itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Tân Thủ tướng Anh J.G.Brown

Tân Thủ tướng Anh, người đàn ông thâm trầm và hiện đại

Ảnh: Corbis

Bắt đầu từ 27/6, nước Anh sẽ chia tay 10 năm cầm quyền của ông Tony Blair để chào đón một lãnh đạo mới - ông Gordon Brown. Với ông, nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới tài giỏi, thâm trầm nhưng không kém phần hiện đại.

10 năm giữ chức Bộ trưởng Tài chính, vị trí quan trọng thứ hai trong chính phủ Anh, ông Brown dường như đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận chiếc ghế cao nhất trong nội các.

Ông James Gordon Brown sinh ngày 21/2/1951 tại Scotland. Thủa nhỏ, ông theo học trường trung học Kirkcaldy. Tại đây, nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông đã đủ điều kiện để vào học trường Đại học Edinburgh chuyên ngành lịch sử khi mới 16 tuổi. Ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng thạc sĩ năm 1972 và tiếp tục học để trở thành tiến sĩ năm 1982.

Ông được bầu vào quốc hội với tư cách nghị sĩ Công đảng đại diện cho vùng Đông Dunfermlime năm 1983 và từ đó nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng. Sau khi lãnh đạo Công đảng lúc bấy giờ là John Smith đột ngột qua đời tháng 5/1994, Brown được xem là một trong những chính trị gia nhiều tiềm năng lãnh đạo đảng nhất.

Những lời đồn đại về một thỏa thuận ngầm giữa hai gương mặt nổi bật của Công đảng lúc đó là Tony Blair và Gordon Brown đã tồn tại từ nhiều năm nay. Theo đó, ông Blair hứa sẽ để cho ông Brown kiểm soát các chính sách kinh tế, đổi lại việc ông lui bước trước Blair trong cuộc tổng tuyển cử.

Dù những lời đồn đại đúng hay sai thì rõ ràng mối quan hệ gắn bó và đoàn kết giữa hai ông, bất chấp những mâu thuẫn cá nhân, chính là chìa khóa cho mọi thành công của Công đảng trong thời gian qua.

Nhà hoạch định chính sách kinh tế Anh quốc

Trên cương vị Bộ trưởng, ông Brown đã thực sự thuyết phục công chúng về một Thủ tướng tương lai có tài quản lý tài chính. Ông đã khiến giới doanh nhân và tầng lớp trung lưu ở Anh tin tưởng rằng Công đảng sẽ điều hành một nền kinh tế không có lạm phát, thất nghiệp hoặc chi tiêu quá nhiều. Là Bộ trưởng Tài chính tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước Anh, 10 năm ông nắm quyền là 10 năm nước Anh duy trì phát triển bền vững.

Đầu tiên, ông trao cho ngân hàng Anh quốc quyền tự chủ vận hành trong chính sách tiền tệ đồng thời cũng là trách nhiệm định ra các lãi suất. Giữ lời hứa không tăng thuế thu nhập trong cương lĩnh tranh cử của Công đảng năm 1997, ông đã đồng thời giảm cả tỷ lệ đóng thuế khởi điểm và tỉ lệ đóng thuế cơ bản. Ông cũng đặc biệt chú trọng mở rộng chi tiêu vào giáo dục và y tế bằng cách tăng phí bảo hiểm toàn quốc để đầu tư vào y tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ông Brown trên cương vị của mình đã đem đến hai thành tựu cơ bản cho nền kinh tế Anh là tăng trưởng và việc làm. Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Anh trong giai đoạn 1997-2006 là 2,7%, so với mức trung bình của cả châu Âu là 2,1%. Tỉ lệ thất nghiệp ở Anh hiện là 5,5%, so với mức trung bình của cả châu Âu là 8,1%.

Thách thức đối nội và đối ngoại

Tiếp nhận chính phủ do Công đảng cầm quyền từ tay ông Tony Blair, ông Brown sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mà người tiền nhiệm để lại như duy trì phát triển kinh tế, cuộc chiến Iraq và đảng Bảo thủ đối lập đang ngày càng gia tăng cạnh tranh.

Về đối nội, ông Brown đặt giáo dục và nhà ở là hai vấn đề ưu tiên hàng đầu. Cải thiện hệ thống y tế quốc gia cũng là mối quan tâm của ông. Hiện đại hóa và tài trợ dịch vụ công cũng là nhiệm vụ lớn nhất của chính phủ Công đảng. Chi tiêu công đã là thành công của Công đảng trong nhiều năm qua khi tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại các bệnh viện và trong ngành giáo dục. Khó khăn đặt ra cho ông Brown là phải tăng cường hơn nữa hiệu quả của chính sách này trong khi vẫn duy trì nợ công ở mức hợp lý để không trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Về đối ngoại, ông Brown đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách của Anh đối với Iraq: "Nước Anh sẽ đáp ứng bổn phận quốc tế của mình trong các vấn đề Iraq, Afghanistan và Trung Đông" và khẳng định "để có thể cô lập và đánh bại chủ nghĩa khủng bố cực đoan, cần phải có nhiều quân đội hơn nữa".

