itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Bắt đầu cuộc chiến Bhutto-Musharraf

Bắt đầu cuộc chiến Bhutto-Musharraf

Hàng rào cảnh sát quản thúc

bà Bhutto ở Lahore - Ảnh: AFP

Thủ lĩnh đối lập Benazir Bhutto đã kêu gọi Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ làm thủ tướng dưới trướng của ông này.

Tuyên bố cứng rắn

Bà Bhutto, Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP) từ lâu kêu gọi ông Musharraf từ chức tổng tư lệnh quân đội và trở thành tổng thống dân sự, nhưng hôm qua là lần đầu tiên bà kêu gọi vị tướng Pakistan rời khỏi cả chức vụ tổng thống.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi bà Bhutto bị nhà cầm quyền Pakistan quản thúc lần thứ hai trong vòng 5 ngày, chỉ vài giờ trước khi cuộc "trường chinh" do bà khởi xướng từ Lahore đến Islamabad bắt đầu vào hôm qua. "Chính ông Musharraf là một trở ngại cho dân chủ. Để bảo vệ Pakistan, Musharraf phải từ chức", bà Bhutto phát biểu với mạng truyền hình tư nhân Geo trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nơi bà bị quản thúc ở Lahore. Khi được hỏi liệu bà có làm việc với tướng Musharraf trong một chính phủ tương lai hay không, người phụ nữ này nói thẳng thừng: "Không!".

Nguy cơ bị trục xuất

Bà Bhutto buộc tội Tổng thống Musharraf đã áp đặt thiết quân luật, chứ không đơn thuần là tình trạng khẩn cấp như ông tuyên bố, vào ngày 3.11 khi quyền của công dân bị đình chỉ và hàng ngàn đối thủ chính trị bị bắt giữ. Bà Bhutto nói rằng, một khi bà và các thành viên của PPP được trả tự do, "chúng tôi sẽ tuần hành đòi bãi bỏ thiết quân luật, và tuần hành để bảo đảm Musharraf từ chức vì sự lãnh đạo của ông đang đẩy quốc gia hạt nhân này vào tình trạng nguy hiểm hơn là cứu nó thoát khỏi nguy cơ vô chính phủ và bất ổn", bà nói với CNN. "Tôi thà ở tù tại Pakistan còn hơn là bị trục xuất", bà Bhutto cho biết khi có những thông tin rằng chính phủ đang chuẩn bị đưa bà khỏi Lahore. "Tôi sẽ không rời bỏ dân tôi ngay cả khi bị bắt".

Bà Bhutto cho biết PPP có thể tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội mà ông Musharraf đã cam kết sẽ diễn ra trước ngày 9.1. Bà cũng tỏ ý muốn lập một liên minh với các đảng đối lập, bao gồm cả phe của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, nhằm khôi phục dân chủ cho Pakistan. Hôm 12.11, bà tuyên bố khép lại mọi cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với ông Musharraf.

Nhà riêng thành nhà tù

Thủ lĩnh PPP hôm qua xác nhận bà đã bị áp đặt lệnh quản thúc trong một tuần lễ. Lệnh này được đưa đến nhà của thượng nghị sĩ Latif Khosa, nơi bà lưu trú kể từ khi đến Lahore. Chính quyền cấm tổ chức cuộc "trường chinh" vì lý do an ninh, còn lệnh quản thúc nhằm ngăn chặn bà Bhutto kích hoạt thêm làn sóng chống tình trạng khẩn cấp được ban bố cách đây 10 ngày. Chính phủ đã dựng nhiều hàng rào dây thép gai bao quanh nơi bà Bhutto lưu ngụ. Xe tải và container phong tỏa lối vào ngôi nhà và hai đầu đường dẫn vào nhà. Khoảng 4.000 cảnh sát trong trang phục chống bạo động cầm dùi cui bao vây xung quanh nhằm ngăn chặn những người toan tính đột nhập. Khoảng 100 người đã bị bắt giữ xung quanh địa điểm này vào hôm qua. "Giờ đây, ngôi nhà đã được biến thành nhà tù", AFP dẫn lời chỉ huy cảnh sát Ayaz Salim. Các nhân viên quản giáo đang ở bên ngoài ngôi nhà để giúp thực thi lệnh quản thúc.

Áp lực quốc tế

Tổng thống Musharraf đang phải gánh chịu áp lực ngày càng tăng của quốc tế, đặc biệt là các đồng minh phương Tây, về việc đưa Pakistan trở lại con đường dân chủ. Cho đến nay ông vẫn từ chối cho biết khi nào khôi phục hiến pháp và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống Mỹ George W.Bush hôm 12.11 đã giục ông Musharraf bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte cũng sẽ sớm đến Pakistan để tìm giải pháp hòa giải. Khối Thịnh vượng chung đã ra "tối hậu thư" cho ông Musharraf bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, khôi phục hiến pháp và rời bỏ quân đội trước ngày 22.11, nếu không tư cách thành viên của Pakistan trong khối này sẽ bị đình chỉ. Nhật đang xem xét lại việc viện trợ cho Pakistan liên quan đến tình trạng khẩn cấp.

Cũng cần nói rõ là trong 7 ngày "giam giữ" bà Bhutto, ông Musharraf phải đối mặt với 2 sự kiện quan trọng. Thứ nhất, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ hết hạn vào ngày 15.11. Thứ hai, Tòa Tối cao có thể ra phán quyết về tư cách tái ứng cử tổng thống của ông vào cuối tuần này. Giới quan sát đang chờ xem lời kêu gọi và cũng là "tuyên chiến" mà bà Bhutto đưa ra hôm qua sẽ đem lại hiệu ứng gì cho cuộc khủng hoảng Pakistan.

Trùng Quang (Theo Thanh Niên)