itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Đền thờ Maya tàn tạ sau "ngày tận thế"

Đền thờ Maya tàn tạ sau "ngày tận thế"

Việc du khách đổ về Guatemala mở tiệc “tận thế” đã khiến ngôi đền ở Tikal, khu di chỉ khảo cổ lớn nhất và là trung tâm đô thị của nền văn minh Maya, hư hỏng nặng.

“Đáng buồn là nhiều du khách leo trèo lên Đền II gây hư hại nặng”, ông Osvaldo Gomez, nhân viên bảo tồn tại khu di tích cách thủ đô Guatemala City 550km này cho biết.
"Chúng tôi không phản đối việc tổ chức lễ hội nhưng (các du khách) cần có ý thức hơn vì đây là một di sản văn hóa thế giới ", ông Gomez chia sẻ trên báo chí địa phương.
Ông Gomez cho biết chi tiết những hành động phá hoại di tích của du khách, mặc dù ông khẳng định đã có bảng yêu cầu cấm trèo lên những bậc thang của ngôi đền và những hư hại này là không thể khắc phục.
Trước đó, có những phản ánh cho thấy nhiều du khách tự ý viết lên thành đền vì muốn để tại dấu tích của bản thân tại di tích nổi tiếng thế giới này!
Đền II cao khoảng 38 m và đối diện với quảng trường trung tâm Tikal, là một trong những công trình có cấu trúc nổi tiếng nhất của khu di tích.
Hôm 21-12 đánh dấu ngày cuối cùng trong bộ lịch đếm (Long Count) dài 5.200 năm của người Maya cổ. Một số người tin rằng ngày này cũng đánh dấu sự tận diệt của thế giới theo sự tiên tri của người Maya.
Hơn 7.000 người đã đổ xô tới Tikal vào đúng hôm 21-12 để tận mắt chiêm ngưỡng những nghi lễ đặc sắc của người Maya và chứng kiến thời khắc mặt trời lên, mở ra một kỷ nguyên mới.
Các nhà phê bình cho rằng sự kiện này thực chất chỉ nhằm kinh doanh du lịch chứ không mấy liên quan tới người Maya. Khoảng 42% trong số 14,3 triệu dân của Guatemala là người gốc Maya, phần lớn họ có cuộc sống nghèo khó và bị phân biệt đối xử.
Nền văn minh Maya đạt đỉnh cao của sự thịnh vượng ở Trung Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 250 đến 900 sau công nguyên. Năm 1979, UNESCO công nhận Tikal là di sản thế giới. Đỗ Quyên (Theo The Age)