cử làm Trưởng đoàn đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ, vòng Uruguay và tham gia nhóm xúc tiến Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương.

Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình tại Trung Phi. Trong các năm 1991 và 1992, Zoellick được chỉ định làm đại diện riêng của Tổng thống tham dự Hội nghị thượng định Kinh tế nhóm G7. Tháng 08/1992, Zoellick được vào Nhà trắng, trở thành trợ lý Tổng thống.

Sau khi rời chính trường vào năm 1993, Zoellick được mời vào ghế Phó Chủ tịch điều hành Fannie Mae, nhóm đầu tư tài chính gia đình lớn nhất Mỹ, đảm nhiệm lĩnh vực kinh doanh nhà ở, cố vấn pháp lý, chuyên trách các quan hệ với chính phủ và dịch vụ tài chính quốc tế.

Song song đó, Zoellick còn được mời giảng dạy với hàm Giáo sư cao cấp về an ninh quốc gia tại Học viện Hải quân Mỹ; Trung tâm nghiên cứu Khoa học và Quan hệ quốc tế của trường Havard; Cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của Goldman Sachs.

Tháng 02/2001, Zoellick được đề cử và chấp thuận trở thành vị Đại diện Thương mại thứ 13 của Mỹ, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W Bush. Từ 2001- 2005, giới quan sát ghi nhận Zoellick đã thực hiện được một khối lượng công việc khổng lồ và đạt được những thành công nhất định:

  • Hoàn thành quá trình đàm phán với Trung Quốc và Đài Loan về việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
  • Đề xuất chiến lược mới để thúc đẩy các cuộc thương thảo toàn cầu về việc gia nhập WTO trong cuộc họp tại Doha, Quatar và góp phần xúc tiến các cuộc thương thảo năm 2004.
  • Hoàn thành các cuộc đàm phán và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do với Sinngapore, Chile, Australia và Ma-rốc; hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với 5 quốc gia Trung Phi, Cộng hòa Dominica và Bahrain.
  • Phối hợp với Hạ viện thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Jordani và Hiệp định Thương mại với Việt Nam; xúc tiến đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Hải quan miền nam châu Phi, Panama, các quốc gia vùng Andean và Thái Lan.
  • Phối hợp với Hạ viện thông qua Luật Thương mại 2002, trong đó có các điều khoản mới về Quyền xúc tiến thương mại; xây dựng thêm các điều khoản cho Luật cơ hội và tăng trưởng dành cho châu Phi.
  • Zoellick đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tranh cãi giữa Mỹ với WTO về vai trò của Liên minh châu Âu đối với vấn đề thực phẩm chứa gien chuyển đổi. Vào thời điểm đó, quan điểm của Liên minh châu Âu là không chấp nhận thực phẩm chứa gien chuyển đổi, không chấp nhận cho tiêu thụ trên thị trường hoặc gây cản trở đối với quá trình bình thường hóa về vấn đề thực phẩm chứa gien chuyển đổi.

Quy trình lựa chọn Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  

Chính quyền Bush tỏ ra rất tự tin với ứng cử viên Robert Bruce Zoellick cho chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank). Nhưng tiếp theo vẫn còn có những thủ tục phải tiến hành và tuân thủ.

Chức chủ tịch mới sẽ được thông qua bởi Ban điều hành của Ngân hàng gồm 24 thành viên. Quá trình bỏ phiếu bầu chọn sẽ được tiến hành hoàn toàn bí mật, đảm bảo lựa ra một người trong số các ứng cử viên được các giám đốc điều hành đề cử.

Trong bản thông cáo báo chí đưa ra ngày thứ ba vừa qua, cho biết bất kỳ Giám đốc điều hành nào cũng có thể đề cử sự lựa chọn của mình, không nhất thiết chỉ riêng người Mỹ.

Trước đó, tất cả các Chủ tịch Ngân hàng thế giới đều là công dân Mỹ.

Về truyền thống, Mỹ được quyền lựa chọn chủ tịch Ngân hàng thế giới bởi quốc gia này là thành viên đóng góp lớn nhất cả về tài chính cũng như ảnh hưởng cho sự phát triển của tổ chức này. Đổi lại, châu Âu được quyền lựa chọn ra người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) .

Để đảm bảo tính dân chủ trong quá trình chọn lựa, các giám đốc điều hành của Ngân hàng thế giới sẽ phải đề ra một danh sách các tiêu chuẩn quan trọng cho sự chọn lựa vào vị trí này. Để có thể ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch, ứng cử viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đã đặt ra.

Rõ ràng, quá trình này sẽ không thể thực hiện được nếu chỉ có một ứng viên được đề cử. Và đó là lý do, một số thành viên Ngân hàng thế giới cho rằng đã đến lúc cần phải loại bỏ đặc quyền của nước Mỹ để mở ra cơ hội cho các ứng viên khác, có khả năng đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra với chức vụ Chủ tịch của tổ chức tài chính quan trọng hàng đầu thế giới này.

Các tiêu chuẩn lựa chọn:

  • Có thành tích và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, điều hành.
  • Kinh nghiệm đa dạng, chuyên sâu về quản lý và các tổ chức quốc tế.
  • Có thâm niên làm việc trong lĩnh vực công.
  • Sẵn sàng đối mặt các thách thức, thay đổi từ phía chính quyền.
  • Cam kết vì sự phát triển của tổ chức.
  • Có mục tiêu chính trị và tư cách độc lập.

LTL (Tổng hợp từ Forbes, Financial News, Foxnews)