Ông cũng cho biết nước Anh sẽ hợp tác với Liên minh châu Âu, Mỹ và các nước trên thế giới để tạo lập phản ứng đa phương mạnh mẽ nhất đối với các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố và biến đổi khí hậu.

Ông Brown còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường và chống đói nghèo trên thế giới. Ngày 20/4/2006, phát biểu tại Liên hợp quốc, ông đã phác thảo một tầm nhìn “xanh” cho phát triển toàn cầu: “…bỏ qua những dị biệt giữa chúng ta, giờ đây, các mục tiêu kinh tế và chiến lược bảo vệ môi trường ngày càng đòi hỏi chúng ta phải gắn kết với nhau… phát triển bền vững môi trường không phải là một sự lựa chọn, đó là sự bắt buộc, vì sự phát triển của các nền kinh tế, vì mục tiêu đẩy lùi đói nghèo, vì sự thịnh vượng chung của tất cả chúng ta, không chỉ cho thế hệ hiện nay mà cả các thế hệ mai sau”.

Ông cũng cam kết viện trợ 8,5 tỉ bảng trong vòng 10 năm để tạo dựng cơ sở học tập cho 15 triệu học sinh ở các nước nghèo. Theo ông, giáo dục sẽ là món quà lớn nhất mà các nước giàu có thể tặng cho những quốc gia thiệt thòi.

Ngoài ra, chính phủ mới của Anh cũng sẽ ưu tiên cho lĩnh vực chăm sóc y tế, đặc biệt là chữa trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại các nước đang phát triển.

Thách thức chính trị lớn nhất sẽ đến với ông trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2009 với nhiệm vụ đem đến chiến thắng lần tư liên tiếp cho Công đảng cầm quyền. Đảng Bảo thủ đối lập với một thủ lĩnh mới rất trẻ trung đang tăng tốc, bắt đầu bằng việc về nhất trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái.

Điều này đòi hỏi ông Brown phải nỗ lực để vực lại hình ảnh đang đi xuống của Công đảng, và cũng là đảm bảo cho bản thân ông vững vàng trên cương vị Thủ tướng để thực hiện những chính sách mà ông đã ấp ủ trong 10 năm chờ đợi.

Sự thay đổi hình ảnh của Thủ tướng tương lai

Năm 1997, khi những người đứng đầu Công đảng chuyển đến phố Downing, Thủ tướng Tony Blair và Bộ trưởng Gordon Brown là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược.

Ông Blair có một gia đình đầm ấm với vợ và ba đứa con, vui tính, hay cười, chải chuốt và tràn đầy nhiệt huyết. Trong khi đó, ông bạn Brown độc thân lại được miêu tả là một người Scotland nghiêm túc, trầm tư, tóc tai và quần áo hơi cẩu thả.

Hình ảnh khắc khổ đó tuy không giúp ông dẫn đầu trong chiến dịch tổng tuyển cử của Công đảng, nhưng lại rất hữu dụng đối với một Bộ trưởng Tài chính mẫn cán.

Sự điềm đạm, đứng đắn của ông đã giúp Công đảng rất nhiều trong nỗ lực cải thiện tai tiếng là kém cỏi về kinh tế. Bộ trưởng Brown được xem là một điển hình về tình chính trực, cẩn trọng và không ngại ngần đưa ra những quyết định khó khăn.

Ông Brown là một người hết lòng vì công việc. Trong chiến dịch tranh cử năm 1997, người ta nói ông đã làm việc trung bình 18 tiếng một ngày và 6 ngày một tuần. Ông chăm chỉ đến nỗi người bạn gái lúc đó của ông là Công chúa Marguerite xứ Romania đã phải nhận xét rằng "quan hệ với ông Brown chỉ là chính trị, chính trị, chính trị".

Nhưng trong 10 năm được coi là Thủ tướng xếp sổ chờ, hình ảnh của ông đã thay đổi đáng kể từ một người độc thân giản dị thành một người quý ông chỉnh tề có gia đình hạnh phúc. Người làm nên sự chuyển biến mới mẻ đó có lẽ không phải ai khác chính là vợ ông, bà Sarah Brown, một chuyên gia về quan hệ công chúng.

Hình ảnh của ông trước công chúng giờ đây đã nhẹ nhàng và dễ gần hơn nhiều, những bộ vest đen truyền thống với sơ mi trắng và cà vạt đỏ đã nhường chỗ cho áo sơ mi hở cổ và cà vạt hồng hoặc tím. Ông cũng cười nhiều hơn so với trước đây, răng ông đã trắng lên trông thấy, các bức ảnh chụp trông đã thoải mái hơn và ông không còn ngại ngần khi đối thoại về bất cứ chủ đề nào.

Hồi World Cup năm ngoái, ông tuyên bố mình là một fan trung thành của đội tuyển Anh và thậm chí còn mời các phóng viên đến cùng xem với ông một trận đấu. Ông cũng không ngại ngần tiết lộ sở thích nghe nhạc hiện đại, rằng ông có một chiếc iPod và là fan của loạt phim truyền hình X-Factor. Ông còn chia sẻ rằng vợ ông có một mong muốn: nếu có một bộ phim làm về ông, bà muốn người đóng vai chồng mình sẽ là nam tài tử điển trai của Hollywood George Clooney.