itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Bắc Hàn muốn học Đổi mới từ VN

Bắc Hàn muốn học Đổi mới từ VN

Ông Kim Jong-Il có ấn tượng về cải

cách kinh tế của Việt Nam

Tuyên bố của Chủ tịch Bắc Hàn, muốn học các kinh nghiệm cải cách kinh tế VN, đã nhận được nhiều sự tán thưởng.

Hàn Quốc hôm nay đã hoan nghênh việc Bắc Hàn muốn học hỏi các kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam.

Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc Cheon Ho-Seon nói: “Việc Bắc Hàn muốn học hỏi các kinh nghiệm từ Việt Nam là điều đáng khuyến khích”.

Một tờ tạp chí tuần có trụ sở ở Hong Kong đưa tin hôm chủ nhật rằng Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Il dự kiến sẽ tới Việt Nam để xem xét và đánh giá các cải cách kinh tế mà Việt Nam tiến hành từ năm 1986.

Tờ Á châu tuần san cho biết rằng ông Kim đưa ra ý định trên trong khi gặp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại Bình Nhưỡng hồi đầu tháng.

Báo này dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cho biết: "Trong khi gặp Tổng bí thư Mạnh, Chủ tịch Kim Jong-Il đánh giá cao những thành tựu do tiến trình đổi mới mang lại trong 20 năm qua".

Ông Khiêm cũng được trích lời cho biết Chủ tịch Bắc Hàn đã nhận lời mời của ông Mạnh tới Hà Nội trong tương lai.

Chuyến thăm hiện thời của Thủ tướng Kim Yong-Il tới Việt Nam được coi là nhằm để chuẩn bị cho chuyến công du tiếp theo của chủ tịch Bắc Hàn.

Ông Kim đi thăm một mỏ than, cảng biển và một khu công nghiệp, đồng thời hai bên cũng ký văn bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và văn hóa.

‘Phải mở cửa’

Một số nhà quan sát nói Bắc Hàn, sau nhiều năm dài đóng cửa, thì nay bắt đầu quan tâm đến những kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam.

Giáo sư về quan hệ quốc tế ở Đại học Ngoại ngữ Pusan, Hàn Quốc, Hwang Gwi Yeon, nhận định: “Bắc Hàn giờ có nhiều quan tâm về đổi mới của Việt Nam vì Bắc Hàn cần mở cửa và cải cách".

"Bắc Hàn biết rằng chính trị của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý, và kinh tế cộng sản và tư bản có thể làm được”.

“Trước đây, Bắc Hàn sợ rằng nếu nước này mở cửa và cải cách, Đảng Cộng sản gặp bất lợi, nhưng Việt Nam bây giờ an toàn, chính trị là cộng sản và kinh tế là tư bản. Hai chế độ khác nhau nhưng vẫn tồn tại được. Bắc Hàn biết điều đó”.

Ông Hwang cũng cho rằng kinh tế tư nhân của Bắc Hàn sẽ được cho phép phát triển.

Ông nói: “Bắc Hàn hiện giống như 15 năm trước của Việt Nam. Bắc Hàn phải mở cửa, phải cải cách là chắc chắn”.

Hoa Kỳ từng khuyến khích Bắc Hàn theo con đường Việt Nam để cải tổ và chuyển hướng ngoại giao.

Hồi tháng 11.2006, Ngoại trưởng Condoleezza Rice phát biểu khi đến Hà Nội dự Hội nghị APEC nói rằng cách hội nhập của Việt Nam đáng để Bắc Hàn và Miến Điện noi theo.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng được truyền thông trích lời trước chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh sang Bình Nhưỡng hồi giữa tháng 10.2007 nói Việt Nam "không có ý định xây dựng một mô hình để Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên noi theo".

Khó khăn

Nền kinh tế Bắc Hàn rơi vào tình trạng khó khăn sau những năm 90 khi Liên Xô sụp đổ, dẫn tới việc thiếu hụt nguồn viện trợ cơ bản.

Giữa những năm 90, Bắc Hàn lại rơi vào một đợt hạn hán kéo dài và vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ quốc tế.

Năm 2002, đất nước này đưa ra một số cải cách nhằm thúc đẩy sự linh hoạt trong việc áp đặt giá cả cũng như các sáng kiến thúc đẩy công ăn việc làm.

Nhưng những cải thiện không đi đến đâu vào năm 2005 khi nhà nước cấm tư nhân bán lương thực và tái triển khai cơ chế phân bổ lương thực tập trung.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nền kinh tế Bắc Hàn phát triển ở mức 1,1% một năm, do thiên tai, lụt lội và tranh cãi quốc tế về chương trình hạt nhân.

Với dân số chừng 23 triệu dân, Bắc Triều Tiên tập trung nhiều vào phát triển quân đội.

Truyền thông Phương Tây thường cho rằng đây là quốc gia tự cô lập cao độ vào bậc nhất trên thế giới.

Theo BBC